Nhưng chờ mãi không thấy nhà bên trả, lại sẵn tiếc cái bát đẹp, đến bữa ăn là Hòa không ngừng cằn nhằn chuyện cũ. Biết chồng cục tính nhưng không kìm được bực bội, Hòa thách khi chồng dọa “cho bát cơm vào mặt”. Kết quả, mình cô phải chịu thiệt thòi…
Lúc bình tĩnh ngồi nghĩ lại, Hòa thấy mình “dại” quá. Cũng may bát cơm, canh của chồng hôm ấy đã nguội; cũng may cô không bị thương, chỉ thấy chua xót trong lòng… Cho dù ngay sáng hôm sau, chồng Hòa đã chủ động làm lành, xin lỗi và mua đồ ăn sáng cho vợ nhưng cô vẫn chưa thấy nguôi ngoai. Hòa biết chồng tốt tính nhưng khi nổi nóng, anh thường không giữ được bình tĩnh. Trong khi đó, Hòa cũng thuộc “mệnh hỏa”, chẳng ngại “đối đầu” với chồng…
Lần trước, lúc bị chồng dọa “tát”, Hòa cũng sôi lên bảo: “Mặt đây, anh giỏi thì tát đi”. Vừa nói, Hòa vừa chìa mặt, thách thức. Trong nháy mắt, Hòa bị chồng tát mạnh và bị ngã dúi dụi. Cô không cam chịu, lao vào cắn tay chồng. Vợ chồng “te tua”, bộ ấm chén trên bàn vỡ mất 3 cái.
Thục (Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn để chiếc tivi hỏng trên sân thượng – vết tích một lần mâu thuẫn với chồng. Do hôm đấy, Thục mải xem phim đến mức quên nồi cháo gà đang nấu, khiến cháo tràn bẩn cả mặt bếp gas. Vừa nhanh tay lau chùi, Thục vẫn không quên ngó vào phòng khách, xem tiếp bộ phim. Chồng Thục tức tối mắng vợ, dọa “ném tivi ra cửa”. Bực mình vì lúc nãy nhờ chồng trông hộ nồi cháo không được nên Thục ngang ngạnh thách: “Anh giỏi thì ném luôn đi”. Dứt lời, chồng Thục nóng giận bừng bừng ôm tivi, không ngại ngần thẳng tay ném xuống sàn nhà, trước sự kinh ngạc của vợ.
Lần khác, vào dịp cuối tuần, Thục đi làm tóc cùng cô bạn thân. Hôm đó, do phải chờ mãi mới đến lượt nên mãi tối mịt, dù chồng liên tục gọi điện thoại, Thục mới về tới nhà. Chưa kịp thanh minh, Thục đã bị chồng dọa: “Đầu với tóc. Lần sau mà về muộn thế thì tôi cạo trọc”. Bực mình, Thục gắt gỏng chống đối: “Anh giỏi thì làm đi”. Chồng Thục chẳng ngại ngần kéo ngược tóc của vợ, vớ lấy cái kéo trên bàn và xén đi một lọt tóc của cô.
Sau hai tai nạn đó, Thục rút ra kinh nghiệm, dù giận điên người cũng không thách chồng. Lúc tức chồng, cô trốn vào nhà tắm rửa mặt hoặc ra ngoài, đi dạo vài vòng cho “hạ hỏa”. Có gì lúc bình tĩnh, vợ chồng bàn bạc tiếp. Chứ chồng Thục cục tính lại bất cần, cô mà cố đối đầu với chồng thì người đau khổ nhất lại chính là mình.
Khôn ngoan là tránh bị chồng “tẩn”
Trừ những anh đánh vợ vô lý (đánh vợ khi nhậu say, không thể kiểm soát được hành vi của bản thân…) còn bình thường, chuyện vũ phu có thể do bị vợ thách thức. Khi nóng nảy, người chồng thường đưa ra lời hăm dọa; trong khi đó, do mất bình tĩnh nên vợ cũng chẳng ngại “ăn thua” với chồng. Hậu quả, phần lớn người vợ phải gánh chịu.
Có những người vợ, phải sau một khoảng thời gian chung sống mới rút ra được bài học biết tránh bị chồng đánh. Giai đoạn mới bước vào hôn nhân, vợ chồng trẻ có thể hiếu thắng, không biết nhường nhịn nên tình hình dễ căng thẳng. Những anh chồng nào biết kiềm chế thì hầu như không bao giờ “động thủ”. Ngược lại, những anh đã đánh vợ một lần thì dễ có những lần sau.
Chuyện đánh đấm nhau (chồng đánh vợ/vợ đánh chồng) dù bất kỳ lý do nào cũng bị lên án. Với những anh chồng đánh vợ như cơm bữa, người vợ có thể nghĩ tới chuyện ly hôn. Nhưng với những anh chồng vũ phu khi nóng giận, ở mức độ vừa phải thì nhiều người vợ không tính đến chuyện chia tay. Thậm chí, không ít người vợ còn chẳng ngại đánh lại để trả miếng chồng. Sau khi bình tĩnh, hai vợ chồng lại ân hận và ước ao: “Giá như lúc đó bình tĩnh hơn”.
Cách tốt nhất là vợ chồng nên học cách chống bạo lực ngay từ ban đầu. Người vợ cần tránh tuyệt đối lời lẽ, hành vi thách thức chồng. Khi nóng giận, lại sẵn tâm lý háo thắng, đàn ông thường không ngại thách thức (thậm chí, càng bị thách, các anh càng hăng hơn). Đó là lý do vì sao, nam giới dễ bị kích động và lôi kéo vào những tật xấu khi không làm chủ được bản thân.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé