1. Dạy bé một cách có ý thức
Bố mẹ luôn phải có ý thức điều gì cũng dạy bé từ rất sớm. Giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình giáo dục cho bé là từ khoảng 1 – 3 tuổi. Ngay từ khi bé mới sinh ra, mẹ đã phải có trách nhiệm là người thầy đầu tiên của bé. Mỗi khi mẹ cho bé bú, hãy nói chuyện với bé, trêu bé cười, hát cho bé nghe, lắc lư theo bé theo giai điệu của bài hát.
Bé lớn hơn một chút, mẹ có thể mua tranh ảnh, tạp chí, sách dành phù hợp với lứa tuổi của bé để hướng dẫn cho bé xem và đọc.
Để bồi dưỡng trí tưởng tượng và năng lượng biểu đạt của bé, bố mẹ thường xuyên kể chuyện cho bé nghe trước khi đi ngủ. Khi đã rèn cho bé một thói quen nghe kể chuyện, bố mẹ có thể “mặc cả” với bé rằng: “Bố mẹ kể cho con nghe 2 chuyện, con kể cho bố mẹ nghe 1 chuyện nhé!”. Bé có thể kể lại câu chuyện mình đã nghe hoặc tự sáng tác ra một câu chuyện. Có thể câu chuyện của bé còn ngây ngô, chưa chặt chẽ nhưng bố mẹ đừng quên động viên và khuyến khích bé nhé. Điều này sẽ giúp bé có trí tưởng tượng phong phú và khả năng diễn đạt lưu loát ngay từ khi còn nhỏ.
2. Truyền thụ kiến thức cho bé bằng mọi hình thức
Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ nên nói với bé bằng những từ ngữ giản dị, dễ hiểu, thường được dùng trong văn viết để bé quen với việc lựa chọn từ ngữ khi dùng.
Luôn tạo cho bé một môi trường sống thoải mái vui vẻ, phong phú, đa dạng. Những lúc rảnh rỗi, bố mẹ dạy bé hát, đánh đàn, nghe ca nhạc, học vẽ… Mỗi trò chơi, hình thức giải trí, bố mẹ cũng nên đúc rút cho bé một kinh nghiệm: tại sao lại chơi trò này vào hôm nay mà không phải trò khác, chơi trò này có ích lợi gì?…
Hãy lựa chọn những đồ chơi mang tính giáo dục để xây dựng môi trường học tập cho bé,: quả địa cầu, bản đồ, tranh vẽ về Hà Nội, các thành phố của Việt Nam, hình ảnh những con vật và hoa quả có kèm theo tiếng Anh…
3. Bố mẹ luôn phải chú ý tới hành vi của mình
Điều này rất quan trọng. Giữa cuộc sống vợ chồng, bố mẹ – con cái, cần chú ý lời ăn tiếng nói, hành động sao cho có chừng mực. Mặc dù có những lúc vui, buồn trong cuộc sống, có lúc va chạm, lúc yêu thương, trước mặt con, bố mẹ hãy giữ vững nguyên tắc: “Vui buồn, giận dỗi đều không được đi quá giới hạn”. Có thể bố mẹ phải tránh nói một số từ, tránh bàn những chuyện tế nhị trước mặt bé.
4. Bồi dưỡng khả năng quan sát và khả năng tư duy cho bé
Cách tốt nhất là thường xuyên cho bé đi chơi nhưng cần có chủ đích. Ví dụ, vào mùa xuân, bố mẹ cho con đi chơi, ngắm lá xanh lộc biếc, chim hót trên bầu trời, bướm đùa giỡn với cánh hoa… Có thể đưa bé đi tắm biển, lên núi để ngắm cảnh, hay về quê xem các bác nông dân vất vả làm ra hạt gạo vất vả thế nào…
Sau khi bé đi chơi và được quan sát, bố mẹ hãy đưa ra những câu hỏi và cháu có thể trả lời. Ví dụ: để làm ra hạt gạo, bác nông dân phải làm những gì?… Những câu hỏi nào bé chưa trả lời được, bố mẹ hãy giải thích cho bé và hướng dẫn bé thói quen quan sát một cách tỉ mỉ. Bố mẹ cũng nên khuyến khích bé đặt câu hỏi để bố mẹ trả lời.
Nam Hải
theo afamily