Không ít nghệ sĩ cho rằng, triển lãm chung hoặc làm dự án cùng người này, người kia là “hạ thấp” đẳng cấp của mình. Do đó, nhiều hoạt động nghệ thuật mang tính tập thể đã bị ảnh hưởng.
Mời khó, bỏ dễ
Cách đây khoảng 6 năm, Đào Anh Khánh cùng một số nghệ sĩ lập nhóm nghệ thuật thể nghiệm Việt Nam Đỏ. Ban đầu, nhóm hoạt động rất sôi nổi, nhưng sau một thời gian, các thành viên tách ra hoạt động riêng.
Dự án Con đường gốm sứ của hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ lúc đầu quy tụ khá nhiều hoạ sĩ tham gia. Nhưng không lâu sau, bất đồng nảy sinh, một số nghệ sĩ lần lượt rời đi.
Nhóm Hanoi Link thời gian mới thành lập hoạt động khá sôi nổi với gần 20 thành viên, trong đó có Nguyễn Thanh Hoa, Nguyễn Hương Giang, Nguyễn Ban Ga, một số thành viên ở Huế, TP HCM và cả ở nước ngoài. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả yếu tố kinh tế, họ chưa có thêm hoạt động chung nào trong một khoảng thời gian dài.
Nhóm Gang of Five của Đặng Xuân Hoà, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng và Phạm Quang Vinh tách ra sau một thời gian hợp sức.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Trần Khánh Chương, nhìn nhận, các nghệ sĩ trẻ cùng sở thích, cùng khuynh hướng sáng tác thường hoạt động theo nhóm, nhưng rất khó duy trì.
Hoạ sĩ Ngô Lực, người có nhiều hoạt động nghệ thuật gắn với số đông nghệ sĩ, kể chuyện làm dự án Ra đường: “Tôi gặp và mời tới 80 người, ai cũng hứa hẹn, nhưng cuối cùng chỉ có bốn người tham gia”.
Các nghệ sĩ cùng giơ đuốc biểu thị quyết tâm hợp tác trong dự án Hội tụ ánh sáng của Đào Anh Khánh. Ảnh: Đức Tân |
Trong trường hợp này, ngoài chuyện khó hợp tác, còn có sự khác nhau về quan điểm nghệ thuật. Tuy nhiên, họa sĩ Ngô Lực cho rằng với những loại hình nghệ thuật mới mẻ ở Việt Nam, sự góp sức của đông đảo đồng nghiệp rất có ý nghĩa, vừa tạo ra ý niệm, gắn kết cộng đồng nghệ sĩ, vừa tác động tới xã hội. Dự án Vào chợ của anh sau đó có 18 người tham gia, gây được ấn tượng với công chúng Thủ đô.
Không muốn ngồi chung mâm
“Làm việc tập thể còn nhiều nỗi khổ lắm. Tôi vạch ra dự án, mời mọi người góp sức, cùng phát triển nó, nhưng có người coi việc tham gia là giúp, còn tôi phải chịu trách nhiệm tất cả. Đôi khi làm việc tập thể nảy sinh mâu thuẫn vì người ta lầm lẫn giữa tự ái cá nhân và tự trọng…”, hoạ sĩ Ngô Lực than thở. Anh kết luận: “Ai cũng là ngôi sao, quá nhiều người có “dòng máu anh hùng” thì nhóm dễ vỡ”.
Hoạ sĩ Trần Lâm Bình cho rằng, nếu không thống nhất được về ý tưởng, công sức, tiền bạc… thì nhóm sẽ tan, nhất là khi ai cũng có vẻ đầy cá tính như các họa sĩ.
Ngoài ra, một số nghệ sĩ cho rằng tên tuổi của mình không thể “đứng chung sân, ngồi cùng mâm” với người này, người kia. Là người đứng đầu Hội Mỹ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Trần Khánh Chương thấm thía điều này.
Ông kể, hằng năm, Hội có các hoạt động sáng tác, triển lãm và thông báo để hội viên tham gia. Thế nhưng, không ít người chẳng những không tham gia mà còn có các phát ngôn đề cao bản thân, chê bai người khác.
Nghệ sĩ Đào Anh Khánh cho rằng, nghệ sĩ làm việc độc lập là rất tốt khi hoạt động riêng lẻ, nhưng khi phối hợp tập thể thì đó lại là trở ngại. Trong dự án lớn với đông người tham gia mà một vài nghệ sĩ phải điều chỉnh ý tưởng, tác phẩm của mình thì họ dễ tự ái, và dễ rút lui giữa chừng.
Khẳng định vai trò của người đứng ra tổ chức các hoạt động chung, họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng, mỗi người nên biết tôn trọng cá tính của nhau, không nên bài xích, hạ thấp ai. “Mỗi người đều có năng lực riêng, có người vẽ sơn dầu rất đẹp, nhưng làm đồ hoạ không được, có người vẽ sơn mài rất đặc sắc, nhưng sơn dầu không ổn… Không nên lấy mình làm chuẩn để so sánh. Mỗi họa sĩ giống như một bông hoa với cánh, nhuỵ, màu sắc riêng mới làm thành vườn hoa đẹp”, ông Chương nói.
Theo baodatviet