Mỗi người trong cuộc đời, một lúc nào đó, đều là “họa sĩ biếm” – tức là người không chỉ biết giễu nhại đời mà còn phải biết tự trào chính mình. Như cây bút biếm lão làng Lý Trực Dũng, người tự làm tác phẩm trào lộng bản thân; dũng cảm, bộc trực giống cái tên đã “vận” vào công danh của mình.
Biếm họa = hiểm họa
Trong triễn lãm tranh biếm họa mới đây nhất của mình tại Viện Geothe (56-58 Nguyễn Thái Học – Hà Nội, từ 21/11 đến 25/11/2009), kiến trúc sư kiêm họa sĩ Lý Trực Dũng làm hẳn một bức tranh – tượng để công khai “tố cáo” mình là kẻ tham nhũng!
Bức tượng đúng là khuôn mặt anh, với cái mũi hơi hếch lên của “người ưa ton hót, nịnh bợ”. Anh ta đội cái mũ bê-rê và vẻ mặt thì ra chiều vênh lên, kiêu căng lắm. Phía trước thì thế nhưng mặt sau thì ngược lại tất cả.
Cái tay anh ta thì luồn về sau, “tóm gọn” một tờ dollar xanh của một người đàn bà ở phía sau, cố nhoái người lên để “đút” cho bằng được. Trớ trêu là anh lại đứng trên bục cao, như một bức tượng đồng!
Tác phẩm tự trào của Lý Trực Dũng (Ảnh: Bùi Dũng) |
Lý Trực Dũng bảo: “Tác phẩm này tôi tự trào chính mình, rằng tôi cũng là một kẻ tham nhũng!”. Yêu cầu giải thích rõ hơn: “Anh “tham nhũng” ở chỗ nào?!”, Lý Trực Dũng diễn đạt một cách logic, nghiêm túc pha lẫn dí dỏm, sâu cay:
“Tham nhũng đang là vấn nạn toàn cầu, không chỉ ở riêng nước nào. Với tham nhũng, chúng ta vừa là quan tòa, là nạn nhân và cũng là tòng phạm. Đó là khi chúng ta hèn nhát. Để chống lại nó, chỉ có chúng ta là cứu tinh cho chúng ta thôi, đừng mong ngóng ai cứu giúp!”.
Lý Trực Dũng nói mình “tham nhũng” là theo cách đó. Nghe thấy sự trào lộng đi kèm với mỉa mai, đau đáu. Cười mình đấy, nhưng là cười ra nước mắt. Nếu trong một xã hội mà tham nhũng xuất hiện nhan nhản, đến nỗi người ta trở nên “vô cảm” trước nó thì sẽ là đại họa.
Họa sĩ biếm – Kiến trúc sư Lý Trực Dũng (Ảnh: B.D) |
Đã trào lộng mình thì tất yếu sẽ có sự dũng cảm để trào lộng xã hội mình đang sống. Lý Trực Dũng từng vẽ một bức họa với những cái xẻng nhỏ và những cái xẻng lớn mà người ta vứt hết xẻng nhỏ để tất cả mang xẻng lớn. Bức tranh vốn ban đầu có tên “Sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”, đến khi lên báo, để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, đã được biên tập lại thành “Một kiểu sản xuất lớn”.
Nói thiên chức của họa sĩ biếm là hoàn thiện xã hội mình đang sống là ở chỗ đó và nói trên toàn thế giới, biếm họa là nghề nguy hiểm, biểm họa gần với hiểm họa cũng là ở chỗ đó. Mỗi bức biếm họa đều mang những thông điệp riêng, có tính chất đối thoại cởi mở; tuy nhiên, ở một số nơi, biếm họa không được coi trọng vì nó là thứ vũ khí sắc bén quá, mà người ta cầm vào dễ đứt tay.
