“Một buổi lễ tốt nghiệp chưa từng xảy ra: sinh viên ngồi trên màn hình… ở nhà, xem ông hiệu trưởng đứng trước micro đọc… một mình trước chiếc camera. Đại dịch COVID-19 quả đã gây một cú sốc lớn, không chỉ cho học sinh mà cả phụ huynh”.
Đó là lời chia sẻ của ông Joaquin Trần ở thành phố Vallejo thuộc tiểu bang California khi ông nói về buổi lễ tốt nghiệp của cậu con trai Jack Trần 22 tuổi.
Jack Trần mới tốt nghiệp loại giỏi ngành khoa học máy tính (Computer Science) của trường Đại học James Madison ở thành phố Harrisonburg thuộc tiểu bang Virginia.
Chia sẻ với nhật báo Người Việt, Jack cho biết: “Phần đông bạn bè của con rất buồn vì không được dự một lễ tốt nghiệp bình thường, mà phải làm online. Nhưng con thì không bất ngờ cho lắm, vì đã biết trước dịch bệnh này rất kinh khủng. Con chỉ hơi tiếc là trong ngày kỷ niệm này của con, lẽ ra có mặt gia đình, rồi cả nhà cùng nhau đi ăn tiệc mừng, nhưng điều đó không xảy ra”.
Gia đình Jack Trần đã chuyển từ tiểu bang Virginia sang tiểu bang California sinh sống, nhưng vì còn năm cuối cùng nên Jack ở lại chờ đến khi tốt nghiệp. Ông Joaquin cho biết gia đình ông đã mua vé máy bay sang Virginia để dự lễ tốt nghiệp của con, nhưng đều phải hủy toàn bộ, và chỉ một mình ông qua đón con về lại California.
Caitlin Tô, một trong những học sinh gốc Việt của trường trung học Garden Grove cho biết: “Tuần trước, trường của con gửi email cho học sinh đến trường để lấy áo và nón đem về chụp hình cho ngày tốt nghiệp. Nhà trường dặn tụi con quay video lại, rồi gửi cho hiệu trưởng. Tới….. khi trường tổ chức lễ tốt nghiệp trên YouTube, tụi con vào xem, khi đó hiệu trưởng đọc tên ai, thì họ sẽ chiếu video mà tụi con gửi tới”.
“Con thấy buồn lắm, mấy bạn con cũng buồn. Con và mấy bạn nói với nhau, mình chờ đợi ngày này suốt 13 năm rồi, bây giờ đến ngày ra trường, không có bạn cùng ngồi bên cạnh, không có ba mẹ đi cùng, không được đeo dây, rồi đi lên bục để nhận giấy tốt nghiệp”, Caitlin chia sẻ.
“Dây” mà Caitlin nói đến chính là những “bằng chứng” của những lần em làm công việc thiện nguyện trong câu lạc bộ của trường. Thông thường, các học sinh rất vinh dự khi đeo dây trong ngày lễ tốt nghiệp để chứng tỏ các em không chỉ học giỏi, mà còn có nhiều thành tích tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng.
Caitlin học rất giỏi và có tất cả sáu “dây”. Em kể: “Con thích đi giúp đỡ người nghèo, người đau yếu, người già, và cả trẻ em nữa. Con cũng cùng đội nhóm đi làm sạch bãi biển, rồi đi thu quần áo, mắt kiếng của người không sử dụng nữa, đem cho người nghèo không có tiền mua mắt kiếng, không có tiền mua quần áo”.
“Con sẽ chọn ngành tâm lý học”, Caitlin nói với nhật báo Người Việt. “Khi ra trường, con sẽ giúp các em nhỏ từ 1 đến 11 tuổi chậm phát triển, bị bệnh tự kỷ, để các em biết làm công việc, chăm sóc bản thân, rồi con nói chuyện với các em. Con rất thích chơi với các em bé”.
Dominica Thục Uyên Cao, cư dân thành phố Garden Grove, tốt nghiệp từ trường Đại học Smith College cho biết: “Thật ra con cũng không buồn lắm khi không có được ngày tốt nghiệp tại trường, nhưng con và mấy bạn biết ‘kiếm cách’ làm một lễ tốt nghiệp, ‘giả vờ’ thôi!”.
Dominica kể rằng, khi em và các bạn nhận được email thông báo về việc trường học sẽ đóng cửa vào ngày 10/3 do dịch COVID-19, nên một tuần trước đó, em và các bạn đã cùng nhau làm giả cảnh như trong ngày lễ tốt nghiệp thật, là đội nón, mặc áo choàng, đứng trên sân khấu, tung nón, và chụp hình kỷ niệm.
“Mọi người trong trường, các sinh viên chưa tốt nghiệp ra xem tụi con làm, cũng đông và vui lắm!”, Dominica nói.
Chị Hằng Nguyễn, mẹ của bé Minh Hân, học sinh trường trung học Costa Mesa, một trong số các thủ khoa bậc trung học của Quận Cam chia sẻ: “Là mẹ, tôi biết con mình buồn lắm, vì lễ tốt nghiệp đã được chuẩn bị từ lâu, và trường cũng đề nghị được làm lễ trực tiếp nhưng học khu không đồng ý”.
“Minh Hân là cô bé rất ít khi phàn nàn điều gì, nên dù có buồn, bé cũng không kêu ca. Tuy nhiên, cháu và các bạn rất đang trông chờ, háo hức cho tiệc mừng ngày tốt nghiệp vào đầu tháng 8, do nhà trường tổ chức để ‘bù đắp’ cho những thiệt thòi của học sinh ra trường năm nay khi trúng vào mùa dịch bệnh”, chị cho biết.
“Tuy chưa được tổ chức các buổi tiệc lớn, nhưng Minh Hân và các bạn cũng có những nhóm nhỏ tự ‘ăn mừng’ với nhau”, chị Hằng kể.
Một “lễ tốt nghiệp ảo” sẽ là kỷ niệm buồn trong cuộc đời học sinh. Chắc chắn những “nhân chứng lịch sử” trẻ tuổi của đại dịch COVID-19 sẽ nhớ mãi buổi lễ tốt nghiệp khác lạ của mình, để kể lại cho con cháu sau này.
Theo Đoan Trang/Người Việt
Băng Thanh biên tập
The post Học sinh gốc Việt tại Mỹ và ‘lễ tốt nghiệp online’: Con buồn, bạn con cũng buồn appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-20 23:13:02