ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Gặp người Hà Nội ở Paris
Sunday, November 29, 2009 10:29
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Phạm Ngọc Tới – Văn Ngọc là một nhà trí thức có tài năng ở nhiều lĩnh vực, dù xa quê hương đã 60 năm, nhưng ông luôn nặng lòng với đất nước và có những đóng góp cho sự nghiệp của dân tộc.

Kiến trúc sư Phạm Ngọc Tới, đã từ trần tại Paris ngày 3 tháng 11 năm 2009, thọ 75 tuổi.

Ông sinh ngày 7.5.1934, tại Hà Nội. Sang Pháp du học từ cuối 1949, sau đó học ngành kiến trúc tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Phạm Ngọc Tới đã giành được nhiều giải thưởng kiến trúc tại Pháp và thiết kế nhiều công trình tại Châu Phi. Ông cũng là người thiết kế và xây dựng chùa Trúc Lâm nổi tiếng của người Việt tại Paris.

Với bút danh Văn Ngọc, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách có tiếng về kiến trúc, mỹ thuật… in ở Việt Nam.

LĐCT xin gửi lời chia buồn tới bà quả phụ Vũ Thị Uyên cùng gia đình.

Tàn cuộc rượu ở nhà một người bạn, tôi nhận được cú điện thoại báo tin kiến trúc sư Phạm Ngọc Tới vừa qua đời tại Paris sau một cơn bạo bệnh. Đó là buổi chiều ngày 3.11.2009. Con đường về nhà chợt trở nên vắng lặng khác thường. Ít nhất là trong tôi. Vậy là lại một người Hà Nội nữa ra đi…

Hơn nửa thế kỷ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, những người may mắn như tôi không nhiều. Được gặp gần như hầu hết những gương mặt xuất sắc Hà Nội là điều đáng mơ ước.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong căn phòng bừa bộn của hoạ sĩ Vũ Dân Tân trên phố Hàng Bông, tôi có những dịp may hiếm hoi được ngồi uống rượu đàm đạo với hoạ sĩ Bùi Xuân Phái. Cụ Phái không phải là người hay rượu. Mọi người uống cứ uống. Cụ trầm tư với chiếc bút máy Parker và cuốn sổ tay bìa cứng. Vẽ. Và vẽ. Với một trí nhớ siêu phàm về những con phố cổ đã dần biến mất trong tâm trí người Hà Nội.

Đã có những lúc tôi đâm nghi ngờ ngay chính con phố mình đang ở. Phố Bà Triệu. Có thật là nó nằm trong Hà Nội không? Nó khác xa với Hà Nội của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái. Dường như nó lạnh lẽo, khủng khỉnh và quê kệch nữa?

Phố của cụ Phái chỉ gói gọn trong vùng bàn cờ ba mươi sáu phố cũ. Tên gọi cũng như hình ảnh về nó thật đặc sắc. Không thể nhầm lẫn. Và càng ngạc nhiên hơn khi những con người xuất hiện trong tranh phố của cụ dường như có thể còn gọi ra được cả tên theo nghề nghiệp mà họ đang làm. Bác Tâm xích lô. Cụ Cả Hậu Hàng chiếu. Cô Oanh bún mọc…

Cái nét đặc sắc con người Hà Nội ba mươi sáu phố cổ trong tranh của cụ Phái sẽ mãi là một bí ẩn đối với tôi, một người cũng cầm bút vẽ, nếu như không có dịp gặp kiến trúc sư Phạm Ngọc Tới ở Paris.

Phạm Ngọc Tới sinh ra và lớn lên ở trong một con phố cổ Hà Nội như vậy. Phố Bát Đàn. Mười lăm tuổi, ông theo người anh trai là hoạ sĩ Phạm Ngọc Tuấn (tác giả logo Hà Nội hiện đang được sử dụng) sang Pháp học trung học và rồi học tiếp Cao đẳng mỹ thuật Paris.

Không ngờ hơn năm mươi năm sau, tuổi thơ của chàng thiếu niên phố Bát Đàn xưa được ông kể lại hết sức sống động trong một cuốn sách. Cuốn “Hồi ức tuổi thơ” (NXH Đà Nẵng 2007, bút danh Văn Ngọc). Nó làm cho rất nhiều người Hà Nội sống lại với những ký ức ấy. Có cảm giác như ông chưa từng rời xa quê hương trong suốt hành trình bươn chải sáu mươi năm trên đất khách…

Ngôi trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, nơi ông dẫn chúng tôi đến thăm, theo như ông mô tả là không có gì khác so với thời ông theo học. Một không gian im ắng thanh bình bên cạnh dòng sông Seine giữa thủ đô Paris tráng lệ không khỏi làm tôi hồi tưởng lại cũng một ngôi trường như thế. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, được người Pháp xây dựng từ năm 1925 trên phố Yết Kiêu bây giờ. Tiếc thay giờ này nó đã được những người kế nhiệm phá bỏ đi gần hết không gian cũ và xây dựng lại. Trông giống như “xí nghiệp sản xuất… hoạ sĩ đương đại”?

