Quan tâm
Đôi khi bọn trẻ có nhiều thời gian đến nỗi chúng cảm thấy độc lập và không cần đến chúng ta nữa. Chính vì thế bạn phải chủ động tiếp cận với con. Hãy rời điện thoại, tắt màn hình vi tính và chỉ tập trung trò chuyện cùng lũ trẻ.
Không bắt buộc
Khi hỏi bọn trẻ: “Con có muốn nói chuyện?”, nếu câu trả lời của chúng là “Không”, bạn nên tôn trọng. Trẻ thành niên thỉnh thoảng muốn được ở một mình, tuy vậy bạn nên tỏ cho con biết mình luôn ở cạnh bên và sẵn sàng trò chuyện nếu chúng muốn.
Chia sẻ
Chúng ta đều biết câu trả lời của bọn trẻ với câu hỏi: “Ngày hôm nay của con thế nào?”, vì thế thay vì hỏi đơn thuần như vậy bạn có thể kể cho con nghe về ngày làm việc của mình. Một khi bạn cởi mở hơn, những đứa con tuổi teen cũng sẽ mở lòng. Hãy kể cho chúng một câu chuyện hài hước về đồng nghiệp trong công ty hoặc về một vấn đề thú vị. Chắc chắn, con bạn sẽ tự động kể mọi chuyện diễn ra trong ngày của chúng ngay thôi.
Trở thành một phần trong thế giới của con
Hãy hỏi các con về một bài hát chúng thích nhất gần đây hoặc tình hình của những người bạn thân hay những khó khăn trong học tập. Tìm hiểu mọi việc của con và quan tâm đến những vấn đề ấy.
Cảm thông
Nếu biết con có bạn trai/ bạn gái và chúng vừa chia tay nhau, chớ nên nói những lời như: “Bố/mẹ đã bảo rằng thằng bé/ con bé đó không hợp với con”. Thay vào đó bạn nên làm một bờ vai vững chắc để con dựa vào, cho con tâm sự những cảm giác trong lòng và hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp con thấy tốt hơn.
Từng bước nới lỏng
Hãy kiên định trước những vấn đề lớn và bỏ qua các rắc rối nhỏ. Để cho trẻ thành niên biết cách đối mặt với hậu quả từ những quyết định của chúng, cũng như luôn xuất hiện đúng lúc giúp con vượt qua nếu chúng gặp thất bại.
Hỏi ý kiến của con
Đừng bắt con phải làm gì, thay vào đó hãy để chúng lựa chọn. Bạn nên cho con chọn các hoạt động cuối tuần cho gia đình hay việc nhà nào mà chúng muốn làm, hình phạt nào chúng muốn nhận. Khi con bày tỏ ý kiến lựa chọn, bạn phải thực sự lắng nghe những quan điểm mà chúng nói.
Khoảng cách về tâm lý giữa cha mẹ và con
Qua phân tích của bà Lý Thị Mai, nhiều phụ huynh đã hiểu rõ giữa cha mẹ và con cái không phải là khoảng cách về địa lý mà là khoảng cách tâm lý. Không ít trường hợp con cái ở chung cha mẹ nhưng thế giới tâm hồn thì lại là căn phòng khóa kín, mất chìa.
Bà Mai cho rằng, phụ huynh nên phân biệt rõ những xáo trộn, khó khăn coi chừng là của mình, chứ không phải là của con. Thay vì hỏi con vì sao giấu, ta nên tự hỏi mình đã làm gì để con sợ đến mức phải giấu? Nhiều người nôn nóng, muốn giải quyết vấn đề nhanh chóng, muốn làm sáng tỏ sự thật nhưng rồi kết quả, nói đúng hơn là hậu quả: khoảng cách cha mẹ – con cái ngày càng xa.
Để kênh giao tiếp được khai thông, các bậc cha mẹ cần chọn thời cơ thích hợp để hỏi chuyện con trong không khí thân mật, cởi mở, thái độ tôn trọng. Ngoài ra, dạy con không nhất thiết là phải ngồi đối diện để “giảng” mà dạy qua hành động của mình (làm gương), dạy lúc vui chơi, xem ti vi, ăn tiệc, dạy trong tiếng cười. Các bậc phụ huynh cũng nên cập nhật những công nghệ mà con tiếp nhận để không bị lạc hậu đồng thời kết hợp tốt với nhà trường, bạn bè của con để có thể mở rộng góc quan sát con.
C.H – Tổng hợp
(Theo Dantri&Webtretho)