Cứ mỗi lần qua phố Hàng Ngang, tôi lại để ý đến 1 ông già đầu tóc bạc trắng với cây chì trên tay đang say sưa vẽ. Ông mải mê với tác phẩm của mình, với những giá trị nghệ thuật trong dòng người ồn ã qua lại. Thỉnh thoảng có những người tò mò lại xem ông vẽ, hỏi han ông vài câu. Trong số đó có tôi.
Bên chén trà nóng trong 1 chiều mùa đông se lạnh, ông giới thiệu về bản thân, và qua đó mà tôi biết ông chính là Nguyễn Bảo Nguyên, 1 trong những vị họa sỹ vẽ tranh truyền thần ít ỏi còn sót lại của Việt Nam.
Họa sỹ Nguyễn Bảo Nguyên với công việc hàng ngày
Người họa sỹ “vô duyên” với chức danh “trí thức”
Trong câu chuyện của mình, họa sỹ Nguyễn Bảo Nguyên kể lại. Ngày đó ông còn bé, gia đình với 2 bố mẹ, 10 người con chỉ sống bằng đồng lương eo hẹp của bố ông, 1 y sỹ. Là con cả, mọi việc lớn nhỏ ông đã sớm phải cáng đáng cùng bố mẹ. Vất vả là thế, nhưng cứ có chút thời gian rảnh là ông lại đem bút chì ra tập vẽ. Những bức vẽ phong cảnh ngày ấy cũng chỉ để thể hiện 1 chút đam mê mà thôi.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Nguyễn Bảo Nguyên thi đậu vào khoa vật lý lượng tử của ĐH Tổng hợp hồi đó. Tương lai tươi sáng như mở ra với cậu sinh viên nghèo. Thời kỳ đó, tấm bằng đại học được người ta quý như vàng. Nhận thấy được giá trị đó, Nguyễn Bảo Nguyên ngày đêm say mê học hành. Nhưng cuộc đời, có những ước mơ có thể trở nên giang dở bởi sự sắp đặt của số phận. Hay theo như ông nói, đó có thể chính là sự “vô duyên” của ông đối với cái danh “trí thức”.
Mấy năm trời đèn sách. Chỉ chờ đợi kỳ thi tốt nghiệp nữa là ra trường, thế nhưng 1 cơn đau dạ dày đã khiến ông dang dở tất cả. Mà thời đó, chuyện đau ốm dẫu có nặng hay nhẹ thì chuyện chạy chữa cũng ko hề đơn giản. Bác sỹ, bệnh viện, thuốc men, thiếu thốn đủ đường khiến những cơn đau dạ dày của ông đã trở thành mãn tính. Không thể thi tốt nghiệp, ghánh nặng gia đình chưa vơi đi chút nào. Ông đành phải tìm cho mình 1 công việc gì đó để sống, để kiếm tiền giúp đỡ gia đình.
Đó là những năm 1960, lúc mà những tấm ảnh chụp đang trở nên xa xỉ. Vì thế tranh truyền thần làm ăn cực kì phát đạt. Nhận thấy mình cũng có năng khiếu về vẽ, thế là Nguyễn Bảo Nguyên sắm sửa đồ nghề, mua sách về để học vẽ.
Không chỉ tự học, ngày ngày ông lại đến các cửa hàng tranh truyền thần dọc các con phố của Hà Nội để học lỏm. Ông còn cho biết thêm, với nghề này, nhất thiết là phải có sự đam mê, sự kiên trì và tinh thần tập trung cao độ. Ông đã bỏ ra 4 – 5 năm trời để có được những bức vẽ ưng ý. Trên bức vẽ, cái thần của người được vẽ đã được bộc lộ 1 cách sống động nhất chỉ qua 2 tông màu đen trắng.
Vào những năm hưng thịnh, xưởng vẽ của họa sỹ Nguyễn Bảo Nguyên làm không hết việc. Bao nhiêu đơn đặt hàng cứ đến với ông tới tấp. Chính vì thế mà thu nhập của ông rất khá, nếu tính ra cũng gấp 4 – 5 lần lương kỹ sư.
Trong những năm tháng phát đạt, vì là nguồn kinh tế chính cho cả đại gia đình. Lại phải lo cho các em ăn học nên ông Nguyên cũng chẳng tích lũy được gì nhiều. Mấy chục năm vẽ tranh, nuôi gia đình đủ cho ông tằn tiện mua được 1 chiếc xe đạp mới. Nhưng cái thời xa xưa đó cũng đã qua lâu rồi.
