ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Chú Bứa, làm thơ, vẽ tranh…
Sunday, January 3, 2010 14:11
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Trong căn nhà cấp 4 ở gần cuối đường Ðào Duy Từ của phố núi Ðà Lạt, trước cửa nhà có khung chữ nho nhỏ: “Chú làm thơ cực khổ, đừng lấy cắp của chú!” rồi ký tên: “Chú Bứa, làm thơ, vẽ tranh”…

TTO_123
Ông Bứa (Hoàng Như Thủy An) bên một tác phẩm hội họa – Ảnh: N.H.T.

Ông Bứa đúng là hằng ngày chỉ làm thơ và vẽ tranh, chết sống với hai “món” ấy. Người dân Ðà Lạt không biết đến thân phận ông vì ông sống như một đạo sĩ, khắc khổ, lang thang, trầm lặng, ít bạn, ăn chay thường hơn ăn mặn và luôn mơ tưởng cái đẹp.

Chỉ cánh “rặt” văn nghệ ở Lâm Ðồng mới biết đến ông, bởi trước hết ông là họa sĩ trình bày khá tài hoa của tạp chí văn nghệ Langbian vào cuối thập niên 1980. Trước cửa nhà, ông “năn nỉ” người xấu đừng lấy cắp đồ của ông, nhưng thật ra có vào nhà ông cũng chẳng có gì để mà lấy bởi nó trống trơn, trừ tranh, thơ, máy nghe nhạc và mì gói, đậu khuôn hay bó rau xanh.

Bản tính hiền lành, ông sống thanh bần, yêu nghệ thuật trong sáng, chân thật, và ngay cả nỗi buồn cũng thật đến tận cùng. Không ai như ông, ở tuổi 62 rồi mà vẫn y như Bứa thuở tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Sài Gòn: ngây ngô, khóc ngay khi nghe chuyện đời ngang trái, hoặc lúc bị bạn ghẹo “đau” mà chạnh lòng. Trong bìa 4 một tập thơ xuất bản vào năm ngoái ông “khai” trích ngang hồn nhiên: “Một thời lang thang, thất tình; một thời có ý định đi tu” và ví mình chỉ như “con chim thi sĩ núi đồi”(rồi đặt luôn tên ấy cho tập thơ).

Với Bứa, hội họa và thơ nhập thành một, chỉ khác cái kia dùng viết và giấy, cái này dùng cọ (sơn dầu) và toan. Đến tên cho những bức tranh – như kỳ triển lãm khai mạc hôm 24-12-2009 (đến 30-1-2010 tại 18 Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt) – vẫn đặt rất thơ như: Ngồi ru cành mộng, Rong chơi trên những mặt trời, Ngày ấy tôi đi, Ý nguyện chân đồi… Sống như “thơ” nên ông là kẻ cô đơn mãn tính, là kẻ tự hành hạ mình trước cái đẹp thiếu vắng ở trần gian tội tình.

Điều này cũng hợp lẽ với chuỗi đời dài của một người từng là thầy giáo nhưng mang trái tim thi sĩ, anh viên chức quèn nhưng mang tâm hồn triết gia, từng có vợ nhưng chưa bao giờ có gia đình, có quê hương nhưng không có thật nhà…

Bứa có họ là Hoàng Như, lấy nghệ danh là Thủy An – tên làng quê thuở xưa ở Huế, nhưng cả thơ lẫn tranh của ông chỉ in hình phố núi mù sương Ðà Lạt, nơi mà theo ông “cho mình tâm hồn thi sĩ” và sống hơn 40 năm nay.

Nếu bảo đời là cõi trọ thì ông sống đúng như vậy trong suốt chừng ấy năm ở Ðà Lạt: ở nhờ cầu thang trường học hay phòng học thừa của nhà trường, rồi ở nhờ khu tập thể ký giả, sau nữa là thuê hết chỗ trọ này đến chỗ trọ kia. Thế đấy, vẫn bình tâm, “cứ yêu Ðà Lạt”, đến độ do đời đưa đẩy từng có dạo lưu lạc Sài Gòn được hai năm (vẫn “để vẽ, làm thơ”) là phải quay lên lại.

***

Ở Ðà Lạt, kể từ sau 1975 có ba họa sĩ có thể ngồi chung “chiếu rượu mỹ thuật tươm tất” với nhau là Lưu Công Nhân, Nguyễn Thái Tuấn và Bứa. Nhưng Lưu Công Nhân đã ra đi năm kia rồi. Cả ba, tranh mỗi người là một trường phái, một cốt cách, một thế mạnh, một đẳng cấp riêng. Riêng với Bứa, tranh cũng như thơ, đều là “đất” bộc lộ miền mơ tưởng, mơ tưởng cái đẹp mong manh, thậm chí tác giả luôn cố làm cho nó yếu đuối, non lành hơn suy tưởng của mình có thể.

Bứa bảo sở dĩ tranh ông như vậy vì ông muốn có cuộc sống như thế, thật đẹp, thật tự do, thoát tục, không phiền muộn. “Cuộc đời này vốn đảo điên, chênh vênh rồi, phải tự tìm cho mình một thế giới thật lộng lẫy, thanh thoát qua tranh thôi!”, ông quan niệm lý do tìm đến hội họa.

Ðó là thứ tranh về cái cảm giác bàng bạc, hiền lành, xa xăm được tạo ra bởi hai màu chủ đạo là xanh tơ và vàng chanh đặc trưng khó lẫn vào đâu của Bứa. Ông vẽ tranh như làm thơ và ngược lại. Hãy thử đọc thơ ông nói về các nàng – tức thân phận nhan sắc: Tôi thấy em ngồi bên con suối vắng/ phân trần điều gì với hoa và trăng… Còn với chính mình: Ngày ấy của tôi là cái túi xếch/ chất đầy gió mênh mông/ Ngày ấy của tôi là vầng trăng/ tôi lao vào cuộc chơi bốn mùa thi sĩ/…Tôi sẽ hái hoa trên trời vạn kiếp…/ Tôi chẳng bao giờ đánh mất một vầng trăng tôi yêu…

Việc hằng ngày là ông nặng nghiệp hội họa hơn, dày công cho nó, thế mà rằng “nếu có ai trên đời quen biết tôi thì nên gọi là thi sĩ. Nhờ sống kiểu tự đày mình ấy mà Hoàng Như Thủy An đã tạo ra cho người xem những thi phẩm cùng những bức họa êm ái, thanh thoát, dễ chịu vô cùng. Thơ ông dễ đọc và tranh ông dễ xem, dễ treo, tưởng xa nhưng mà gần.

TTO_12301

Ông Bứa tự vẽ mình – Ảnh: N.H.T. chụp lại

Phòng triển lãm tranh của ông được khai trương trong một căn biệt thự cổ ẩn dưới ngàn thông ở đường Trần Hưng Ðạo, đấy cũng là con đường nhiều duyên nợ và định mệnh gắn bó với thi nhân, người nghệ sĩ “thật” ở Ðà Lạt này, lưu dấu một thời chàng còn để tóc dài đến lưng, đi bộ và hay vạch cỏ bên bờ đường này để hái rau má dại về nấu canh ăn, do nghèo. 13 bức sơn dầu đó cũng như bao bài thơ của ông đang diễu hành đi tụng ca số phận của cái đẹp.

Thời buổi nghệ sĩ dở hơi, giả nhiều, cải trang, che đậy, thực dụng không ít (dĩ nhiên bên cạnh số nghệ sĩ tinh túy) còn một người như ông Bứa cũng “đã”!

Nguyễn Hàng Tinh
Theo TTO

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.