Tân 22 tuổi, đang học năm cuối một trường đại học ở Hà Nội. Vừa rồi, cậu gọi điện về nhà ở Nghệ An, nói chuyện với ông nội. Nhân ông hỏi đã có bạn gái chưa, cậu khoe: “Rồi ông ạ, xinh lắm. Hai đứa cháu vừa đi Sa Pa với cả đám bạn, chụp nhiều ảnh nhưng còn cất trong máy tính cả. Mấy hôm nữa rảnh cháu rửa gửi về cho ông xem mặt cháu dâu tương lai nhé”. Khi ông cụ bảo cứ gửi thẳng vào hộp thư điện tử, Tân mới biết ông biết dùng máy tính và internet nữa. “Em choáng quá, vì đến bố mẹ em cũng có biết máy tính là gì đâu?”, chàng sinh viên tâm sự.
Già vẫn gửi mail nhoay nhoáy
Hiện tượng những người ở tuổi xấp xỉ bát tuần vẫn học vi tính như ông nội Tân ngày càng phổ biến, mặc dù lĩnh vực tin học, internet vẫn được cho là ưu thế của lớp trẻ và các lứa tuổi năng động. Anh Trọng, nhân viên một cơ sở đào tạo tin học ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết khách hàng của cơ sở này chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhưng gần đây có trường hợp hai cụ ông là hàng xóm của nhau đến học. “Hướng dẫn cho người già, mình phải nói tỉ mỉ gấp mấy lần các bạn trẻ, nhiều khi cũng khá vất vả. Nhưng hai cụ này chịu khó lắm, họ bảo chỉ cần biết những kiến thức cơ bản nhất để khỏi ù ù cạc cạc khi nghe bọn trẻ nói chuyện, và để cập nhật thông tin nhanh hơn”.
Những trường hợp người già đi học tại trung tâm như trên chưa nhiều, phần lớn các cụ vẫn nhờ con cháu “phổ cập” giúp. Động cơ học vi tính và sử dụng net của các cụ khá đa dạng: Để đọc báo, xem hình một cách chủ động hơn, theo dõi các cuộc trao đổi, biết để khỏi lạc hậu, hoặc có khi để… chơi game cho đỡ buồn do ít người trò chuyện, hoặc không thể đi ra ngoài thường xuyên.
Không sợ buồn chán, cô đơn
Theo chuyên gia tâm lý Hà Vân, đường dây tư vấn 1900585877, người già đi học vi tính là một xu hướng rất tích cực, hữu ích không chỉ cho chính các cụ mà còn cho cả gia đình. Thông thường những người cao tuổi sau khi nghỉ hưu thường dễ có cảm giác ngoài cuộc đối với những hoạt động sôi nổi nhất của đời sống xã hội, nhất là khi sức khỏe và các mối quan hệ không còn được như trước. Việc biết sử dụng máy tính, internet là một cách để họ hòa nhập, tham gia vào dòng chảy cuộc sống để thấy mình vẫn có ích, vẫn bắt kịp với thời đại. Với những kỹ năng đó, họ có thể “trò chuyện” và dễ có tiếng nói chung với các thế hệ sau, tránh tình trạng cô đơn, buồn chán vốn rất hay gặp ở người già.
Việc sử dụng máy tính ở tần suất hợp lý, việc tiếp nhận thông tin và tương tác qua mạng giúp các cụ già duy trì sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ sẽ tránh được sự trì trệ, đầu óc minh mẫn, linh hoạt, cử động nhanh nhẹn hơn. Đối với gia đình chung, việc các cụ bắt kịp giới trẻ trong thông tin như vậy sẽ giúp các thành viên dễ hòa hợp và hiểu nhau hơn, con cái sẽ yên tâm hơn về bố mẹ. Điều này thể hiện rất rõ ở gia đình ông Phúc.