Hoạ sĩ Mai Hương bên những tác phẩm của mình
Con đường nghệ thuật: Nhiều hoa hồng nhưng không thiếu mồ hôi
Sống trong môi trường nghệ thuật, từ bé chị đã được tiếp xúc với hội họa, từ bút vẽ, mầu, khung tranh… và cả những câu chuyện đàm đạo của cha, của anh về hội họa. Lớn lên , chị theo nghiệp vẽ như một điều tất nhiên. Bên cạnh những bậc cha anh am hiểu về hội họa, chị vẫn thi vào đại học Mỹ thuật để có kiến thức cơ bản và cái nhìn tổng quan hơn về môn nghệ thuật này.
Trong quá trình học tập tại trường, chị đã học thày Lê Duân, thày Hữu Ánh, thày Trọng Các và thày giáo, nhà phê bình Lê Quốc Bảo. Ở mỗi người thày, chị đều học hỏi được những kiến thức nhất định cho con đường nghệ thuật chị đang theo đuổi. Có thày chỉ cho chị về màu sắc, thày dạy bố cục, có thày lại cho chị kiến thức về phương pháp luận. Và quả thật, những kiến thức chị tích lũy được ở trường học đã định hình cho chị một phong cách sáng tác riêng.
Tốt nghiệp đại học, chị về công tác tại Nhà xuất bản Thanh Niên phụ trách thiết kế sách. Từ đây, con đường hội họa của chị chia làm hai phần riêng biệt đó là mỹ thuật và đồ họa ứng dụng. Trong suốt quá trình làm về đồ họa ứng dụng, chị đã nhận được nhiều giải thưởng, tiểu biểu là huy chương Bạc triển lãm Mỹ thuật ứng dụng Toàn Quốc 2004 về bộ 6 bìa sách. Giải Nhất cuộc thi sáng tác biểu trưng APAN do ASIA tổ chức năm 1993, Giải bìa sách đẹp do cục xuất bản tổ chức năm 2002… Những giải thưởng này tuy không lớn nhưng cũng là niềm động viên chị khi theo đuổi con đường này.
Công tác trong ngành xuất bản, nhiều lúc chị gặp khó khăn trong công việc, áp lực của nhà xuất bản trong cơ chế thị trường phải lo sao cho đủ chỉ tiêu nhiều khi làm chị mệt mỏi. Nhưng chị yêu sách và đó cũng là cảm hứng để chị sáng tác bên hội họa. Khi làm sách chị gặp được các nhà văn nhà thơ, các nhạc sĩ, họa sỹ. Chị trao đổi về công việc của nhà xuất bản và quá trình ấy cho chị cảm hứng để vẽ tranh.
Bên cạnh đồ họa ứng dụng với những công việc chiếm hầu hết thời gian trong ngày, vậy mà khi về nhà, chị vẫn chăm chỉ vẽ bởi niền khao khát được vẽ tranh của chị chưa bao giờ ngừng. Chị vẽ để giải tỏa những điều trong lòng và thỏa mãn niềm đam mê hội họa. Chính những điều cho riêng mình ấy giúp chị lao động không mệt mỏi. Chị thường xuyên có tranh tham dự các triển lãm Mỹ thuật và đạt được không ít giải thưởng như: Giải nhì cuộc thi vẽ quốc tế do Ba Lan tổ chức, Giải nhì cuộc thi vẽ quốc tế do CHDC Đức tổ chức, giải nhì triển lãm Nữ tác giả năm 1989…
Chân dung tự hoạ
15 phút và… 2 năm cho một bức tranh
Nếu ai đã xem tranh của họa sỹ Mai Hương sẽ bị ấn tượng bởi không gian trong tác phẩm của chị. Hầu hết không gian này được khởi nguồn từ bao lần đi thực tế sáng tác. Chị quan sát, ghi chép nhưng không phản ánh hoàn toàn những gì đã tích lũy được mà tập trung khắc họa ấn tượng về mọi thứ đã quan sát ấy. Đó có thể là một không gian biển, kiến trúc cổ, một đồ vật…và có khi chỉ là một chiếc lá đang rơi. Sở trường của chị là chất liệu Acryli (một loại màu tổng hợp khi khô giống như sơn dầu nhưng rất nhanh khô nên đòi hỏi người vẽ phải vẽ rất nhanh), đây là chất liệu hội đủ khả năng nắm bắt trực tiếp những hình sắc vốn có của tự nhiên. Chất liệu Acrylic chủ đạo để thể hiện ý tưởng vừa như hiện thực, siêu thực, ấn tượng…làm phong phú bút pháp chị khi chuyển tải ý tưởng vào tranh.
