Dưới đây là bài viết tóm lược một số ý kiến quan trọng của nhiều phía từ các nhà chuyên môn…
Những tiết lộ từ họa sĩ Đức Hòa
Bản tham luận của họa sĩ Đức Hòa tuy đọc khá dài, đến hơn nửa tiếng đồng hồ, nhưng được người dự hội thảo vỗ tay nhiệt liệt. Ông đã kể lại những câu chuyện có thật. Đó là chuyện bức chân dung bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ) được đấu giá tại Nhà đấu giá Christie’s với giá 12.000 USD, nhưng thực ra chỉ là bức tranh chép lại của một tay “phù thủy” sau khi mượn được bức thật.
Tác phẩm Ngày mùa của cố họa sĩ Dương Bích Liên
Sinh thời, họa sĩ Lưu Công Nhân có tới hai bức tranh do ông sáng tác, nhưng bị xóa chữ ký, ký tên Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên. Chuyện hài hước hơn nữa là họa sĩ Đức Hòa từng được một người sưu tập tranh mời đi thẩm định tranh của… chính bố mình. Khi phát hiện đó là tranh giả, họa sĩ còn được người sưu tập kia gạ về nhà… thủ tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp (thân sinh họa sĩ Đức Hòa) để đem bán rẻ.
Hoặc như vụ họa sĩ Trọng Hợp phát hiện ra tranh của mình bị sĩ quan Tàu Tưởng đóng quân ở trường mỹ thuật ngang nhiên lấy, đề thơ chữ Hán rồi đem tặng cho một gia đình trên phố Hàng Gai.
Kết luận về bức tranh Mùa gặt của họa sĩ Dương Bích Liên, so sánh hai bản (đã được in trong sách) và bản thứ hai đang treo tại Bảo tàng, họa sĩ Đức Hòa kết luận một cảm giác là… cay đắng. Bức đầu tiên vẽ năm 1954 với kỹ thuật cao trên toan tốt, nhưng sau này xem lại là một bức khác, vẽ trên toan xấu và có nhiều thay đổi.
Thật bất ngờ, sau bài tham luận của họa sĩ Đức Hòa, nhà phê bình Nguyễn Hải Yến (nguyên Trưởng phòng Sưu tập của Bảo tàng) đã lên tiếng giải thích ngay về hai bức Ngày mùa, và Chiều vàng của họa sĩ Dương Bích Liên. Bảo tàng có chủ trương chép lại hai bức này, đưa cho chính họa sĩ chép, nhưng khi nhận lại đều không nhận được bản chính, mà là bản thứ hai… do chính họa sĩ chép…
Bài học cũ
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung (cựu giám đốc bảo tàng) kể cụ thể tỷ mỷ hơn nhiều về việc chép tranh tại Bảo tàng trước đây mà chẳng có luật lệ gì cả. Chuyện họa sĩ Dương Bích Liên trước đây chỉ là một trong các ví dụ.
Ông Chung kể rằng, bức họa nổi tiếng Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân trước đây, khi bị ông H.T.C mua rồi đem ra sân bay, chính ông Chung đã đích thân gọi điện cho Việt Nam đề nghị ngăn lại, vì đây thuộc loại bảo vật quốc gia. Nhưng cuối cùng bên cảnh sát quốc tế Việt Nam trả lời rằng không thể ngăn được, vì không có một văn bản nào quy định việc này. Bức tranh bị đem ra nước ngoài, và hiện nay có tới 3 bản ở ba nơi, chẳng biết bản nào thật, bản nào giả nữa…
Chuẩn hóa cho Trung tâm giám định…
Tất cả những tham luận của những người có trách nhiệm, phía quản lý cũng như các họa sĩ chuyên môn đều đặt ra những vấn đề cụ thể để chuẩn hóa cho Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật. Đó là vấn đề chuẩn hóa các giám định viên (bằng cấp gì? đào tạo ở đâu để quốc tế có thể công nhận), trả lương cho họ như thế nào cho xứng đáng.
Lập hồ sơ, kiểm kê pháp lý các tác phẩm đã có, phối hợp với công an để đánh dấu bằng đồng vị phóng xạ các tác phẩm quý. Làm sao để có hệ thống tài liệu thống kê về thị trường mỹ thuật luôn cập nhật để các nhà chuyên môn căn cứ vào đó…
Tất cả các vấn đề này nêu ra để sự vận động của Bảo tàng cũng như Trung tâm có chiến lược dài hơi, chứ không thể thực hiện ngay một lúc. Ông Đặng Văn Bài còn nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cứ làm, rồi sẽ phải trả học phí cho sự ngu của mình, nhưng không thể ngồi yên mà không làm”. Cả hai nhà quản lý và cựu quản lý cấp Cục là TS Lê Thị Minh Lý và TS Đặng Văn Bài cuối cùng đều tập trung vào một điểm rằng công tác giám định trước hết phải phục vụ công tác sưu tầm của Bảo tàng, trước hết phải kiểm kê và phân định thật giả, phiên bản, dị bản… chính ngay cái kho di sản của Bảo tàng Mỹ thuật để người ta tin. Ta phải thẩm định chính ta trước hết…
Như TT&VH đã phản ánh, trong nhiều năm nay, công tác thẩm định nguồn gốc và tính trung thực của tác phẩm mỹ thuật – cơ sở giá trị cho các bộ sưu tập nhiều thời kỳ tại Bảo tàng đã nảy sinh những dư luận trái chiều. Đã có thông tin cho rằng nhiều tác phẩm được sưu tập tại Bảo tàng có dấu hiệu bị làm giả, thay thế phiên bản… Nhiều bài báo đã đề cập đến vấn đề này, nhưng chưa thấy Bảo tàng Mỹ thuật lên tiếng phản ứng. Có lẽ ý kiến của ông Phạm Quốc Quân khiến nhiều người phải suy nghĩ, rằng một nước dù giàu đến đâu thì Nhà nước cũng không thể mua hết được cổ vật hoặc tranh quý. Điều đó phải dựa vào các bộ sưu tập tư nhân.
Thế nhưng bộ sưu tập tư nhân không thể đại diện cho giá trị di sản quốc gia. Điều đó vẫn cần hệ thống bảo tàng quốc gia phải khẳng định giá trị của mình.
Theo TTVH