Tâm lý tẩy chay chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Ấn Độ đã bùng phát từ khi đại dịch virus corona Vũ Hán hoành hành toàn cầu. Tâm lý chống Trung tiếp tục tăng cao sau khi 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ với lính Trung Quốc tại cao nguyên Ladakh.
Cựu chiến binh Rumel Dahiya, từng làm việc tại bộ tổng tham mưu quân đội Ấn Độ, nói với The Epoch Times: “Với Ấn Độ, họ [Trung Quốc] đã trở thành kẻ thù vĩnh viễn. Ít nhất phải 2 thế hệ nữa Trung Quốc mới có thể được đón nhận sự thân thiện từ chúng tôi”.
Ông Dahiya cho rằng Trung Quốc có thể đã quên tất cả sự ủng hộ của Ấn Độ tại các diễn đàn quốc tế. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới “các diễn đàn nhân quyền” và nói rằng Ấn Độ sẽ thay đổi chính sách nhập khẩu và sẽ thực hiện từng bước để kiểm soát đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ, Trung Quốc mua bất động sản Ấn Độ, và các công ty Trung Quốc mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Ông Dahiya trước đây cũng đã từng làm Phó Tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng – một cơ quan tư vấn nhận tài trợ từ chính phủ Ấn Độ, nhận định: “Một số ngành nhất định sẽ đóng cửa với Trung Quốc vì lý do an ninh… Sẽ cần nỗ lực đa dạng hóa nhập khẩu và giảm một cách hệ thống việc nhập khẩu từ Trung Quốc”.
Bất bình với việc các công ty Trung Quốc trong đó có Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua cổ phiếu trong thị trường chứng khoán Ấn Độ vào thời điểm virus corona Vũ Hán bắt đầu lây lan mạnh, chính phủ Ấn Độ hồi tháng Tư đã bãi bỏ chính sách phê duyệt tự động đối với nguồn vốn FDI từ các nước láng giềng. Ông Dahiya nói rằng “các nước láng giềng” ở đây “chỉ có nghĩa là Trung Quốc”.
Một ngày sau vụ ẩu đả giữa binh lính hai nước Trung- Ấn dẫn đến chết người trên khu vực Galwan, cao nguyên Ladakh, Bộ Viễn thông Ấn Độ đã yêu cầu công ty viễn thông nhà nước BSNL phải làm việc lại về mạng di động 4G nhằm loại bỏ sự tham gia của các công ty Trung Quốc. Bộ Viễn thông cũng khuyến cáo các công ty viễn thông tư nhân Ấn Độ không nên mua thiết bị của các công ty Trung Quốc.
Ông Dahiya cho biết Ấn Độ hầu như nhập khẩu lốp xe từ Thái Lan và Trung Quốc và mặt hàng này đã được cấp phép nhưng mọi thứ bây giờ sẽ thay đổi. “Lốp xe của Thái Lan sẽ được cấp phép nhưng sẽ không cấp phép cho lốp xe từ Trung Quốc nữa”.
Tẩy chay sản phẩm Trung Quốc
Tại Ấn Độ có nhiều lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm Trung Quốc, nhưng một lời kêu gọi phổ biến nhất đã bắt đầu trong thời điểm căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung quốc tại khu vực Ladakh ngay trong lúc virus corona vẫn đang lây lan mạnh. Làn sóng tẩy chay sản phẩm Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ sau khi 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.
Làn sóng tẩy chay bắt đầu khi nhà cải cách giáo dục Ấn Độ nổi tiếng Sonam Wangchuk đã phát đi lời kêu gọi tẩy chay Trung Quốc với những khẩu hiệu như “Tẩy chay Trung Quốc”, “Tẩy chay Sản xuất tại Trung Quốc” và “Bất cứ nơi đâu trừ Trung Quốc”.
Lấy động lực từ lời kêu gọi của ông Wangchuk, cậu bé Chirag Bhansali 16 tuổi đã lập trình một nền tảng trực tuyến để cung cấp cho người dân Ấn Độ, đặc biệt là những bạn học của cậu những lựa chọn tại bản địa thay thế cho nhiều ứng dụng và sản phẩm Trung Quốc.
