Họa sĩ Lê Duy Ứng từ chiến trường trở về đời thường với đôi mắt có lúc gần như không thấy ánh sáng, ông vẫn khao khát vẽ và sở hữu một gia tài tác phẩm đồ sộ.
Gần như mù hẳn, họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn cố
vẽ trên giường bệnh bằng chút ánh sáng cuối cùng…
Ông bảo, nếu may mắn, ông còn một lần được ngắm ánh nắng chói lòa của mặt trời, và để lại cầm cọ vẽ…
Dù với đôi mắt trải qua bao thăng trầm, lúc mờ lúc tỏ, nhưng sự miệt mài sáng tác đã đem lại cho ông một gia tài khá đồ sộ với 500 bức tượng, khoảng 3.000 bức tranh và nhiều tác phẩm cổ động cho quân đội, với 40 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước. Ông đã giành được hàng chục giải thưởng mỹ thuật. Ông dự định, sắp tới sẽ mở một triển lãm trưng bày những bức ký hoạ vẽ tại Nhật Bản khi mắt sáng lại sau ca phẫu thuật thứ 2.
Ông tâm sự, với người gần như mù như mình, nghệ thuật bây giờ không cần quá chau chuốt, quan trọng là hình khối và ý tưởng, là chủ đề thể hiện tác phẩm. Trong đầu mình không lúc nào thiếu ý tưởng để vẽ, để tạc, từ đề tài chiến tranh, những người anh hùng thầm lặng quả cảm, đến cuộc sống đời thường, những niềm vui, nỗi buồn, nước mắt và hạnh phúc…
Hỏi ông, bây giờ nếu mắt được sáng rõ, việc đầu tiên ông bắt tay làm là gì, ông bảo, mắt sáng thì phải vẽ, phải tạc. Không thấy ánh sáng, mọi vật như tấm màn u tối, vẽ bằng tưởng tượng, bằng mày mò khó khăn vất vả bao nhiêu mới thấy ánh sáng quý giá nhường nào.
Hiện tại, họa sĩ Lê Duy Ứng đã gần như tái mù, bởi một mắt đã hỏng hoàn toàn sau chiến tranh, mắt còn lại sau 2 lần phẫu thuật đến nay cũng không còn nhìn rõ nữa, như ông tâm sự trong nụ cười pha một thoáng buồn rầu “mắt mình đã về gần đến 0/10 rồi”. Ca phẫu thuật tại Nhật năm 2005 đã giúp ông thấy ánh sáng trở lại, tuy thị lực chỉ đạt 7/10. Nhưng chỉ sau một vài năm, mắt ông bắt đầu mờ rất nhanh. GS Kinoshita – người đã thực hiện ca ghép mắt của ông, cho biết, đó là do cơ thể có phản ứng tự nhiên đào thải giác mạc mới ghép. Vì thế, để ông nhìn thấy được, phải ghép lại cho ông một con mắt khác. Tuy nhiên, kinh phí cũng không hề nhỏ: Khoảng 10.000USD.
Giờ đây, công việc sáng tác của ông chủ yếu nhờ vào cảm nhận của đôi bàn tay và trí tưởng tượng.
Những khi một mình, rảnh rỗi, không sáng tác, ông lặng lẽ ngồi trong căn nhà nhỏ, thanh đạm ở ngõ 351 Lĩnh Nam, Hà Nội, đôi mắt gần như không còn thấy gì, chỉ có đôi tai lắng nghe từng thanh âm cuộc sống, và dòng đời vùn vụt trôi qua ngoài khuôn cửa.
Mỗi khi có những người bạn, đồng đội cũ ghé chơi, ông vui lắm. “Dù có mù hẳn, thì mình vẫn muốn vẽ, muốn tạc, không vẽ thì thấy cuộc sống thiếu đi nhiều phần niềm vui vậy”.
Ông còn một cơ hội cuối cùng để nhìn thấy mặt trời, để tiếp tục theo đuổi và cống hiến cho nghệ thuật, nếu như số phận may mắn mang đến cho ông một ca phẫu thuật thành công nữa. Và nếu gia đình ông, những người yêu quý ông, những người trọng tài, trọng cái tâm của ông, có đủ điều kiện trang trải chi phí cuộc phẫu thuật mang hy vọng cuối cùng.
Trường hợp xấu nhất, khi không đủ điều kiện phẫu thuật, chỉ trong thời gian rất ngắn, chút ánh sáng mờ ảo cuối cùng sẽ tắt lịm, họa sĩ sẽ chỉ còn có thể lần hồi cầm cọ vẽ trong bóng tối vĩnh viễn.
Nhưng hy vọng trong ông sẽ không tắt lịm, bởi với một hoạ sĩ còn đam mê, còn vẽ được là còn nhiều hy vọng…
Thiên Giang
Theo Vietnamnet