Có cảm giác trước đây, ở những triển lãm ảnh, các tác giả chỉ quanh đi quẩn lại một đề tài quen thuộc là phong cảnh quê hương, đất nước, văn hóa, con người… một cách chung chung, thiếu sự chọn lọc, thiếu một cảm giác bất ngờ và chinh phục người xem. Ý niệm triển lãm đối với người chơi dường như cũng quá đơn giản, hễ có ảnh là có thể triển lãm. Những triển lãm như vậy thường có chung một kịch bản là hôm khai mạc thì tấp nập hoa mừng, người mừng mà đa số là của những người quen, đồng nghiệp. Nhưng sau buổi khai mạc thì chỉ lèo tèo vài người xem. Khi sự tìm tòi và sáng tạo chưa đến điểm của nó thì sự thờ ơ của công chúng là điều dễ hiểu.
Rất vui là những triển lãm gần đây đã có những hiệu ứng tích cực. Đó là những triển lãm gây nên một không khí sôi động trong đời sống thưởng lãm tinh thần của người dân. Còn nhớ triển lãm ảnh và sắp đặt về đề tài thiếu nhi của hai nghệ sĩ Trần Thế Phong, Ly Hoàng Ly tại Nhà triển lãm thành phố (TP.HCM) đến hôm bế mạc vẫn… không đóng cửa được. Bởi vì lượng khách xem còn đông, và chính họ là người đưa ra lời yêu cầu phải “nới” thêm thời hạn triển lãm.
Chung một “hoàn cảnh” với Trần Thế Phong, Ly Hoàng Ly là triển lãm Họ đã sống như thế của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tại Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM). Niềm vui của Nguyễn Á không những là sự chia sẻ, những cảm xúc trong thời gian diễn ra triển lãm mà còn cả đến lúc kết thúc thời hạn trưng bày người xem vẫn nằng nặc đòi… trưng bày thêm.
Trong hai triển lãm trên, cả Nguyễn Á, Trần Thế Phong, Ly Hoàng Ly đều đi sâu vào đề tài nhân ái, cộng với thái độ lao động sáng tạo hết mình để có một triển lãm thực sự rung động người xem. Nhiều trường học còn đề nghị Nguyễn Á xin được trưng bày bộ ảnh của anh tại trường học của họ như một bài học giáo dục cho học sinh. Có trường cũng gửi học sinh đến triển lãm của anh để viết bài thu hoạch ngoại khóa. Với một cuộc triển lãm thì còn gì ý nghĩa hơn thế nữa!
|
Có một thời nhiếp ảnh Việt Nam đã bám vào những giải thưởng, danh hiệu để phân định thấp cao. Nhưng rồi có quá nhiều giải thưởng quốc tế lẫn trong nước được gặt hái một cách dễ dàng khiến cái uy thế giải thưởng không còn “linh” như trước nữa. Thậm chí có những người vừa tập tễnh học bấm máy cũng có thể đoạt giải thưởng quốc tế này nọ mà trong giới hay gọi là ăn may. Nên đến giờ đây, nếu hỏi đến danh tiếng của một nhiếp ảnh gia thì người ta sẽ hỏi anh ta chụp cái gì, chụp như thế nào? Trả lời được câu hỏi này là những triển lãm ảnh, những công trình ảnh hoặc những chủ đề được đeo đuổi bằng tâm huyết, công sức hơn là vài cú bấm máy rủi may.
Chính những triển lãm như vậy, những công trình như vậy đã tạo nên sự kiện đem lại sức hấp dẫn và niềm tự hào cho bộ môn nhiếp ảnh.
Quang Thi
Theo Thanhnien