Hơn 30 năm theo nghiệp biếm họa, đã cho ra đời hàng ngàn bức tranh có tính chất đả kích, góp ý, xây dựng, phê bình thì Lý Trực Dũng đã trải qua không ít phen sóng gió. “May mà tôi vẫn còn được ngồi đây, để tiếp tục “đối thoại” với người xem tranh. Nếu có mệnh hệ gì thì tôi chỉ sợ không có bút và giấy để tiếp tục vẽ“, anh nói.
Thông điệp có tính đối thoại
Một số bức biếm họa của Lý Trực Dũng (Ảnh chụp lại từ Triễn lãm đang diễn ra tại Viện Geothe) |
Hàng chục năm qua, biếm họa Việt Nam, tuy chưa có nhiều thành tựu nhưng vẫn bền bỉ song hành cùng cuộc sống. Khó có thể phủ nhận được tính xây dựng của nó, khi nói như Lý Trực Dũng là từ hồi đầu, báo chí mới rón rén đăng những bức họa bé bằng hai đốt tay, nay đã được 1/2 trang báo, tức nửa khổ giấy A4.
Có mặt ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, với đặc thù về tính báo chí, truyền thông và bám sát đời sống nên có thể nói biếm họa là một trong những nguồn tư liệu quan trọng phản ánh hiện thực lịch sử của từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân lý giải: “Ngay từ thuở ban đầu, người họa sĩ biếm vừa đóng vai trò chủ thể vừa đóng vai trò là nhân vật biếm họa. Người nghệ sĩ dũng cảm đưa ra ý tưởng của mình, bắt đầu biếm họa chính mình, đấu tranh cho quyền tự do cá nhân. Họ đưa ra những góc nhìn trào lộng có tính xây dựng cho nhu cầu thay đổi. Lớn hơn tự do cá nhân là những nỗ lực thể hiện ý muốn, thông điệp về sự canh tân, đổi mới thể hiện qua tranh vẽ”.
Bức biếm họa của Lý Trực Dũng có chữ ký bên dưới của nhiều nhân sĩ, trí thức như GS Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, Văn Như Cương, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Lân Dũng, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Sĩ Dũng… |
Người Việt rất hay cười. Chẳng phải có người đã thống kê Việt Nam có hơn 30 kiểu cười. Hình ảnh người Việt trong mắt nhiều người nước ngoài đã được khái quát là ăn nhanh, đi chậm và hay cười. Vậy mà không phải ai cũng sẵn sàng cười với… họa sĩ biếm!
Có thể nhiều người VN chưa hiểu hết biếm họa, chưa có thói quen tự trào bản thân hoặc chưa sẵn sàng cho việc bị người khác “châm biếm”, “sửa gáy”; nhưng chắc chắn rằng có không ít người Việt thích xem tranh biếm họa quốc tế, thậm chí là xem chính khách xứ người bị “biếm” trên Time, trên Newsweek… thế nào!
Rõ ràng biếm họa cho chúng ta một kiểu cười và “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, vậy nên chẳng có lý gì không dành “đất” cho việc tôn vinh tiếng cười vừa có tính chất sinh học vừa có tính chất xã hội như cách mà biếm họa mang tới! Năm nay, giải thưởng biếm họa có tên “Rồng tre” tiếp tục được tổ chức, xem ra là một sự kiện đáng mừng.
Biết khúc khích cười người thì cần biết cười mình, như cách Lý Trực Dũng đã làm trong câu chuyện kể trên. Đó chắc chắn là hành vi văn minh và có tính văn hóa của một người tự tin, luôn mong muốn hoàn thiện bản thân. Biết cười mình cũng là một kiểu cười có đẳng cấp.
Có câu chuyện về bà đầm thép M. Thatcher của nước Anh từng “bị” các họa sĩ biếm dành “tặng” một vài bức tranh “có tính xây dựng”. Bà Thatcher chỉ cười (chắc cũng giống nhiều người Việt Nam… cười) và bảo: “Chẳng có ai trên đời là hoàn thiện. May mà nhà biếm họa giúp tôi biết mình chưa hoàn thiện ở điều gì.”
(Theo Tuanvietnam)