Mỗi họa sỹ đều tìm cho mình những phương pháp thể hiện riêng, với Mai Hương thì ánh sáng là “nhân vật” chính trong tranh để khắc họa những cảm xúc và ý tưởng nghệ thuật đa chiều. Khi xem tranh của chị, người xem sẽ bị ấn tượng về một không gian rộng, hiện diện con người và cảnh vật hài hòa.
Trong suốt hơn 20 năm vẽ tranh, lần đầu tiên chị tổ chức triển lãm của riêng mình với 40 bức tranh. Để có cuộc triển lãm này, chị đã phải miệt mài lao động suốt 3 năm. Chị lấy tên cuộc triển lãm của mình là “Sắc cảm”, đó là sắc mầu của trái tim. Những tác phẩm này có chung một chủ đề, đó là biểu hiện tình cảm, trạng thái của con người trong cuộc sống. Bên cạnh đó còn là cảm xúc trước vấn đề về tâm linh và cả về những vật lộn trong cuộc sống. Mai Hương còn đem vào tranh của mình những thứ của nghệ thuật đương đại đó là nón, rơm, vỏ sò, khuyên tai của người dân tộc, chuông…những thứ rất đời thường của cuộc sống nhưng được hị đưa vào tranh đã tạo một hiệu ứng nghệ thuật đối với công chúng.
Thời gian hoàn thành một bức tranh là không cố định. Có bức chị chỉ mất 15 phút. Nhưng cũng có chị phải suy nghĩ trăn trở, phải vận lộn, vẽ xong để đấy, thấy chưa hài lòng, lại nghĩ và vẽ. Tiêu biểu là bức “Bứt thoát” để hoàn thành nó, chị phải vẽ trong vòng 2 năm. Với mỗi bức tranh, chị coi chúng như những đứa con tinh thân của mình nên để lựa chọn bức nào đẹp nhất, quả thật là khó với chị. Nhạc sỹ Xuân Cửu khi đến xem triển lãm “Sắc cảm” đã rất ấn tượng bởi không gian đầy sắc màu mà Mai Hương tạo dựng. Đêm hôm ấy anh đã thức trắng để viết bản nhạc “Lặng lẽ dáng em” dành tặng riêng cho nữ họa sỹ tài hoa này.
Với dòng tranh trừu tượng chị đang theo đuổi, hoạ sĩ Mai Hương nhận định: “trước tiên chị vẽ để thỏa mãn chính mình và khi đã có đối tượng thưởng thức thì lúc đó tác phẩm của mình mới hoàn thiện. Cứ vẽ tranh đi cứ sáng tạo đi, rồi trong đông đảo quần chúng sẽ có một người thích tranh của mình”.
Bức tranh “Con gái tôi” của Mai Hương
Nỗi lòng người hoạ sĩ
Là người phụ nữ, khi tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật thì quỹ thời gian của bản thân chị cũng bị thu hẹp. Mai Hương cho rằng, chị khá may mắn lấy được người chồng tuy không làm cùng nghề nhưng lại rất cảm thông với chị. Anh luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chị sáng tác. Những khi chị đang hăng say vẽ, anh sẵn sàng đi chợ, nấu cơm để vợ không bị “ngắt mạch cảm xúc”. Cô con gái nhỏ của chị năm nay mới 12 tuổi nhưng cũng đã bộc lộ năng khiếu về hội họa và âm nhạc. Bé cũng là nguồn sáng tác của chị, tiêu biểu là tác phẩm “Con gái tôi” vẽ bé và chú cún con cũng đã để lại ấn tượng cho người xem.
Hoạt động trong ngành mỹ thuật đã bao năm, hơn ai hết chị hiểu được những khó khăn khi theo nghề. Bản thân chị cũng phải lấy đồ họa nuôi hội họa bởi chị biết, ngay cả khi những nghệ sĩ nổi tiếng lúc còn sống cũng chưa chắc đã bán được tranh. Nghĩ thế nên chị không bỏ cuộc, cứ đi, cứ làm thậm chí còn làm những việc không liên quan đến việc vẽ tranh để sống nhưng không bao giờ nguôi khao khát được vẽ. Đây cũng chính là điều chị muốn nhắn nhủ với những bạn trẻ khi muốn theo đuổi hội họa.
Thuỷ Chi
Theo VnMedia