Cậu bé Bhansali đang là học sinh và cũng là lập trình viên đã mất 10 ngày để hoàn thành nền tảng trực tuyến của mình và cho ra mắt vào ngày 12/6, một vài ngày trước khi xảy ra vụ đụng độ tại Galwan, Ladakh.
“Tôi muốn ủng hộ tinh thần dân tộc chủ nghĩa”, Bhansali nói với The Epoch Times qua điện thoại từ Noida. Cậu bé nói thêm rằng các ứng dụng Trung Quốc có vấn đề về an ninh và cậu cũng muốn hưởng ứng lời kêu gọi của ông Wangchuk.
Cùng với nhiều thứ khác, nền tảng được gọi là “Swadeshi Tech” của Bhansali lập danh sách các ứng dụng và các sản phẩm của Ấn Độ để thay thế cho các sản phẩm của Trung Quốc như máy tính xách tay, tivi, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, máy ảnh và điều hòa nhiệt độ. Nền tảng trực tuyến của Bhansali đã thu hút hơn 55.000 khách truy cập trong hơn 10 ngày và đã nhận được lời chào hỏi, động viên từ ông Wangchuk.
Kiến trúc sư Prasanth A.K, 55 tuổi, sống tại thành phố Calicut, miền nam Ấn Độ và đã từng tới Trung Quốc nhiều lần nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng đang có tâm lý chống Trung Quốc mãnh liệt trong cộng đồng doanh nghiệp khắp Ấn Độ, nhưng ông đang cố gắng tìm nhiều cách thức để thúc đẩy sản xuất địa phương, bởi vì đó là cách duy nhất để duy trì tẩy chay sản phẩm Trung Quốc.
Ông Prasanth tin rằng việc tẩy chay hoàn toàn sản phẩm Trung Quốc chỉ có thể xảy ra nếu Ấn Độ đạt được “nền kinh tế chất lượng” ở tất cả các ngành nghề.
Ông Prasanth cho biết người dân Ấn Độ bây giờ đã thay đổi “quan điểm về giá trị” và họ đang dần dần thoát ra khỏi sự hấp dẫn của các “sản phẩm Trung Quốc giá rẻ”.
“Làm sao để đứng vững trên đôi chân của mình là xung động chính tại Ấn Độ hiện nay. Thế giới trước đó đã miễn cưỡng đi ngược dòng với Trung Quốc. Bây giờ, nhiều quốc gia đang cố gắng tự lực”, ông Prasanth nói.
Ấn Độ đấu với chế độ Cộng sản Trung Quốc
Ông Dahiya nói rằng chính phủ Ấn Độ đã nhận thức được rằng những gì xảy ra trên cao nguyên Galwan có thể đã không xảy ra nếu không có sự nhất trí của chế độ cộng sản Trung Quốc và sự vụ này phơi bày thêm nữa cho công chúng Ấn Độ biết về bản chất của chế độ cộng sản Trung Quốc.
“Chúng tôi cũng biết rằng có một cấu trúc song song tại mỗi cấp độ. Mỗi cấp độ chỉ huy đều có người của quân đội và người của Đảng Cộng sản”, ông Dahiya nói.
“Quân Ủy Trung ương (CMC) thực thi quyền lực to lớn. Chính CMS kiểm soát quân đội Trung Quốc”, ông Dahiya giải thích.
Ông Dahiya nói rằng chính quyền Ấn Độ biết rằng “ĐCSTQ là nguy hiểm… thậm chí từ những năm 1950, 1960 và 1970, chúng tôi đã biết hệ thống Trung Quốc là khác biệt, và hệ thống Trung Quốc là không tốt”.
Ông Dahiya cho biết khái niệm từng gắn với Trung Quốc là “trí tưởng tượng tự do cấp tiến”, nhưng bây giờ nó sẽ là khác.
“Chúng tôi bây giờ biết rằng chế độ Trung Quốc là khác biệt so với chúng tôi và biết rằng chế độ Trung Quốc thậm chí không bận tâm tới người dân của họ. Chúng tôi cũng biết mỗi hoạt động kinh tế diễn ra đều có sự dính líu của các lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ”, ông Dahiya nói.
Như Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
The post Dân Ấn Độ tẩy chay chế độ Trung Quốc do virus corona và xung đột biên giới appeared first on Trí Thức VN.