Việc học của con luôn là nỗi trăn trở của người làm cha mẹ như chúng ta. Tôi muốn chia sẻ một vài quan điểm cá nhân của mình. Đây là những gì tôi đã đúc rút được sau một thời gian mắc sai lầm trong việc dạy con, không những khiến kết quả học tập của con không được cải thiện mà tình cảm bố con còn sứt mẻ, tinh thần cả bố và con đều kiệt quệ.
Lúc trước, con không muốn đi học thêm, tôi đồng ý vì nghĩ rằng con mới lên lớp 5, việc học thêm là không cần thiết. Vợ chồng tôi bận rộn nên không có nhiều thời gian giúp đỡ con. Một thời gian, tôi thấy con sống khép kín, rất hay quên. Tôi cũng thường nghe cô giáo phản ánh tình trạng bài vở ngán ngẩm của cậu quý tử.
Cuối cùng, tôi đã phải từ bỏ quan điểm giáo dục ban đầu và cho cháu đi học phụ đạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, từ đó trở đi, trong nhà tôi luôn có những tiếng mắng chửi.
Dù chúng tôi đầu tư rất nhiều tiền bạc cho con nhưng tình trạng cũng chẳng cải thiện là bao. Việc ngoài xã hội đã bù đầu, lại còn phải sắp xếp thời gian đưa con đi, đón con về từ những lớp học thêm, chúng tôi đã bận lại càng thêm bận. Ấy vậy mà con trẻ dường như chẳng hiểu cho bố mẹ, kết quả học tập vẫn rất tệ, đã vậy, cu cậu còn biếng lười, chểnh mảng, từ một cậu bé khép mình khi “tự học”, giờ thì quậy tưng bừng trên lớp. Bực mình quá, nhiều lúc nóng lên, tôi đánh con rất đau, đến nỗi mẹ nó xót quá phải lại giằng lấy cây roi.
Mỗi lần đánh con, đặc biệt là khi không kiểm soát được, tâm trạng của tôi cũng rất tồi tệ. Nhìn con thui thủi khóc rưng rức trong góc, tôi thấy vừa thương, vừa bất lực. Lúc đầu, tôi đánh, nó gào khóc. Mãi rồi nó chẳng khóc nữa, trạng thái “lì đòn”. Rồi một ngày, nó lại không chịu làm bài tập về nhà và chọc phá bạn trong lớp, sẵn cơn nóng giận vì cái hợp đồng vừa bị hủy, tôi cầm cái roi mà quất vun vút vào người con. Nó hét lên: “Con hận bố! Con ghét học! Con ghét thế giới này!”. Tôi sững lại… Đứa con bé bỏng của tôi, đứa con mà tôi hết lòng yêu thương, ngày hôm nay, nó đã thốt lên những lời như cứa vào tim tôi vậy. Chỉ vì học tập mà con phải chịu sự mệt mỏi về cả tinh thần và thể xác. Chỉ vì học tập mà tôi đã tự biến mình thành ông bố “đáng hận” trong lòng con… Tôi đã làm gì thế này? Một cảm giác đau đớn trào lên khiến tim tôi như bị bóp nghẹt.
Cho đến bây giờ, mỗi lần nghĩ về những ngày đó, tôi vẫn cảm thấy vô cùng ân hận. Kể từ sau lần đó, tôi quyết tâm thay đổi, bởi tôi biết, lỗi tại tôi, không phải tại con…
Tôi xin nêu ra một vài kinh nghiệm đã đúc rút được. Rất mong các bậc phụ huynh cùng chia sẻ để con cái chúng ta được hưởng môi trường giáo dục tốt hơn.
1. Luôn nỗ lực hết mình để giáo dục con cái, thứ các con cần là tình thương và thời gian của chúng ta, không phải là… học phí
Bổn phận của bậc làm cha mẹ là sinh thành và nuôi dưỡng con nên người. Chúng ta không cần phải là một nhà giáo dục xuất sắc, cũng không cần nhiều tiền bạc để làm được điều đó. Con của chúng ta cũng không cần trí tuệ tuyệt đỉnh để trở thành một người tốt. Giáo dục tri thức đương nhiên rất quan trọng, nhưng giáo dục nhân cách mới là điều cần chú tâm hàng đầu. Và bố mẹ hãy trở thành tấm gương.
