ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
“Nhiếp ảnh Việt chưa có ai để thế giới phải chú ý”
Sunday, November 22, 2009 8:41
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Ngoài những bài báo đáng chú ý về các vấn đề về văn hóa nghệ thuật, nhà báo – nhà nhiếp ảnh Trần Việt Văn còn là người luôn tạo sự ngạc nhiên cho giới nhiếp ảnh Việt Nam bằng những triển lãm ảnh cá nhân, với lối thể hiện khác lạ…

Nhiếp ảnh nghệ thuật là một “kênh” cảm xúc

Điều gì đưa anh đến với nghệ thuật nhiếp ảnh?

- Trần Việt Văn: Vì một nhà nhiếp ảnh thành danh tự tin nói rằng: chụp (ảnh) khó hơn viết . Tôi không tin điều đó. Dù ngôn ngữ hình ảnh và ngôn ngữ ngôn từ khác biệt nhau thì điều quan trọng nhất vẫn là khả năng tư duy sáng tạo… Trong các loại hình văn học nghệ thuật đâu phải vô cớ mà văn học xếp đầu bảng. Đến với nhiếp ảnh là cơ hội để thử sức mình ở một địa hạt mới.

Nhiếp ảnh nghệ thuật cho anh được gì, mất gì?

NSNA Trần Việt Văn

- Nó là một “kênh” khác ngoài bút viết cho tôi có cơ hội bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình về cuộc sống và khám phá thêm nhiều điều thú vị. Bởi lẽ có những điều chữ nghĩa phải diễn đạt khá dài thì hình ảnh lại nói ra khúc triết, mạch lạc hơn và ngược lại.

Nhưng thật ra càng đi sâu vào nghệ thuật càng thấy nghệ thuật là vô hạn, khả năng biểu đạt, biểu cảm của nó là vô cùng chỉ có tài năng của cá nhân nghệ sỹ là hạn hẹp thôi.

Giá trị của khoảnh khắc- giá trị cuộc sống là điều mà nhiếp ảnh mang lại. Có những bức ảnh không làm sao chụp lại được, có những sự vật chỉ cần thay đổi góc máy chút ít là ánh sáng chiếu khác và ý nghĩa của bức ảnh đã khác hẳn.

Nhiếp ảnh cho tôi được thể hiện cảm xúc, được bộc lộ mình, còn “mất” thì mất nhiều sức lực, thời gian và đương nhiên phải hy sinh những thú vui giải trí khác.

Đã có lúc nào anh hối hận khi chọn nhiếp ảnh nghệ thuật?

- Hối hận thì không, nhưng mệt mỏi thì có. Như tôi đã nói trong một lần trả lời phỏng vấn: nghệ thuật rất “ích kỷ” và “đỏng đảnh”. Trong người nghệ sỹ hai câu hỏi thường trực: đó có phải là tác phẩm nghệ thuật không và đó có phải là tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao không? Nhiều khi bỏ rất nhiều tâm sức ra mà kết quả đạt được lại rất khiêm tốn, thậm chí thất bại.

Có triển lãm thì phải mới

Triển lãm mới nhất của anh diễn ra từ 25 đến 30/11 tới đây tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội có tên “Tướng trận thời bình”. Đây là đề tài mới trong nhiếp ảnh nhưng không còn lạ trong các loại hình sáng tác, khai thác nghệ thuật khác. Anh có thể nói một chút về ý tưởng khi thực hiện đề tài này?

- Trước đây, tôi có những dự án dài hơi về “Đạo và Đời” – cuộc sống các nhà tu hành,về sự thích nghi của con người trong cuộc sống để “Tồn tại hay không tồn tại”, hoặc những chủ đề về nỗi cô đơn của con người trong xã hội hiện đại… Lần này đi vào mảng đề tài quân đội mới mẻ, thấy thú vị nhưng cũng rất khó khăn. Một vị tướng oai hùng cầm quân đánh trận, khi nghỉ hưu về nhà sẽ ra sao? Có gì đặc biệt trong cuộc sống thời bình của họ, và tính cách “tướng” sẽ được thể hiện như thế nào?

