Câu chuyện về Thân Trọng Vĩnh, chàng trai Pháp mang dòng máu Việt bán chiếc xe hơi – giải thưởng nhiếp ảnh do tạp chí Photo trao tặng – để về Việt Nam thực hiện dự án mang tên Hồn Việt (Vietnamese Soul) không còn là mới lạ với những người quan tâm đến lĩnh vực nhiếp ảnh.
Để có những giây phút đam mê như thế này, Vĩnh đã phải bán đi chiếc xe hơi giải thưởng
Chỉ có điều ít ai biết: Hơn 2 năm nay, Vĩnh vẫn ở lại Việt Nam, lặn lội khắp những ngóc ngách, những con hẻm nhỏ của Sài Gòn để chụp hình về cuộc sống mưu sinh hằng ngày của những người dân lao động nghèo mà anh gặp được.
Từ trái tim – đến trái tim
Sinh ra và lớn lên ở Pháp; nhưng do cả bố và mẹ Vĩnh đều là người Việt nên từ nhỏ Vĩnh đã được “ủ” trong “môi trường” những phong tục tập quán Việt. Dù ở Pháp, anh vẫn được đón Tết và mừng những ngày lễ truyền thống khác của Việt Nam. Vì thế, ngay từ nhỏ Việt Nam đã là một phần trong anh. Và nó càng ngày càng lớn hơn khi lần đầu tiên anh cùng bố và anh trai về thăm quê vào năm 1998. Thời gian thăm quê chỉ là 2 tuần, tuy nhiên đó là thời gian đủ dài để giúp anh nuôi dưỡng hoài bão của mình: Làm một điều gì đó cho quê hương.
|
Những em bé tung tăng sau ống kính Thân Trọng Vĩnh |
Cơ hội đến khi Vĩnh đoạt giải thưởng về nhiếp ảnh của tạp chí Photo, một chiếc xe hơi Đức! Thế là anh lập tức bán đi giải thưởng để về Việt Nam thực hiện hoài bão của mình. Hơn 60 tỉnh thành Việt Nam đã vương dấu chân anh và cũng theo đó, những bức ảnh về cuộc sống, về con người Việt Nam đã “chất đầy” blog. Những bức ảnh của Vĩnh có khi là lũ trẻ chơi đùa, có khi là những cụ già lam lũ. Có khi là những khuôn mặt vui tươi, hân hoan, có khi là nụ cười méo xệch của những băn khoăn trắc trở. Có khi lại là hình ảnh chân dung của chính anh rõ mồn một trong hiệu ứng “Yin & Yang”, có lúc mờ ảo tựa hồ như anh lỡ tay lia máy trúng phải một đối tượng không chủ định trên đường. Nhưng tất cả đều có chung một điểm: Mang lại một cảm xúc “khó” cho đối tượng đang nhìn ngắm nó. Khi được hỏi nhờ đâu anh học được kỹ thuật này, Vĩnh trả lời, tất cả những gì anh cần làm là ghi lại cảm xúc từ trái tim mình.
Những bức ảnh biết nói
Chẳng hạn bức ảnh Chị gái và em trai Vĩnh chụp tại Sài Gòn tháng 3.2008, bức ảnh rất đơn giản từ bố cục đến đường nét. Thế nhưng khi nhìn vào, người xem thật sự bị hút bởi đôi mắt trong veo hồn nhiên của đứa trẻ. Nó truyền tải được tất cả sự vô tư của trẻ thơ và cả sự gắn kết đơn sơ mà bền chặt trong truyền thống của người Việt.