Đừng trút hết trách nhiệm lên vai các thầy cô, cũng đừng để con một mình “bơi” giữa dòng đời. Hãy nỗ lực để cung cấp cho con một nền tảng giáo dục trong gia đình thật lành mạnh. Hãy dành thời gian, yêu thương, kiên trì và nhẫn nại với con. Dạy cho con biết đâu là đúng, đâu là sai, là tốt hay là xấu. Trong việc học, dù nó hơi chậm tiếp thu so với những đứa trẻ khác và bị mất gốc, hãy luôn vui vẻ chấp nhận điều đó và động viên con phấn đấu vươn lên.
Các con sẽ cảm nhận được tình cảm thiêng liêng và những cố gắng của bố mẹ dành cho chúng. Đây mới là động lực chân chính và bền vững để các con vượt qua những khó khăn trong học tập và trong cuộc sống.
Tôi đã làm được điều đó, dù rất khó và cũng mất một thời gian dài. Mỗi lần tôi nổi nóng, câu nói và ánh mắt của con lại nhắc tôi về chữ “Nhẫn”. Tôi giảm bớt các cuộc gặp gỡ, giao lưu bên ngoài và cùng học với con. Con cũng cảm nhận được bố đang sửa sai, có hôm, nó ôm chầm lấy tôi, thủ thỉ: “Con xin lỗi bố ạ, con sai rồi. Con yêu bố!”. Gánh nặng trong lòng tôi như được trút hết ra ngoài. “Bố cũng sai rồi, con tha lỗi cho bố nhé!…”.
2. Hạnh phúc hay khổ đau là do chúng ta lựa chọn
Nếu con bạn thông minh, có ý thức tự giác và chăm chỉ, việc học của con sẽ không bao giờ khiến bạn lo lắng. Chắc chắc bạn sẽ rất hạnh phúc, và tôi chúc mừng bạn về điều đó.
Nhưng đa số con cái của chúng ta không hoàn hảo, giống như chúng ta vậy. Hoặc chúng quá lười, hoặc chúng học kém. Ta tự hỏi liệu mình có thể hạnh phúc với con cái như vậy không. Có đấy bạn à. Đây chẳng phải là cơ hội tốt để chúng ta dành nhiều thời gian hơn bên con sao? Nói chuyện nhiều hơn với con và cùng nhau tìm ra biện pháp đặc biệt để giải quyết.
Cậu con của tôi không muốn đi học, vậy là vợ chồng tôi đã cùng cháu đi nhặt rác ngoài đường suốt một ngày. Thấu hiểu nỗi vất vả để kiếm được đồng tiền, cháu đã hứa sẽ học hành nghiêm túc. Cháu gái tôi lại thuộc nhóm “cần cù bù thông minh”, nhưng chị tôi luôn kiên nhẫn học cùng con và chỉ cho con những phương pháp đặc biệt. Dần dà, cháu cũng có những tiến bộ của riêng mình.
Đừng ca thán hay chán nản bạn ạ. Đó không phải là nỗi xấu khổ hay nỗi đau khiến chúng ta dằn vặt bản thân mình, cũng không thể trở thành lý do để ta “tra tấn” con trẻ được. Nhà là nơi chúng ta và các con trút hết ưu phiền ra ngoài cánh cửa, là nơi ấm áp nhất của mỗi người. Đừng biến tổ ấm của mình thành nơi đẫm nước mắt con trẻ và đầy những tiếng la mắng, đòn roi.
Khi các con trưởng thành rồi, chúng ta sẽ ít có cơ hội gần gũi chúng hơn. Vậy nên, khi các con còn trong vòng tay bố mẹ, hãy dành thời gian cho con nhiều hơn, đó chính là hạnh phúc. Đừng chọn khổ đau. Chỉ những người yêu thương nhất mới có thể làm tổn thương một trái tim, nhưng đó là sự tổn thương mãi mãi.
