Chị Cẩm Nguyệt (P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã gửi thư tâm sự: “Con gái tôi học lớp 5. Mới đây, tôi phát hiện chuyện động trời: bạn trai gửi cho cháu một bức thư tình, lời lẽ rất ngọt ngào. Không được dùng điện thoại, nhưng thỉnh thoảng cháu mượn thì tôi vẫn cho. Mỗi lần điện thoại hay nhắn tin cho bạn xong, cháu liền xóa hết. Có lần, cháu vừa nhắn tin xong thì có đến mấy chục tin nhắn gửi vào, toàn những lời lẽ đại loại như “Tớ yêu cậu nhiều lắm”, “Sao cậu ghen mãi thế”… Tôi tá hỏa, mắng con một trận tơi bời, không ngờ cháu cãi lại “Ba mẹ có bao giờ quan tâm đến con đâu, lúc nào cũng áp đặt con theo cách nghĩ của ba mẹ. Con muốn tâm sự với mẹ nhưng lúc nào mẹ cũng nói bận rồi, nếu không thì mẹ cũng bảo lo học đi, tâm với sự cái gì”.
Tuổi lên 10 bắt đầu có những hành động chứng tỏ mình không còn trẻ con – Ảnh: L.N.H
Chị Nguyệt cho biết, vì nghĩ con bé mới tí tuổi đầu, làm gì đã có tâm sự, nên chị không quan tâm, dù nhiều lần bé muốn tâm tình cùng mẹ. Hậu quả, mọi diễn biến về tâm sinh lý của con gái đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chị.
Đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ cũng nhận được không ít cuộc điện thoại của các ông bố bà mẹ có con cái ở tuổi lên 10. Gần đây nhất, chị Hà Anh (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) vừa điện thoại cho chúng tôi vừa khóc. Chị kể: Sáu giờ sáng thứ hai, chị gọi bé Na dậy đi học, nhưng gọi mãi con không dậy, cứ nằm mê mệt. Phát hiện chai thuốc ho để trên bàn của con không còn giọt nào, chị vội đưa con đi bệnh viện. May mà cháu chưa bị ảnh hưởng gì nhiều. Khi cháu đã tỉnh lại, ôm con vào lòng, chị hỏi: “Thuốc ho ngọt, con thích uống lắm sao?”, con gái chị mới thỏ thẻ: “Tại ba mẹ yêu cu Bi hơn nên con muốn uống cái đó để ngủ luôn cho quên, không bao giờ dậy nữa”.
Lúc bé Na năm tuổi, vợ chồng chị mới quyết định có đứa con thứ hai. Sau 5 năm kế hoạch, chị bị tắc vòi trứng, phải điều trị mất năm năm nữa. Vì thế, cu Bi ra đời trong niềm vui khôn tả của gia đình, ai cũng chăm bẵm vào cu Bi. Đôi lúc đùa giỡn, chồng chị còn bảo con gái “chị Na ra rìa rồi nhé”. Có lần, chị cũng thoáng thấy vẻ giận hờn của con gái, nhưng quá bận rộn lo cho cu Bi, chị quên luôn. Chủ nhật, đại gia đình làm đầy tháng cu Bi, ông bà, các cô chú ai cũng có quà cho Bi. Đến lúc vào bàn ăn cơm thấy thiếu bé Na, chị tìm khắp nơi mới phát hiện con gái chui lên gác xép nằm đọc sách. Chị giận quá, vừa lôi xềnh xệch con xuống, vừa la. Thế là sáng thứ hai xảy ra chuyện.
Từ Q.6, TP.HCM chị Hoài Phương, mẹ của cháu Hoàng Tuấn (10 tuổi) đã tìm đến Báo Phụ Nữ với mong muốn sự việc xảy ra với con chị được đưa lên báo để các bà mẹ rút kinh nghiệm. Chị nhận được giấy mời của thầy giáo chủ nhiệm lớp, thông báo việc con trai chị chép bài của bạn khi thi môn toán. Vốn nóng tính, đợi con đi học về, chị bắt con nằm sấp trên giường, không hỏi han gì, cứ thế mà quất. Vừa đánh con, chị vừa nói: “Copy này, tao đánh cho mày chừa cái thói ăn cắp”. Thằng bé khóc tức tưởi, vừa khóc vừa nói “con không ăn cắp”.
Bữa cơm tối bé không ra ăn cơm, chị vẫn còn giận nên cũng mặc kệ. 10 giờ tối, đến giờ đi ngủ, chị ghé mắt vào phòng con xem thế nào thì phòng không có ai. Tìm con khắp nhà rồi quanh nhà cũng không thấy đâu, chồng lại đang đi công tác xa, chị thật sự hốt hoảng. Chị chạy sang nhà hàng xóm, nhờ mọi người tìm phụ. Cuối cùng cũng tìm thấy con chị đang nằm ngủ co quắp trên ghế đá công viên cách nhà 1km, đầu gối lên chiếc túi xốp, bên trong có mấy bộ quần áo. Sau sự việc đó, chị mới chịu nghe ý kiến của con. Bé Tuấn ngồi cạnh một bạn học sinh giỏi trong lớp. Khi làm bài thi môn toán, có một câu cháu làm rồi mà không chắc là đúng, mới quay qua hỏi bạn đáp số. Bạn đó không nói, cháu với tay sang cầm bài của bạn để tìm đáp số bài toán, nhưng chưa nhìn thấy thì bạn đã hô hoán lên với thầy giáo. Chị ân hận vì đã đánh mà không chịu hỏi han con cho rõ, con muốn giải thích chị cũng không thèm nghe, khiến con tuyệt vọng bỏ nhà đi.
Lắng nghe con
Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thị Sai, trẻ ở lứa tuổi lên 10 là đang bắt đầu bước vào giai đoạn khủng hoảng tâm sinh lý, đang trong thời kỳ quá độ từ trẻ con phát triển thành người lớn. Đây là giai đoạn thay đổi tâm sinh lý mạnh nhất của trẻ, sẽ kéo dài cho đến hết cấp II. Ở thời điểm này, trẻ muốn được tôn trọng như người lớn và có thể có những hành động để chứng minh mình không còn là trẻ con nữa. Cha mẹ cần phải quan tâm sâu sát đến trẻ, bởi lúc này, trẻ cần được nâng đỡ, do nhu cầu muốn được làm người lớn mâu thuẫn với khả năng thực tế khiến trẻ rất dễ bị vấp ngã. Hãy gần gũi và xem con như bạn, đừng áp đặt con theo ý mình, nếu không, trẻ sẽ không bao giờ muốn trò chuyện với bạn. Và như vậy, trẻ sẽ ở ngoài vòng kiểm soát của cha mẹ.
Ở cả ba trường hợp trên, các cháu đều rơi vào khủng hoảng tâm lý, lại không nhận được sự hỗ trợ từ cha mẹ nên đã có những hành vi và quyết định nông nổi. Nếu ai đó còn chủ quan cho rằng tuổi lên 10 là không có gì đáng quan ngại, cứ để mặc trẻ tự xoay xở, thì hãy nghĩ lại, kẻo có ngày hối không kịp.
Theo Phụ nữ Online