Đã nhiều bài viết về vấn đề ứng xử của giới trẻ ở thành thị. Tuy nhiên có những cách tiếp cận khác nhau và sẽ xảy ra những phản ứng đa chiều từ phía bạn đọc. Dưới góc độ tâm lý, chúng ta hãy bàn luận một cách công bằng. |
||
Đúng là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhiều bậc phụ huynh ở thành thị luôn mải lo kiếm thật nhiều tiền, theo họ cứ nhiều tiền thì con cái học giỏi và ứng xử tốt. Đi làm cả ngày tối về đóng cửa mà chẳng cần quan tâm đến những người hàng xóm xung quanh là một thực trạng khá phổ biến của giới trẻ thành thị hiện nay. Không phải là sinh ra trẻ có những biểu hiện này mà sự vô cảm đó phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Cách sống của các ông bố bà mẹ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trẻ em thành phố ít quan tâm đến những người hàng xóm, láng giềng. ở trường, các em được thầy cô giáo dạy rằng phải ngoan ngoãn, sống hoà thuận, yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em; gần gũi, thân tình với thôn xóm, láng giềng, quan tâm giúp đỡ mọi người… Nhưng nếu hỏi một đứa trẻ ở thành thị “ông, bà, chú bác… nhà bên cạnh làm gì? Tên gì? Quê ở đâu?…” thì phần lớn đứa trẻ 13-14 tuổi phải bó tay. Ngược lại ở nông thôn khi hỏi một người ở đầu làng, cuối xóm thì các cháu có thể nói vanh vách thậm chí cả quê quán họ hàng… Chỉ cần đơn cử một ví dụ thế này: một đám hiếu ở thành thị nhưng nhà bên cạnh vô tư bán hàng để kiếm lời, rồi còn mở nhạc ca hát để thu hút khách, những đứa trẻ thì vui đùa thoả thích còn ở nông thôn thì ngược lại, họ sẵn sàng gác lại mọi chuyện để cùng chia sẻ nỗi mất mát của gia đình hàng xóm. Không ít các em ở thành thị bị các ông bố bà mẹ “nhốt kín” khi đi học về. Trẻ thành phố đang mất dần tình cảm hàng xóm và các em sẽ không biết thế nào là khi tối lửa tắt đèn có nhau. Sự vô cảm, thờ ơ của trẻ với làng xóm cũng dễ dẫn đến nét nhân cách xấu, lớn lên trẻ cũng dần quen với việc “đèn nhà ai nhà nấy tỏ”, không quan tâm đến sự giúp đỡ mọi người, tương trợ lẫn nhau… Ngay từ lúc còn nhỏ, trong môi trường hẹp (bố mẹ, anh chị em trong gia đình, bạn bè, hàng xóm) là điều kiện thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách trong những năm đầu đời, điều này sẽ tác động đến cách nghĩ, đến kỹ năng cũng như trong cung cách giao tiếp ứng xử… và nếu như các bậc cha mẹ không giáo dục lòng nhân ái, tình yêu thương xóm giềng thì hậu quả là con cái chúng ta sẽ sống lạnh nhạt, vô cảm, thờ ơ thiếu tình đoàn kết yêu thương lẫn nhau, hình thành cái tôi cá nhân, vị kỉ với người xung quanh. Đối với nhà trường không chỉ ở lý thuyết khô khan về văn hoá ứng xử mà cần trang bị cho các em học sinh những kỹ năng ứng xử một cách tự giác, cần phải làm cho các em hiểu được và biết cách chia sẻ với những người xung quanh, điều đó mới là quan trọng, Lê Phạm Phương Lan |