“Mỗi lần triển lãm cá nhân là một lần thể hiện tiếng nói cảm xúc của cá nhân”

Việc tiếp cận các vị tướng không dễ, nhưng nhờ những mối quan hệ và đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, tôi đã hoàn thành phần một của dự án, và đưa ra triển lãm 65 ảnh về 6 vị tướng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Trung tướng Nguyễn Văn Tình, nguyên Ủy viên TƯ Đảng khóa IX, Phó Đô đốc Hải quân, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên sư đoàn trưởng F304 và Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền tư lệnh Quân khu 2.

Ảnh nghệ thuật là một loại hình nghệ thuật “xa xỉ”, có nhiều NSNA VN cả cuộc đời 20,30,40,50 năm… cầm máy mà chưa thể làm được 1 triển lãm ảnh cá nhân. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm có 6 triển lãm, chưa kể triển lãm nhóm. Đó là sở thích muốn khẳng định mình hay đó là một cách “chơi” ảnh của anh?

- Có những nghệ sỹ nhiếp ảnh có đủ điều kiện làm triển lãm cá nhân nhưng lại chần chừ vì tính cầu toàn, vì quan niệm: triển lãm là “báo cáo thành tích” hay là “tổng kết cuộc đời”.

Tôi quan niệm: mỗi lần triển lãm cá nhân là một lần thể hiện tiếng nói cảm xúc của cá nhân về một chủ đề nào đó. Điều quan trọng là phải có yếu tố mới, hoặc mới về ý tưởng, hoặc mới về cách thể hiện.

Làm triển lãm cá nhân cũng là một cách để làm mới bản thân và sự thẩm định của công chúng sẽ giúp tôi nhận rõ hơn điểm mạnh, yếu của mình.

Để có một cuộc “chơi” ảnh đúng nghĩa rất tốn kém, hiệu quả thương mại gần như số “0″, rất khó tìm nhà tài trợ, không phải ai cũng có thể, cho dù có người đoạt hàng trăm giải thưởng quốc tế. Tất cả các triển lãm của anh đều có một nhà tài trợ “danh giá”. Bí quyết, nếu không phải là bí mật, để thuyết phục nhà tài trợ?

- Sự mới lạ trong đề tài, cách thể hiện bài bản, chuyên nghiệp trong hồ sơ xin tài trợ và sự kiên nhẫn, linh hoạt trong việc tìm đối tác.

Vì “quan hệ” mà lọt vào giải, triển lãm thì anh em sẽ coi thường!

1Hot
2Hot
3Hot
Một số tác phẩm nhiếp ảnh được giải thưởng quốc tế của Trần Việt Văn

Anh là một trong những NSNA VN có nhiều giải thưởng ảnh quốc tế uy tín. Gần đây nhất, trong năm 2009, là những giải thưởng ảnh Paris (Pháp),Ciwem (Anh), IPA (Mỹ) và Ảnh màu London (Anh)… không nằm trong “hệ thống” FIAP – Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới, mà phần đông NSNA VN tham gia từ lâu nay và có nhiều giải thưởng lớn. Anh có thể cho biết lý do?

- Tôi đã và hiện cũng tham gia một số cuộc thi của FIAP và nếu tính ra cũng đủ điểm đạt tước hiệu E.FIAP (nghệ sỹ xuất sắc) nhưng tôi không làm tước hiệu. Vì thực sự nhiều giải thưởng FIAP ngày càng mất thiêng, xem các catalogue của FIAP thấy rõ “Vẻ đẹp FIAP là vẻ đẹp hài hòa và đôi khi rất “lãnh mạn” một cách xa rời hiện thực. Cũng không phải ngẫu nhiên mà FIAP nêu rõ slogan của mình là “nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên toàn cầu”. Không ai dám coi thường nghiệp dư, nhưng rõ ràng về tổng thể: nghiệp dư không thể bằng chuyên nghiệp!

