Y học cổ truyền quan niệm sốt xuất huyết Dengue thuộc ôn bệnh, do nhiệt độc xâm nhập vào cơ thể gây ra. Khi phát bệnh ôn nhiệt dịch độc uất ở kinh dương minh gây sốt cao, phiền nhiệt, khát nước, mạch hồng đại, nhiệt chuyển vào dinh huyết gây xuất huyết phát ban, chất lưỡi đỏ sẫm. Bệnh nặng lên sau 3 – 4 ngày, nếu không chữa kịp thời thì nhiệt độc lấn sâu vào trong, làm cho xuất huyết phủ tạng, huyết áp hạ, mạch nhanh và có thể dẫn tới tử vong.
Cỏ nhọ nồi
Y học cổ truyền trong nhiều thập kỷ qua đã phát huy được vai trò trong việc phòng và điều trị sốt xuất huyết bằng thuốc y học cổ truyền và châm cứu. Từ tháng 5/2009 đến tháng 12/2009 tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã tiếp nhận 601 bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue vào nhập viện. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế thì thuốc y học cổ truyền dùng để điều trị sốt xuất huyết độ I và độ II, đó là giai đoạn nhiệt nhập vào phần vệ khí và dinh huyết.
Phép chữa phải lấy thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết làm chủ.
Phương thuốc
Lá tre 60g, rễ cỏ tranh 16g, lá khế 60g, kim ngân hoa 12g, cỏ nhọ nồi 16g, cam thảo 8g.
Cách dùng: Mỗi ngày sắc uống 1 thang, ngày uống 2 lần.
Nếu bệnh nhân có xuất huyết gia trắc bách diệp sao đen 12g. Sau khi uống thuốc hầu hết các bệnh nhân giảm sốt nhanh, hết đau đầu, không có xuất huyết, không khát nước và đặc biệt bệnh nhân không phải bù dịch. Số ngày điều trị trung bình từ 4 – 7 ngày.
Nếu bệnh nhân có đau đầu nhiều, sốt cao kết hợp với châm cứu theo công thức huyệt:
Đại chùy, huyết hải, hợp cốc, phong trì, khúc trì.
Dùng thủ pháp, châm tả huyệt đại chùy, huyệt phong trì không châm sâu.
Tác dụng của những huyệt trên là thanh dinh lương huyết, thanh nhiệt giải độc, ích khí sinh tân.
Sau khi châm 1-2 phút bệnh nhân hạ sốt, hết đau đầu.
Như vậy, bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue được điều trị bằng y học cổ truyền vừa an toàn, hiệu quả lại không xảy ra biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị so với phương pháp điều trị bằng y học hiện đại.
Vị trí huyệt
- Khúc trì: Nằm tại điểm giữa đường nối cuối tiếp nhăn khủyu tay trong với chỗ gồ lên phía ngoài của xương cánh tay khi co tay thành một góc vuông. - Hợp cốc: Nằm giữa kẽ ngón cái và ngón trỏ phía mu bàn tay, sát xương ngón trỏ trên mu bàn tay. - Đại chùy: Nằm trên đốc mạch, ngay điểm dưới gai đốt sống cổ 7. - Phong trì: Hai huyệt đối xứng ngang qua và cách đều huyệt phong phủ, nằm ngay chỗ lõm giữa khoảng cách cơ nhũ đột ngực và cơ xiên cổ. - Huyết hải: Nằm phía trên mé trong xương bánh chè 2 thốn. |
(BV Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh)
theo suckhoedoisong