Ông Tới tốt nghiệp khoa Kiến trúc ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã nhận được những giải thưởng kiến trúc danh giá. Tham gia những cuộc thi thiết kế kiến trúc lớn như Trung tâm Nghệ thuật G.Pompidou. Tham gia thiết kế nhiều công trình lớn tại Châu Phi và đặc biệt là Thiền viện Trúc Lâm tại Pháp.

Thế nhưng điều làm ông trăn trở nhất trong cuộc đời làm kiến trúc của mình lại không nằm ở những công trình kỳ vĩ xứ người. Ông đã dành ra bốn năm để nghiên cứu thiết kế những ngôi nhà bằng đất. Vật liệu chỉ gồm có đất và bèo tây. ới ý thức của một người con nước Việt muốn giúp đỡ đồng bào mình còn nghèo khó ở quê nhà.

Cũng tiếc thay, ý tưởng đó của ông không được các nhà lãnh đạo kiến trúc nước nhà ủng hộ! Còn may mắn là ý tưởng đó đã được tập hợp lại in thành sách. Cuốn “Xây nhà bằng đất” – (NXB Đà Nẵng 2006).

image00image0001image0002
Một số tác phẩm của Phạm Ngọc Tới – Văn Ngọc.

Người Hà Nội cũ nói năng nhỏ nhẹ. Lắng nghe và mỉm cười. Ông tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở Vitry-sur-Seine nơi vợ chồng ông sinh sống. Ngập tràn trong cơ ngơi của ông là sách vở. Và ông bắt đầu câu chuyện của mình bằng một cách rất Hà Nội.

Chờ lúc bà đi khuất xuống nhà bếp nấu ăn, ông nhỏ nhẻ, bà Uyên nhà tôi mới là người giỏi tiếng Pháp, tôi chả ăn thua gì! Vậy mà ròng rã nhiều ngày ông đã đưa chúng tôi đến rất nhiều bảo tàng ở Paris; ngược lên vùng Basse-Normandie thăm thị trấn Honfleur với những ngôi nhà gỗ từ thế kỷ 17; xuôi theo dòng sông Loire thăm những lâu đài, cung điện tráng lệ dọc theo hai bên bờ. Đến đâu ông cũng giới thiệu về lịch sử và nghệ thuật của từng công trình một cách hết sức cặn kẽ.

Sẽ chẳng bao giờ tôi có được một người thầy tận tâm đến thế mặc dù ông không hề có ý định dạy dỗ. Trong câu chuyện, ông luôn tỏ ra bình đẳng trước các nhận xét của mình và của người đối thoại.

Kiến thức của ông không mới. Như ông tự nhận. Nhưng để có được ngần ấy với thế hệ chúng tôi là điều vĩnh viễn không thể. Và những năm tháng cuối đời, với bút danh Văn Ngọc, ông đã viết rất nhiều sách nghiên cứu về hội hoạ, kiến trúc. “Đi trong thế giới hội hoạ” (NXB Trẻ 2004). “Kiến trúc, đâu là những vấn đề?” (NXB Đà Nẵng 2005)… Đó là những tặng phẩm vô giá cho những ai quan tâm đến nghệ thuật. Những chắt chiu chiêm nghiệm của cả một đời theo đuổi nghệ thuật đã được ông viết ra với một cách nhìn giản dị, chính xác và hết sức bổ ích.

Li rượu vang đỏ vùng Bourgogne những người nông dân Pháp mang lên cho ông là một đặc sản hiếm hoi ngay cả với người Pháp. Nó không có bán trên thị trường. Chất rượu dày dặn, sánh đặc. Vị chát và ngọt hơn hẳn những gì suốt hơn một tháng trời chúng tôi thưởng thức trên chính quê hương của rượu vang. Tôi nhớ mãi hương vị của những li rượu ấy.

Cứ định bụng thể nào cũng có lúc được sang thăm ông sẽ lại cùng ông nâng chén đàm đạo. Nhưng bây giờ thì đã không thể được nữa rồi…

11.2009

Đỗ Phấn
Theo Laodong

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.