Tôi tham gia các cuộc thi khác để thử sức cũng là để tránh bước vào lối mòn.

Việt Nam kể từ khi gia nhập FIAP năm 1991 đến nay đã đọat được vô số giải thưởng lớn của các cuộc thi do FIAP bảo trợ. Nếu lấy đó làm “thước đo” về vị trí của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam đối với thế giới là một nước mạnh. Anh có lạc quan về vị trí này? Quan điểm của anh?

Việt Văn đã có 6 triển lãm ảnh nghệ thuật: “Hai giờ, một ngày”, “Đạo và Đời”, “Tồn tại hay không tồn tại”, “Đạo và Đời 2”, “Màu mặt trời”, “Tướng trận thời bình”, tại Festival Huế 08 và các trung tâm văn hoá Đức, Pháp, Nhật, Hàn quốc, Nhà triển lãm Bộ VH-TT-DL 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Đã xuất bản 4 cuốn sách “ Đạo và Đời”, “Tự nói để trốn cô đơn”,“Nhiếp ảnh Việt Nam- Khám phá và Hội nhập”, “Những cuộc gặp chiều thứ 7”

- Tôi không nghĩ thế. Như trên đã nói, FIAP là một tổ chức nghiệp dư coi nhiếp ảnh là một thú vui, nên nặng về những bức ảnh được xử lý photoshop cầu kỳ, công phu, dù vẫn chấp nhận những bức ảnh giản dị, nhân văn. Ảnh VN tham gia đoạt giải FIAP nhiều nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là bà già, trẻ con Tây Nguyên, vá lưới, đánh bắt cá, đồng muối… – đẹp nhưng không mới lạ.

Trong khi đó thế giới có hàng loạt Festival ảnh, cuộc thi danh tiếng khác mà đứng sau lưng là các tập đòan truyền thông giải trí lớn mà nhiếp ảnh VN không vào nổi. Như một số cuộc thi mà Tạp chí nhiếp ảnh cũng đã giới thiệu như cuộc thi ảnh toàn cầu của Sony (Anh), Festival Arles (Pháp), Foto Espana (Tây Ban Nha)…

Nhưng thật sự một nền nhiếp ảnh mạnh phải có những tác giả có phong cách riêng, mạnh mẽ với những đề tài dài hơi, và tác phẩm của họ có ảnh hưởng, tác động đến xã hội mạnh mẽ. Thi cử trong ảnh chỉ là một dòng chảy không phải dòng chủ lưu.

Nghề nghiệp chính của anh là nhà báo, anh lại là một nhà nhiếp ảnh. Theo anh, vì sao kể từ năm 1975 đến nay, ảnh báo chí Việt Nam không được chú ý đối với thế giới, và vắng mặt tuyệt đối ở cuộc thi WPP- Ảnh báo chí Thế giới?

- Đó là do tính phát hiện vấn đề và khả năng thể hiện. Năm ngoái khi Justin Maxon (Mỹ) đoạt giải WPP về bộ ảnh Mẹ con chị Mùi nhiễm HIV sống ở chân cầu Long Biên, nhiều nhiếp ảnh gia VN mới nhận ra: không phải vì VN không có điểm nóng mà ảnh VN không đoạt giải WPP. Tất cả nằm ở tài năng của người chụp.

Anh có viết cuốn sách “Nhiếp ảnh Việt Nam – Khám phá & Hội nhập”, trong đó có nhiều bài đề cập đến vấn đề “hội nhập” của nhiếp ảnh Việt Nam. Trong đề cương họat động nhiệm kỳ tới của Hội NSNA VN cũng đề cập vấn đề này. Nhưng lâu nay nhiếp ảnh Việt Nam có vẻ “hội nhập” không toàn diện, mà “nghiêng” về FIAP, PSA – Hội nhiếp ảnh Mỹ, và “lơ là” với nhiều tổ chức nhiếp ảnh nghệ thuật danh tiếng, uy tín khác của thế giới. Đó là do “ta” không biết hay không dám “liều” sợ mất danh khi đã quá thành công ở FIAP, PSA? Hay trình độ của nhiếp ảnh nghệ thuật của ta khó “chen” chân đọat giải của họ?

