Với 14 bức tranh trong lần ra mắt này của Phạm Trần Quân, có thể coi đây là một quan niệm khác về thể loại tranh chân dung. Vẽ một nhân vật nào đó mà không nhất thiết phải diễn tả khuôn mặt, không cứ là vẽ mắt, mũi, miệng.
Quân cho rằng các sắc thái tình cảm bên trong không chỉ được biểu lộ qua nét mặt. Phạm Trần Quân đã chọn một con đường mới để đi vào nội giới của nhân vật thông qua dáng dấp, tư thế. Hay nói cách khác, thông qua dáng đi, thế ngồi để thấy được tâm trạng của nhân vật. Đối với Quân, trông dáng cũng có thể bắt được hình dong. Quân nhìn thấy những nét khác thường trong các tư thế bình thường. Vẫn là những đi, đứng, nằm, ngồi… nhưng qua đó người xem thấy được vui buồn của nhân vật, thấy được câu chuyện lòng của nhân vật.
Ý tưởng hội họa chính là ý tưởng về hình thức, trong đó có cách tạo hình của Phạm Trần Quân xuất phát từ quan niệm trên. Ba yếu tố nội dung (nhân vật), thể loại (chân dung) và hình thức (cách tạo hình) hòa quyện làm một.
Trong tranh của Phạm Trần Quân, người ta thấy một loạt cặp liên kết, thoáng qua tưởng chừng vô lý, tưởng chừng bấp bênh nhưng thật ra lại đầy ràng buộc: đi – tuyệt vọng, ngồi – mãn nguyện, đứng – bồn chồn, nằm – chán nản… cũng có khi không hẳn là như thế, các dáng – trạng thái kể trên mù mờ hơn nhiều, nó pha trộn không chỉ một với một mà nhiều trong một. Vài ba bức đạt được điều này.
Đúng thôi, có vui nào mà không buồn, được nào mà không mất, yêu nào mà không ghét, buộc vào mà vẫn có thể là cởi bỏ cho nhau. Các trạng thái này luôn ở trong nhau, nhòa lẫn trong nhau. Nội tâm và ngoại hình cũng là một, cũng là ràng buộc, một ràng buộc ít ai nhận thấy. Có những mong manh, những vu vơ, những tình cờ mà vẫn là ràng buộc.
Họa sĩ Phạm Trần Quân sinh năm 1974 tại Hà Nội, đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm tại Hà Nội. Triển lãm Tự bạch trưng bày 14 bức tranh với chất liệu sơn dầu trên vải. |
Nói thì nói vậy, chứ đâu chỉ là đi đứng nằm ngồi, Quân thích những tư thế biến thái của đi đứng nằm ngồi hơn, ví dụ như khom, kiễng, ưỡn, vươn, vặn người, so vai, bó gối… Quân đặc biệt thích và diễn tả kỹ cánh tay, nhất là bàn tay.
Quân muốn những cánh tay và bàn tay cất tiếng. Nhân vật nói thông qua những cánh tay buông xuôi hay giơ lên, những bàn tay co lại hay xòe ra, che mặt hay ôm đầu…
Xem tranh Quân dù chỉ thoáng qua, người xem vẫn thấy ám ảnh về những bàn tay với những ngón tay hình như hơi dài hơn, gân guốc, gầy gò thô kệch hơn bình thường nhưng lại nhuốm vẻ mộng mị.
14 bức lần này Quân chỉ dùng đen trắng. Thế là lại tự làm khó mình lần nữa. Đen trắng vừa kén người xem mà kén cả người vẽ. Đen trắng đâu chỉ là chuyện đậm nhạt. Màu nào chả từ đen trắng mà ra rồi lại kết thúc ở đó. Đen trắng cũng là câu chuyện của vui buồn, của gặp gỡ chia ly, đi ở, của ngày đêm, sáng tối. Nếu đi đến tận cùng thì đen trắng cũng là đủ bộc lộ mình, bộc bạch mình, tự bạch mình, cũng đủ là một con đường khám phá mình và đi về với mình.
Lê Thiết Cương
Theo Tuoitre