Mặc dù câu trả lời đạt độ nhất trí cao tuyệt đối đến vậy nhưng năm nào các chàng cũng phải hỏi lại nhau (hoặc hỏi vợ) cho chắc: “Năm nay nên biếu gì nhỉ? Lại rượu à? Vẫn bia chứ?“. Điều này chỉ chứng tỏ sự tôn trọng và thận trọng của các chàng rể mà thôi. Thực tế thì hỏi mà như đã trả lời. Dù có nghĩ loanh quanh mãi thì vấn đề cuối cùng vẫn cứ là chọn kích cỡ, chủng loại rượu sao cho hợp ý ông nhạc, vừa cái ví của mình.
Quà biếu bố vợ mà không có rượu thì vứt! |
Từ xa xưa, trong thời gian trước khi làm đám cưới, các chàng rể tương lai đã có cái lệ là sắm sanh chút quà vào hai dịp Tết Nguyên đán và Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) mang sang nhà ông nhạc để tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn, gọi là “đi sêu”. Đến sau khi cưới thì vẫn biếu quà Tết, nhưng không gọi là đi sêu nữa. Dần da quen mồm nên ngày nay, cứ hễ đi biếu quà bố vợ thì gọi là đi sêu. Cũng chẳng sao, miễn là tình cảm/ Quà thì đơn giản, con gà, thùng gạo nếp, hoa quả theo mùa…và không thể thiếu cút rượu ngon.
Chân lý càng ngày càng được chứng minh: quà biếu bố vợ mà không có rượu thì vứt! Nghèo thì chỉ chút hoa quả, giàu thì có con gà, gói mứt, hộp bánh…nhưng kiểu gì cũng phải kèm thêm khoản hơi cồn thì giỏ quà Tết rước lên nhà cụ nhạc nó mới có ý nghĩa được. Không lẽ lại tặng áo sơ mi hay vợt ten-nis theo giỏ quà? Rể xoàng thì cuốc lủi, rượu ta. Rể oách thì rượu Tây đắt tiền. Phải chăng là các chàng đã trót (hoặc sắp) “ẵm” mất cô “con gái rượu” của bố rồi nên muốn đền bù chút ít?
Ngày rượu rởm còn tràn lan, khối chàng mất vợ vì trót để bố vợ bẽ mặt với khách khứa. Đầu xuân ngậm phải ngụm rượu nhẹt toẹt thì dù có thông cảm đến mấy cũng phải lẩm bẩm rằng “Không lẽ nó bảo con gái mình cũng rởm, cũng nhạt toẹt như cái thứ nước này!” Thế nên các chàng trai trẻ thêm một nhiệm vụ khó khăn nữa là làm thay quản lý thị trường ngày Tết, để truyền tai nhau hàng này, hàng kia bán rượu đã qua thẩm định, làm ăn uy tín…Trước Tết năm nào họ cũng chung một niềm hy vọng rằng đám làm rượu rởm năm nay nhân đức hơn năm trước mà tăng phần thật, giảm phần giả.
Rể ngoan thường thì chọn rượu hợp ý bố vợ cho phải đạo. Cụ thích uống cuốc lủi thì lần mò tìm đúng loại rượu quê thơm phức. Cụ thích vang thì rể cũng phải tự mình bồi bổ kiến thức về nho, về mùa thu hoạch, đặng kiếm được chai vang oách. Lỡ cụ có xa xỉ mà thích cognac hay whisky thì rể cũng ráng mà dồn tiền thưởng Tết để bố vợ có tí tự hào lúc mở rượu ra khoe với bạn bè…Mấy tay rể ít ngoan hơn, nhưng vẫn tình cảm, đáng yêu, thì chọn biếu loại nào mình thích uống.
Gặp được ông nhạc thích rượu thì thực là số hên. Cho dù bất đồng quan điểm “Mày cuỗm con gái yêu của bố…”, “Đâu, con gỡ bom mìn cho nhà ta đấy chứ…” thì cả hai vẫn dễ dàng đồng cảm sau vài chén rung rinh. Rượu mà thơm thơm, ngon ngon thì có khi bao nhiêu tật xấu con gái bố cũng nhận hết về phần mình ấy chứ! Còn mà hai bố con hết nửa chai thì kiểu gì cụ cũng chỉ cho cách trị vợ đến nơi đến chốn, theo kiểu “Bà ấy ngày xưa cũng thế. Bố xử đẹp luôn! Mày cứ thế mà làm.”
Nhưng mà gặp ông bố vợ tửu lượng không cao cũng chả sao. Các rể thậm chí còn dồn nhiều công sức vào công cuộc tìm rượu ngon hơn. Đơn giản là vì “Biếu cụ xong không mình uống thì ai? Cứ nhét vào giỏ quà chai nào mình thích nhất cho oách.” Bố vẫn mát mặt còn con vẫn có tiếng (và cả miếng) thơm. Ấy là chưa kể ông nhạc tửu lượng không cao sẽ dễ rung rinh hơn, nhanh say hơn và nhất định là sẽ chia sẻ được nhiều ý kiến dạy vợ bổ ích hơn. Nhiều ông râu quặp, thường bị vợ cấm uống rượu ở nhà, thì coi đây là cơ hội tốt để “chuyển rượu vào kho”, tìm các cơ hội “giải ngân” ở nhà bố vợ mấy ngày Tết một cách đàng hoàng. Oách và thoải mái hơn uống ở nhà nhiều.
Ấy là chuyện vui. Vào những ngày này, giở báo ra khó tìm được chuyện gì hay ho. Rặt chỉ toàn thấy chuyện “con rể đốt nhà bố vợ”, “mâu thuẫn mang mìn đến nhà ông nhạc”, “con rể đâm bố vợ”, “bố vợ xiên con rể vì không chịu chăn vịt…” thấy lạnh lưng! Cứ như thể chúng ta đang chuẩn bị đối mặt với cuộc chiến giữa hai phe là con rể và bố vợ vậy. Cái câu “bố vợ phải đấm” ngày trước e vẫn còn quá nhẹ.