- Vừa không biết, vừa là thói quen thấy ta hay gặt hái giải FIAP thì cứ tiếp tục ở sân chơi vừa sức mình. Ngay cả PSA (Hội nhiếp ảnh Mỹ) nhiều người cứ ngộ nhận tổ chức này là đại diện cho nhiếp ảnh Mỹ. Hoàn tòan không phải, khởi đầu nó chỉ là sân chơi của những nhà nhiếp ảnh amateur, và sau có thu hút thêm một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Nhưng vị trí của PSA trong nhiếp ảnh Mỹ đương đại là rất khiêm tốn, đứng sau lưng nó cũng không có bất cứ một tập đoàn truyền thông đỡ đầu nào.

Gần đây một số báo đưa tin có nhà nhiếp ảnh ở TPHCM đứng đầu thế giới về thể loại ảnh khổ nhỏ, căn cứ vào xếp hạng trong các cuộc thi của PSA là không chính xác. Vì ảnh khổ nhỏ (small) không được nhiều nhiếp ảnh gia tham gia và thực chất xếp hạng đó chỉ nằm trong khuôn khổ của PSA- không thể coi là thế giới.

Thực sự nhiếp ảnh VN chưa có tên tuổi tác giả nào thực sự lớn, để thế giới phải chú ý. Có chăng là tác giả Việt kiều Phó An Mỵ hiện sống ở Mỹ, từng có ảnh được bảo tàng Moma (Mỹ) chọn mua.

Có một nghịch lý ở nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, trong các cuộc thi ảnh thuộc VAPA- Hội NSNAVN bảo trợ, rất nhiều ảnh đọat giải cao nhưng không xứng với tiêu chí của một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Theo anh, đó là do trình độ của Ban giám khảo hay do ảnh nghệ thuật của Việt Nam “có vấn đề”?

- Cả hai yếu tố. Nhưng lỗi nhiều thuộc về BGK, khi không cập nhật “thời sự” nhiếp ảnh đương đại với các xu hướng mới. Và quen nhìn theo một lối tư duy, nhất là với các giám khảo trở thành “thợ chấm”. Tình trạng này đã được nhiều anh em trong giới nói từ lâu.

Thứ nữa chuyện “đi đêm” là có, một số giám khảo chuyên chấm cho “học trò” của mình và cả giới biết cả. Vị đó sẽ hỏi: bằng chứng đâu? Trong thời buổi ngày nay, bằng chứng là khó, nhất là với ảnh nghệ thuật, không phải như 1+1 mà khẳng định đúng, sai rõ ràng. Nhưng nghệ thuật có tiêu chí chung của nó. Một bức ảnh nếu hội đủ điều kiện để trở thành một tác phẩm nghệ thuật, mọi người đều thấy ngay. Còn nếu vì “quan hệ” mà lọt vào giải, vào triển lãm anh em sẽ coi thường!

Nếu như anh đứng ở cương vị Chủ tịch Hội NSNAVN, anh sẽ làm điều gì đâu tiên ở ngày đầu tiên nhận trách nhiệm lãnh đạo?

- Giả thuyết này không bao giờ là hiện thực. Nhưng nếu là hiện thực, tôi nghĩ nên đổi tên Hội NSNA VN là Hội Nhiếp ảnh Việt Nam và hoàn toàn tự chi, thu; thoát khỏi sự bao cấp của Nhà nước. Hội là tập hợp những nghệ sỹ cùng làm nghề, yêu nghề và giúp nhau cùng tiến bộ. Không phải là nơi để một số vị ban phát quyền lợi cho ai đó và mưu lợi riêng. Hội cũng không nên lấy FIAP làm thước đo, giải thưởng xuất sắc quốc gia hàng năm không nên chỉ xét những ảnh đoạt giải FIAP mà mở rộng ảnh đọat giải từ nhiều cuộc thi khác….

Theo Tuanvietnam

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.