Chụp ảnh cũng như bất kỳ một bộ môn nghệ thuật nào, nó đòi hỏi sự sáng tạo, học hỏi và nhất là sự kiên nhẫn!
|
Hoặc khi xem bức ảnh một cụ già râu tóc bạc phơ, gương mặt nhăn nheo với nụ cười phúc hậu được chụp vào tháng 8.2007 tại Nha Trang, người xem sẽ cảm nhận được luồng cảm xúc vô cùng ấm áp và dễ chịu toát lên từ bức ảnh. Bức ảnh như muốn nói: “Cho dù trải qua bao sóng gió của cuộc đời, dù phải trả giá bằng mái tóc bạc phơ, và những vết hằn trên khuôn mặt già nua đen sạm, thì nơi đôi mắt ấy, gương mặt ấy vẫn chất chứa một cái nhìn trìu mến với cuộc sống, với con người”. Vĩnh cho biết, dự án Vietnamese Soul của anh nhằm mục đích giới thiệu đến bạn bè trên khắp thế giới về đất nước anh, một đất nước với những con người hồn hậu, thân thiện và giàu lòng vị tha.
Chụp một bức ảnh hơn 500 lần
Vĩnh chia sẻ: “Chụp ảnh cũng như bất kỳ một bộ môn nghệ thuật nào, nó đòi hỏi sự sáng tạo, học hỏi và nhất là sự kiên nhẫn!”. Chẳng hạn, thoạy nhìn bức ảnh Hien & Dat được chụp tại Sa Pa 24.9.2007, sẽ thấy đây là một bức ảnh rất bình thường. Chỉ đơn giản ghi lại một khoảnh khắc trong ngày của người dân nơi đây. Mà cụ thể là vào buổi sáng, cậu bé dân tộc địu em đi chơi để mẹ đi làm. Thế nhưng nhìn kỹ hơn bạn sẽ thấy ở background phía sau lưng cậu bé là một thanh niên đang chạy xe máy.
Những đôi mắt em bé trong trẻo |
Không phải ngẫu nhiên mà chiếc xe máy kia lọt vào tầm ngắm, và càng không ngẫu nhiên khi tác giả chọn chụp cậu bé ở con đường được trải nhựa bằng phẳng, điều còn khá hiếm hoi ở cao nguyên xa xôi này. Sự sắp đặt bố cục bức ảnh có ý nghĩa riêng của nó. Xe máy và đường lát đá bằng phẳng là hai thứ mà cách đây vài năm, còn hoàn toàn xa lạ với người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi Việt Nam. Bức ảnh toát lên sự ấm áp của tình yêu thương và sâu hơn nữa phản ánh hai chữ “cội nguồn”. Cho dẫu cuộc sống có trở nên hiện đại đến đâu, cậu bé vẫn không cởi bỏ chiếc áo thổ cẩm truyền thống, người mẹ vẫn không cởi bỏ chiếc gùi trên lưng… Và dẫu cuộc sống có tất bật thế nào thì mắt bà vẫn dõi theo từng bước đi của con như truyền thống quý báu lâu đời của người Việt Nam.
Và nếu xem bức ảnh người đàn ông chở vợ và con trên xe máy đi dạo phố đêm Sài Gòn; bạn sẽ thấy sự công phu của việc thực hiện bức ảnh này. Chỉ để ghi lại bức ảnh cả nhà đi dạo phố vào ban đêm, Vĩnh đã không tiếc công sức để thực hiện bức ảnh theo đúng ý đồ mà anh muốn người xem hướng tới. Máy được điều chỉnh ở tốc độ chậm, trên chân đế, khi chụp phải quét máy sao cho tương xứng với tốc độ di chuyển của chủ thể để tạo độ sắc nét cho bức ảnh.
Vĩnh đã bỏ cả đêm để đứng chụp hơn 500 lần trước khi có được tấm ảnh này. Anh vui vẻ kể lại: “Có lẽ vài người đứng gần đấy cho rằng tôi bị… điên, vì tôi cứ quay qua quay lại chụp đúng mỗi 1 kiểu trong mấy giờ đồng hồ liền”. Với hiệu ứng này, mặc dù hình là tĩnh nhưng bạn sẽ thấy dường như chúng đang chuyển động để có thể bắt nhịp với cuộc sống hối hả xung quanh. Và dù đang vận động trong cuộc sống hối hả ấy, gia đình bé nhỏ này vẫn không quên dành một khoảng “tĩnh” cho hạnh phúc bình dị của mình.
Lê Vân
Theo TNO