ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Di sản mỹ thuật Thanh Hoá, Nam Định kêu cứu
Wednesday, January 20, 2010 13:06
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Vừa qua, thầy trò khoa lý luận và lịch sử mỹ thuật đại học Mỹ thuật Việt Nam đã tiến hành hai chuyến điền dã tại hai thành phố Thanh Hoá và Nam Định, nơi tập trung khá nhiều tác phẩm mỹ thuật thời Lý, Lê sơ và thế kỷ 17 – 18. Kết quả thu được là một danh sách dài các di tích hoặc bị bỏ quên, hoặc “được” trùng tu một cách bừa bãi.

Di sản mỹ thuật Thanh Hoá, Nam Định kêu cứu - Tin180.com (Ảnh 1)

Rồng đang được trùng tu ở điện Lam Kinh bằng ximăng

Di tích quốc gia cũng bị lãng quên

Nhiều thế kỷ trước, Thanh Hoá là một trong hai địa phương có mỏ đá chất lượng tốt nhất, có những xưởng khai thác – chế tác đá khổng lồ và một nền nghệ thuật điêu khắc đá rực rỡ. Thành tựu của nó hiện vẫn đậm nét trong các tác phẩm điêu khắc đá còn lại tại các lăng mộ ở Thanh Hoá, điển hình, theo ThS Trang Thanh Hiền (giảng viên khoa lý luận và lịch sử mỹ thuật), trưởng đoàn khảo sát, là các lăng: Quận Mãn, Quận Nghi, Đa Bút… Nhưng, thật đáng tiếc, chính những di tích này lại đang xuống cấp nghiêm trọng.

Đến lăng Quận Mãn, vốn là một trong những khu lăng mộ đẹp nhất xứ Thanh, với diện tích tương đương chín mẫu ruộng cùng nhiều công trình lớn và những tác phẩm điêu khắc điển hình cho phong cách thời Lê – Trịnh thế kỷ 18, các nhà nghiên cứu trẻ bàng hoàng trước cảnh tan hoang, cây cối đổ ngổn ngang, trâu, bò, dê tung tăng gặm cỏ, còn đám trẻ chăn trâu thì thoải mái nô đùa, phóng uế ngay tại lăng. Nếu như trước đây, lăng nằm cách xa các công trình dân sinh thì nay, bị kẹp cứng giữa nhà hộ sinh và toà nhà uỷ ban nhân dân xã, đều mới xây dựng. Xem xét kỹ, đoàn phát hiện, có những ống cống được dẫn thẳng từ nhà hộ sinh sang lăng. So với sơ đồ cũ, hệ thống các tác phẩm điêu khắc bao gồm tượng võ sĩ, ngựa, hổ, voi… thứ tự đã bị xáo trộn, một số pho tượng đá bị quét sơn dầu lem nhem. Khu lăng mộ nổi tiếng một thời nay chỉ còn là phế tích.

Mặc dù được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, nhưng lăng Quận Nghi cũng trong cảnh hoang tàn. Theo sơ đồ cũ, lăng có rất nhiều công trình đồ sộ như tiền đường, bái đường, sinh từ… và được bao quanh bởi một thành đắp bằng đất và đá. Nay, dấu tích lăng chỉ còn lại ở cái cổng và điện thờ, đều đã xập xệ. Rất nhiều khối đá lớn từng làm nên vẻ đẹp của lăng đã bị người dân rút tỉa dần, mang về kè sân, lát đường.

Càng trùng tu càng xuống cấp

Chuyến khảo sát thứ hai được tiến hành tại thành phố Nam Định, nơi tập trung nhiều đình, chùa, tháp mang dấu ấn kiến trúc, điêu khắc thời Lý, hiện khó tìm thấy ở các địa phương khác. Chùa Long Đọi may mắn gìn giữ được một số tượng đầu người mình chim và sáu pho tượng kim cương (mang dáng dấp võ quan, tay chống gươm, cỡ bằng người thật) ngót nghét ngàn năm tuổi. Tuy nhiên, có thể nhận thấy ngay, một số pho tượng đã được sửa sang một cách cẩu thả: đầu tượng gắn với thân bằng ximăng, bề mặt tượng cũng được bôi trát ximăng. Đến quần thể di tích tháp Chương Sơn – chùa Ngô Xá, đoàn khảo sát tìm mỏi mắt không thấy dấu tích tháp Chương Sơn (khánh thành năm 1117 dưới thời vua Lý Nhân Tông, có chiều cao hơn 90m, đã bị giặc ngoại xâm phá huỷ hoàn toàn) nằm đâu giữa cỏ dại, cây rừng. Mượn dao rựa phát quang, mở đường, cuối cùng, mới đến được chân tháp, cũng phủ kín cây cỏ. Nghe đâu, cuối những năm 90, đoàn khảo cổ học có về đây khai quật, mang các hiện vật đi trưng bày tại bảo tàng, và bỏ mặc di tích tháp Chương Sơn cho cỏ cây vùi lấp.

Cũng được xây dựng gần một thiên niên kỷ trước, chùa Ngô Xá hiện vẫn lưu giữ pho tượng Adiđà quý hiếm. Mặc dù ít được biết đến hơn so với tượng Adiđà chùa Phật Tích, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, tượng Adiđà chùa Ngô Xá đặc sắc hơn, nhất là ở gương mặt thuần Việt. Nhưng, gặp tượng Adiđà chùa Ngô Xá, đoàn khảo sát khiếp đảm vì mặt tượng đã được thếp vàng bóng bẩy. Chưa hết, người ta còn đổ ximăng bao phủ ba phần tư chân tượng, che mất những đường nét chạm trổ tuyệt đẹp khi xưa.

Khác với vẻ tiêu điều của các di tích lăng mộ tại Thanh Hoá, di tích Đình Xám – Nam Định được trùng tu toàn bộ. Nhưng, nét cổ kính và phong cách kiến trúc cũ của Đình Xám đã hoàn toàn bị che lấp dưới lớp sơn xanh đỏ rực rỡ và một phong cách kiến trúc – điêu khắc hỗn tạp không rõ của thời nào.

Cần một cái “bắt tay” giữa ba giới: nghiên cứu – khảo cổ – trùng tu

Vì ngân sách eo hẹp (có được nhờ quyên góp nội bộ), đoàn chỉ có thể tổ chức một triển lãm giới thiệu kết quả khảo sát kéo dài không quá ba ngày. Mong muốn của các nhà nghiên cứu trẻ, như tâm sự của ThS Trang Thanh Hiền, không hẳn là công bố những bức ảnh, những thông tin gây chấn động dư luận, mà là một lời đề nghị hợp tác giữa ba giới: nghiên cứu – khảo cổ – trùng tu, vì “Mọi nỗ lực cá nhân sẽ chẳng đi đến đâu nếu nhà nghiên cứu cứ nghiên cứu, nhà khảo cổ cứ khảo cổ, nhà trùng tu cứ trùng tu”. Không rõ, đề xuất của chị có làm nên một “cuộc cách mạng” hay không, nhưng tại buổi toạ đàm Bảo tồn di sản mỹ thuật do nhóm khảo sát tổ chức, ngoài các sinh viên, rất ít đại diện tên tuổi của cả ba giới góp mặt, mặc dù giấy mời đề rõ “Vào cửa tự do”.

Hương Lan(ảnh do đoàn khảo sát cung cấp)
Theo Dulich

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.