- Biếm hoạ có loại nhằm giễu cợt, đả kích, đưa ra một vấn đề rõ ràng để phản biện xã hội. Có loại biếm hoạ chỉ mang tính hài hước và để cười. Đó là những anh hề dũng cảm dám đương đầu với khiếm khuyết của xã hội, của con người, đem lại tiếng cười tử tế và xây dựng.
Lý Trực Dũng
Theo biếm hoạ đã lâu mà đến nay ông mới làm triển lãm?
- Biếm hoạ không nuôi được mình. Tôi làm vì yêu thích, cho vui. Từ hồi anh Nguyên Ngọc nghỉ làm Báo Văn nghệ (năm 1989) tôi cũng bỏ làm biếm hoạ cho đến tận 2005. Nhưng với bên Đức thì tôi vẫn vẽ cộng tác với họ. Hồi ở Đức, nhờ biếm hoạ mà tôi sống được.
Vì sao biếm hoạ ít tập trung vào đề tài văn nghệ, mà hay đi vào thời sự, xã hội?
- Nhưng vấn đề phụ thuộc rất nhiều vào tờ báo: Quan điểm, diện tích trên trang báo, mối quan tâm đến các vấn đề thời sự.
Hình như “thân phận” biếm hoạ đến nay vẫn chưa được cải thiện lắm!
- Biếm hoạ từng rất phát triển trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, sau đó là thời kỳ đổi mới, đến nay thì kém đi. Hồi tôi đi học ở Đức về, những năm 80, 10 tranh biếm hoạ bằng một tháng lương hơn 70 đồng, nay thì một bức biếm hoạ của tôi trên Báo Thể thao và Văn hoá được 250.000 đồng. Còn các anh em khác ở các nơi chỉ 100.000 – 120.000 đồng, vậy thì ai mà theo được biếm hoạ để sống!
Hai giải biếm hoạ thời gian qua, một đã kết thúc, một đang triển khai mà tôi tham gia “đầu têu” thì chỉ có Quỹ Ford và Quỹ Văn hoá Đan Mạch tài trợ. Các doanh nghiệp không tài trợ cho biếm hoạ vì họ sợ biếm hoạ, biếm hoạ lên án họ như ô nhiễm môi trường, đất đai, văn hoá cướp giật v.v… Chúng ta đã hy vọng biếm hoạ sẽ được nâng niu hơn, săn sóc hơn.
Vậy năng lực người sáng tác thì sao?
- Về tay nghề thì có nhiều người khá. Nhưng cơ bản là cần nâng cao kỹ năng, phải hoà mình với xã hội. Nước ngoài họ có nhiều tranh không lời, chỉ nhìn là hiểu, là “thấm” ngay. Hoạ sĩ biếm ở các nước được đánh giá cao. Vấn đề luôn nằm ở cái tầm của người vẽ. Hoạ sĩ biếm không chỉ vẽ, mà phải có tư duy, có tay nghề khéo léo của ông bác sĩ và sức mạnh của… “ông hàng thịt”. Hoạ sĩ biếm phải có trách nhiệm và cần dũng cảm.
Hoàng Hoa
Theo Laodong