Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, ông Hoàng Đức Toàn, khẳng định: Số lượng và chất lượng đội ngũ những người làm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc đã phát triển vượt bậc, đặc biệt là qua Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ II, diễn ra từ 1 – 7/12 tại triển lãm Vân Hồ, Hà Nội
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương phải thừa nhận: “Hội Mỹ thuật không ’gánh’ nổi đội ngũ và công việc của các nghệ sĩ mỹ thuật ứng dụng”. Theo ông, đội ngũ mỹ thuật ứng dụng rất đông đảo, tới hàng vạn họa sĩ. Trong Hội Mỹ thuật Việt Nam hiện có một ngành về trang trí, nhưng hội viên chỉ làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, rất ít người trực tiếp làm việc ở các công ty sản xuất.
Hộp quạt xuân hương hoa đậu bạc, giải nhất tại Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ II. Ảnh: LT |
Ông Trần Khánh Chương ủng hộ việc thành lập một hội mỹ thuật ứng dụng để phù hợp hơn với những nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, dù vấn đề thành lập một ngôi nhà khác cho mỹ thuật ứng dụng đã được đặt ra từ kỳ đại hội trước (2004), nhưng đến nay vẫn chưa ai đứng ra đảm nhiệm trọng trách và đặt những viên gạch đầu tiên.
Một trong những “cái khó”, theo họa sĩ Lê Thanh (Hội Mỹ thuật Việt Nam): “Hiện không có người phất cờ, đứng ra tập hợp đội ngũ để tiến tới hình thành một Ban vận động thành lập hội mỹ thuật ứng dụng, xin đầu tư cơ sở hạ tầng…”.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, trình độ học vấn, tay nghề, sự sáng tạo của các nghệ sĩ và nghệ nhân trong lĩnh vực này rất khác nhau. Đặc thù của người làm mỹ thuật ứng dụng là gắn với các đơn vị sản xuất như xí nghiệp, nhà máy, làng nghề… phân bố rộng trên cả nước, nên việc tập hợp không đơn giản.
Theo baodatviet