Ham đọc hay tự kỷ
Bà con trong ngõ 111, đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội lúc nào cũng kháo nhau về bé Đức Anh, con trai chị Liên. Chỉ vì bé mới 34 tháng đã biết hết tất cả các mặt chữ cái và chữ số. Còn chị Liên lại cảm thấy rất lo lắng. Vì thời gian gần đầy, bé rất hay tò mò và hay hỏi bố mẹ về cách viết chữ và đánh vần. Có hôm bé hỏi:
- Mẹ ơi, chữ “bà” viết thế nào ạ?
- Chữ “bà” sẽ được viết là chữ bờ, rồi đến chữ a, thêm dấu huyền ở trên chữ a, cọn ạ. Con đánh vần theo mẹ nhé: bờ a ba huyền bà.
Chị nghĩ bé chỉ hỏi thế và quên ngay. Nhưng sau đó, bé lôi toàn bộ đoàn tàu gỗ có chữ cái ra, ghép chữ “b” trước chữ “a”, rồi hào hứng gọi mẹ:
- Mẹ ơi, chữ “bà” này.
Mẹ cứ nhắc đến chữ gì, bé lại hỏi mẹ chữ đó viết thế nào. Có hôm đi vườn bách thú Thủ Lệ, bé đọc hầu hết tên các con vật được viết trên bảng gỗ. Chị Liên không ít lần băn khoăn không biết Đức Anh ham đọc, ham viết như vậy có phải dấu hiệu của trẻ tự kỷ hay không? Có nên dạy cho con biết đọc, biết viết sớm, hay con hỏi thì cho qua chuyện, để con phát triển bình thường đúng theo lứa tuổi. Nhưng bé Đức Anh vẫn chơi đùa với các bạn ở lớp bình thường. Đặc biệt, bé còn hay đọc thơ, thích hát và kể chuyện cho các bạn nghe.
Trên thực tế, cũng có rất nhiều bé ham học như con chị Liên. Các trường mẫu giáo ở nước ngoài hầu hết đều dạy bé chơi và làm quen với chữ cái từ khi bé được 2-3 tuổi. Khi bé được 3-4 tuổi, bé có thể ghép vần. Do vậy, bé có thể biết đọc từ lúc 3-4 tuổi cũng là chuyện bình thường, không phải dấu hiệu của bệnh tự kỷ.
Nếu bé thích, chỉ nên dạy bé đọc
Ở độ tuổi từ 3 – 4 tuổi, nếu bé muốn học và thích học, mẹ nên dạy cho bé. Nếu bé nào chưa thích học, mẹ cũng nên tìm cách nhẹ nhàng để giúp bé làm quen với chữ cái.
Bố mẹ nên mua cho các bé bộ đồ chơi thông minh để bé làm quen dần với chữ cái
Mẹ chỉ nên dạy bé đọc, không nên dạy bé tập viết. Vì lúc này tay bé vẫn còn yếu. Hãy để bé chơi với đất nặn hay vẽ bằng phấn sáp, luyện cơ ngón tay bé cứng cáp và khéo léo dần lên. Từ 5 tuổi trở lên, bố mẹ hãy bắt đầu dạy bé tập cầm bút.
Ở độ tuổi này, các bé đã nhận biết đồ vật như cái bình sữa, bát, thìa, quyển sách, tivi… hay các hình khối như hình tròn, hình vuông, hình tam giác. Có bé cũng đã nhận biết được màu xanh, màu đỏ, màu tím, màu vàng. Vì vậy, bố mẹ hãy nghĩ các chữ cái cũng chỉ giống như các đồ vật trên. Bố mẹ có thể mua các chữ cái bằng nhựa, dạy bé đọc sớm, lồng ghép vào đó như là trò chơi.
Ví dụ, nếu bố mẹ mua 5 món đồ chơi cho bé, nên cho kèm vào đó 3 chữ cái bằng nhựa. Chắc chắn, khi bé thuộc tên 5 món đồ chơi, bé cũng đủ khả năng thuộc tên 3 chữ cái. Số lượng đồ chơi tăng lên, số chữ cái cũng tăng lên cho hết bảng chữ cái.
Sau đó, bố mẹ có thể giải thích đơn giản cho bé hiểu về chữ cái đứng đầu của một từ: Chữ M là đứng đầu của chữ Mẹ, Chữ B là đứng đầu của chữ Bố
Khi bé biết hết bảng chữ cái, có thể dạy bé học ghép một cách đơn giản như:
- Đầu tiên, cho bé ghép vần 2 chữ cái như: bố, mẹ, cà, cá,….
- Tiếp theo là ghép vần 3 chữ cái : kẹo, kem, táo, dâu….
- Rồi ghép vần những chứ có 4, 5 chữ cái.
Chú ý: Nên chọn ghép vần những từ quen thuộc với bé trong cuộc sống hàng ngày.
Ở độ tuổi này, bố mẹ cũng có thể dạy bé làm toán trong phạm vi từ 5 – 10, tuyệt đối không nên dùng chương trình lớp 1 để dạy bé học.
Hải Nam (tổng hợp)
theo afaily