Những bức truyền thần do họa sỹ
Người họa sỹ già loay hoay gìn giữ tranh truyền thần
Bây giờ, thời gian đã phủ trắng mái đầu ông. Cùng với đó là 1 lượng kiến thức, 1 khối kinh nghiệm đồ sộ mà mấy chục năm ông tích cóp được. Ông tâm sự kể cả việc làm chiếc bút vẽ tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng chẳng mấy người có thể làm được. Bút vẽ được làm hoàn toàn thủ công. Vót nhọn 1 thanh tre rồi chẻ giữa, cắm 1 đầu tăm là thành ngòi bút. Nhưng các công đoạn phải hết sức tỉ mỉ và có tay nghề, nếu không nét vẽ sẽ không đẹp hoặc bút không sử dụng được lâu. Có được bút rồi cũng chưa đủ, phải tìm được mực vẽ thích hợp. Theo ông Nguyên, mực bày bán ở ngoài có đủ loại, nhưng để vẽ đẹp nhất, phải dùng loại mực là muội đèn hứng từ đèn dầu.
Có được dụng cụ cần thiết, khi vẽ 1 bức truyền thần, người họa sỹ đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ. Có khi phải dành cả tuần chỉ để hoàn thành 1 bức chân dung. Và sau khi hoàn thành, tác phẩm không chỉ giống người thật mà còn phải thể hiện được đầy đủ thần thái của người đó, từ ánh mắt, khóe môi, mái tóc…
Sở dĩ ông kể cho tôi những khó khăn của việc vẽ truyền thần là để tôi thấy nếu ai đó muốn đến với môn nghệ thuật này thì sẽ phải vất vả như thế nào. Việc học là việc của cả đời. Người họa sỹ nhiều khi đã dành phần lớn cuộc đời cho những bức tranh mà phải áy náy với những tác phẩm chưa ăn ý là chuyện bình thường. Có lẽ cũng chính vì thế mà người tìm đến ông để mong tầm sư học đạo chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ồng cũng bảo rằng, bây giờ, khoa học công nghệ phát triển quá nhanh. Để có thể lưu giữ nét mặt, thần thái người ta chỉ việc ra cửa hiệu chụp ảnh với giá cả rẻ hơn nhiều. Sang hơn thì người ta tự sắm cho mình 1 chiếc máy ảnh, muốn chụp lúc nào thì chụp. Còn với vẽ truyền thần, phải mất cả tuần mới lấy được tranh. Dù đã cố gắng bán với giá rẻ nhất nhưng để đủ sống và xứng đáng với công lao động của mình, mỗi bức tranh trung bình cũng khoảng 500 ngàn. Đó là mức giá khá cao nên người tìm đến cửa hàng tranh truyền thần trên phố Háng Ngang của ông đa phần là khách nước ngoài.
Việc quảng bá, tìm 1 thương hiệu cho loại tranh này đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là những gì mà người họa sỹ già vẫn trăn trở. Một loại hình nghệ thuật như thế nếu không được bảo tồn sẽ bị mai một, và lớp con cháu về sau khó có thể hình dung được thế nào là tranh truyền thần.
Họa sỹ Nguyễn Bảo Nguyên có lý do để trăn trở bởi ở Hà Nội, các cửa hàng tranh truyền thần bây giờ tồn tại được rất ít. Số người hết mặn mà với nghề, đã tìm đến với những công việc khác là rất nhiều. Tuổi 75, gần đất xa trời, nhưng người họa sỹ già vẫn ngày đêm miệt mài với giá vẽ như để giữ lại những gì quý báu của một môn nghệ thuật vốn đã rất phát triển. Ông đã tìm mọi cách để tìm hướng đi mới cho tranh truyền thần như gửi tranh tham dự triển lãm tận bên Nhật Bản, tích cực chỉ bảo những ai tâm huyết và cố gắng vẽ thật nhiều để lưu giữ tranh cho thể hệ sau.
Ngoài phố, dòng người vẫn hối hả qua lại. Trong phòng tranh, họa sỹ Nguyễn Bảo Nguyên Vẫn say sưa bên giá vẽ và hi vọng rồi dù ở thế hệ nào, tranh truyền thần cũng sẽ tìm được người tâm huyết.
Hoàng Đức Nhã
(Theo VNMEDIA )