Hồng Hà bên bức hoạ về Hà Nôi |
Trong cộng đồng người Việt ở LB Nga, nhiều người biết Phạm Hồng Hà – một nhạc sĩ, hoạ sĩ. Xuất thân từ một gia đình có gene nghệ thuật, nhưng lại học Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc.
Nghệ sĩ đa tài
Nghe Hồng Hà chơi guitar gỗ thì dù là những bản độc tấu cổ điển hay những ca khúc thời thượng, hầu như ai cũng cảm giác như sự mệt mỏi, nỗi lo mưu sinh thường trực chuyện cơm áo gạo tiền trên thương trường nước Nga hầu như biến mất. Thay vào đó là cảm giác được an ủi vỗ về, đưa ta về với những miền quê thanh bình yêu dấu, những tình yêu thương con người nồng nàn…
Không chỉ có chơi nhạc, anh còn sáng tác thể hiện tình yêu về quê hương đất nước con người VN nơi xứ tuyết qua những thanh âm trầm bổng du dương của những nốt nhạc.
Hồng Hà sinh ra và lớn lên ở Hà Nội ngàn năm văn vật, nên những ca khúc sáng tác của anh hầu hết đều chứa đậm chất trữ tình của người Hà Nội. Những album ca nhạc CD: “Ru lòng”, “Con đường xưa”, “Em đến”… đã vẫn và đang đi vào lòng người nơi đây. Ngoài ra anh còn cho in những tập sách nhạc có cùng những tựa đề trên.
Song song với âm nhạc, Hồng Hà còn thể hiện tài năng ở hội hoạ hiện qua những nét cọ đậm chất thơ. Tranh của Hồng Hà ấn tượng về những mảng góc cạnh của phố cổ Hà Nội xưa và nay, nhất là về tuổi thơ. Tuy nhiên, Hồng Hà còn thể hiện niềm đam mê trong lĩnh vực thiết kế. Hầu như đến mọi trung tâm văn hoá, biệt thự hay các nhà hàng nổi tiếng của người VN tại Nga như nhà hàng Cao Sơn, Hà Nội, Làng Sen…, đều có những dấu ấn Hồng Hà qua các tác phẩm điêu khắc, hội hoạ, trang trí đậm chất AÁ Đông pha lẫn những nét hiện đại Châu Âu.
Hồng Hà đã tạo lập được một xưởng mĩ nghệ tại vùng ngoại ô Mátxcơva, thu hút 17 thợ VN và Nga có tay nghề cao, bao gồm cả các lĩnh vực điêu khắc, mộc, vẽ, phục vụ cho các công trình kiến trúc của cả giới doanh nghiệp và xây dựng VN và Nga.
Những đóng góp về âm nhạc của Hồng Hà với cộng đồng VN tại Nga có thể nhận rõ qua các đêm thơ, nhạc giao lưu do Hội Văn học Nghệ thuật VN tổ chức từ năm 1996 đến nay vào những dịp lễ tết. Riêng Hồng Hà còn tổ chức những đêm nhạc dành cho cộng đồng, đặc biệt để lại dấu ấn là “Đêm nhạc Hồng Hà” năm 1997.
Ngoài ra anh còn tham gia chương trình “Tiếng hát cộng đồng”, ghi CD gây quỹ từ thiện. Mới đây nhất, ngày 4.10.2009, Hồng Hà tham gia chương trình đêm diễn ngày 4.10.2009 tại thành phố Kazan với chủ đề ” Trái tim cho em”, nhằm gây quỹ từ thiện gửi về trong nước. Hồng Hà còn là thành viên tích cực của ban giám khảo trong các kì thi Hoa hậu VN tại Nga và SNG (Liên xô cũ).
Những khoảng trời dấu yêu
Phạm Hồng Hà sinh năm 1961 tại Hà Nội, là Hội viên Hội Nhạc sĩ VN. Vốn xuất thân từ một gia đình có gene nghệ thuật, nhưng lại học Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc, Hồng Hà trở thành một kĩ sư công tác tại Viện Vật lý. Năm 1989 Hồng Hà sang Nga làm cộng tác viên tại Viện Hạt nhân Dubna; nhưng dường như nỗi khát khao và đam mê cháy bỏng với âm nhạc, hội hoạ cuốn hút chàng kỹ sư trẻ hơn là vật lý.
Hồng Hà theo học lớp sáng tác ca khúc của Nhạc viện Hà nội, do thầy Hồng Đăng dạy, rồi anh tự mày mò sáng tác. Hồng Hà học chơi đàn guitar dưới sự dìu dắt của các thầy Hoàng Giác, Bảo Lâm; thiên về chơi guitar cổ điển. Hàng ngày cứ xong công việc là Hồng Hà lại mải miết luyện tập. Anh còn tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ cùng các nhạc công người Nga.
Xuất phát từ tình cảm quê hương, cộng đồng, thầy Hồng Hà dạy âm nhạc cho các em cả Việt lẫn Nga hoàn toàn miễn phí. Lớp của anh luôn thu hút rất đông học trò nhỏ tuổi. Với những em không có điều kiện đến lớp, Hồng Hà không ngần ngại đến tận nhà chỉ bảo tận tình truyền thụ kiến thức cho thế hệ tương lai.
“Cuộc sống ơi, ta mến yêu Người!” – thanh âm của ca khúc Nga nổi tiếng thời những năm tháng chiến tranh vệ quốc chống phátxít Đức – với Hồng Hà mãi vẫn là động lực tiếp sức cho anh nối dài con đường sáng tác âm nhạc, với nỗi niềm gắn bó với tổ quốc VN và cả với đất nước Nga nhân hậu mà anh gắn bó đã bao năm.
Theo Laodong