Tình duyên lận đận, mãi đến năm 35 tuổi tôi mới lập gia đình. Vợ chồng tôi đều mong sớm có con, nhưng năm 40 tuổi tôi mới sinh được con trai đầu là cháu Kiên và hai năm sau sinh con gái – cháu Thúy. Với tôi, hai đứa con là báu vật, là toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống. Tôi muốn dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Tôi muốn che chắn, bảo vệ con trước những cạm bẫy, bất trắc của cuộc sống xô bồ. Từ bé đến lớn (Kiên đã 17 tuổi và Thúy 15 tuổi) các con tôi luôn nhận được sự chăm sóc kỹ lưỡng và sự quản lý chặt chẽ của cha mẹ. Hai con tôi đi bất kỳ đâu cũng được cha mẹ đưa đón, thậm chí đi kèm. Ngoài đường xe cộ chạy ẩu, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, làm sao tôi dám cho các con tự chạy xe, dù là xe đạp? Thà tốn chút thời gian đưa đón vẫn yên tâm hơn là phải chứng kiến cảnh các con nhập viện cấp cứu vì tai nạn giao thông.
Bọn trẻ bây giờ dễ hư hỏng, dễ tiêm nhiễm đủ thứ thói tật; con trai thì đua xe, nhậu nhẹt, chơi bời, hút chích, trộm cắp…; con gái lại đua đòi, ăn chơi, chưng diện, đàn đúm bồ bịch, quan hệ tình dục tùy tiện… Tôi không muốn các con mình hư hỏng như vậy nên kiểm soát gắt gao thời gian, mọi sinh hoạt, hành vi, các mối quan hệ của chúng… Trong ngày, các con tôi làm gì, gặp ai, vào giờ nào, ở đâu… đều nằm trong sự quản lý của tôi. Con trai đi bơi, đi tập võ… đều có bố đi kèm. Con gái đi học đàn, đi uốn tóc… là mẹ cùng đi. Tôi không cho các con đi chơi với bạn bè mà thường bảo chúng rủ bạn bè về nhà chơi, mọi việc vẫn trong phạm vi kiểm soát của tôi. Các con tôi không bao giờ có tiền riêng trong túi. Tôi sợ, nếu có tiền rủng rỉnh, bọn trẻ sẽ hư. Chúng cần gì, cha mẹ sẵn sàng mua. Tôi không bao giờ để con phải thiếu món gì. Tôi cũng không muốn các con ăn uống ngoài đường vì sợ chúng ngộ độc thực phẩm. Ngoài ba bữa ăn chính, tôi còn tự tay chế biến đủ các món bánh trái, chè, mứt, nước giải khát… cho các con. Chiếc máy vi tính không đặt trong phòng riêng của các con mà đặt ngay phòng sinh hoạt chung của gia đình, để tôi tiện kiểm soát việc các con sử dụng máy.
Về phim ảnh, ngoài các chương trình tivi, nếu bọn trẻ muốn mướn băng đĩa để xem, tôi sẽ chọn những phim nào phù hợp và “an toàn”. Tất nhiên, sách truyện của các con cũng thế, cũng phải qua “kiểm duyệt” của tôi. Ngay cả quần áo, trang phục của bọn trẻ, cũng chính tôi chọn lựa, không để chúng tự do chạy theo các mốt kỳ quặc. Hai con tôi đều đòi mẹ sắm cho điện thoại di động nhưng tôi đã gạt đi, vì tôi biết sẽ khó kiểm soát được việc sử dụng điện thoại di động của các con…
Con tôi thường than thở và trách: “Mẹ thật kỳ! Tại sao chuyện gì mẹ cũng muốn kiểm soát? Sao mẹ không để cho tụi con có một chút tự do? Tụi con lớn rồi, đâu phải mới lên năm lên ba mà mẹ cứ như vậy…!”. Không chỉ các con tôi than trách mà nhiều người thân quen cũng đã phê phán kiểu “úm” con của tôi: “Chị cực đoan quá! “Úm” kỹ quá cũng đâu có tốt cho bọn trẻ! Làm sao bọn trẻ có thể trưởng thành được?”. Mặc, tôi vẫn luôn tin rằng, “úm” con là biện pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất, giúp tôi bảo vệ các con mình an toàn trước cuộc sống phức tạp hiện nay. Thà tôi mang tiếng “úm” con còn hơn là phải chứng kiến các con mình bị tổn thương hoặc trở thành kẻ hư hỏng.
Theo PNO