3. Mỗi đứa trẻ có khả năng của chúng, làm cha mẹ xin hãy bao dung
Không ai chỉ vì con mình không cao hơn người khác mà ngày nào cũng đánh con, cũng không ai vì con mình chạy chậm mà mắng con mỗi ngày. Vậy cớ gì, khả năng tiếp thu của con chỉ đến đó, chúng ta lại cứ muốn ép con mình phải làm được cái nọ, cái kia, bằng người họ, hơn người kia? Nếu đã nằm ngoài khả năng của đứa trẻ, bố mẹ lại cứ cưỡng cầu, điều đó chẳng phải sẽ khiến ta và các con cùng đau khổ?
Nỗ lực cho tương lai của trẻ là được rồi. Đừng quá lo lắng về tương lai của chúng. Cây lớn có thể vươn lên trời và cỏ non cũng có thể xanh tốt.
Con chúng ta có thể học toán không giỏi, nói tiếng Anh kém, nhưng biết đâu nó lại có năng khiếu hội họa bẩm sinh, hay chơi piano rất tuyệt? Thay vì trách móc con cái và tạo thêm áp lực cho lũ trẻ, bố mẹ hãy bao dung, hãy chấp nhận những khiếm khuyết và cùng con tìm ra những ưu điểm, khắc phục các hạn chế. Chúng ta hãy giúp con cái quản lý thời gian, cùng chúng lập kế hoạch cho tương lai. Thầy cô có thể than vãn về con, các bạn khác có thể chê cười chúng, nhưng bố mẹ thì khác. Có lẽ, chỉ cần sự bao dung và chấp nhận của bố mẹ, các con đã vững lòng hơn rất nhiều rồi. Chúng ta nên dạy cho các con bài học về sự tự tin – tin vào chính mình.
4. Lý thuyết đi đôi với thực hành
Lý thuyết thường khô khan và khó nhớ nên cần phải có bài tập hoặc các thí nghiệm để các con thực hành, từ đó mới đúc kết và kiến thức mới thực sự thuộc về mình. Tôi cũng muốn nói rằng, chúng ta cần suy nghĩ lại xem các lớp học thêm có thật sự cần thiết hay không. Nếu ở trường, chúng đã không nghe giảng, liệu ở lớp học thêm chúng có chịu nghe không? Nội dung học thêm đôi khi cũng không nhất quán với nội dung giáo viên dạy ở trường. Nếu đã như vậy, tốt hơn hết là hằng ngày hãy nhắc các con làm bài tập về nhà. Thời gian còn lại có thể dành cho rất nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh khác để các con được phát triển toàn diện và hạnh phúc.
5. Giáo dục là một câu chuyện dài, tôi chọn bước chậm nhưng chắc
Giáo dục con cái không phải là chuyện ngày một, ngày hai và đòi hỏi sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Tôi không thúc ép con mình phải lớn nhanh như thổi, phải đứng đầu lớp hay luôn được điểm cao. Có những người phải rất nỗ lực mới có thể đến đích, lại có những người sinh ra đã ở sẵn vạch đích rồi. Nhanh hay chậm, sớm hay muộn, đó là tùy người. Riêng tôi, tôi chọn đi chậm, nhưng bố con tôi cùng bước những bước vững chắc. Tôi dạy con từ nền tảng làm người – làm một người tốt, có trách nhiệm, biết quan tâm đến người khác. Nỗ lực học tập từng ngày, dù mỗi ngày tiến bộ rất ít, nhưng vẫn là đang tiến lên. Bằng cách này, chúng tôi tận hưởng hạnh phúc trên hành trình học tập và tôi tin rằng, một ngày nào đó, con sẽ đến được nơi con cần đến, thanh thản và tự hào.
Chúng ta đã đưa các con đến thế giới này, vậy hãy trao cho con sự giáo dục tốt nhất mà ta có thể để các con vững bước vào đời, bạn nhé!
Huyền Thanh
Video xem thêm: Cha mẹ tức giận ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con trẻ
The post Tâm sự của người cha từng giáo dục con bằng đòn roi appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-08 19:00:02
Nguồn: https://www.dkn.tv/giao-duc/tam-su-cua-nguoi-cha-tung-giao-duc-con-bang-don-roi.html