“Người phụ nữ chính là vẻ đẹp của cuộc sống. Vì thế nên qua triển lãm của mình, tôi muốn nhắn gửi tới mọi người thông điệp rằng: Hãy yêu vợ hơn. Ai là phụ nữ thì hãy yêu bản thân mình hơn. Và quan trọng nhất là hãy sống theo cảm xúc thật của chính bản thân mỗi người.” – Họa sỹ Mai Huy Dũng.
Họa sỹ Mai Huy Dũng
Mai Huy Dũng tuổi con cọp (1974). Đầu trọc, mắt to, nhưng nụ cười luôn nở trên môi khiến gã trông không hề dữ dằn mà còn đáng yêu. Anh em bạn bè bảo Dũng hiền, Dũng cũng tự nhận mình như vậy. Hiền là thế nhưng khi chìm trong màu sắc, anh táo bạo đến kì lạ, như trở thành 1 người khác. Mỗi bức tranh của Mai Huy Dũng, với những gì ẩn chứa qua sự chuyển động của hình thể cũng như màu sắc đã cuốn hút người xem đến mê mẩn.
Tôi gặp Mai Huy Dũng lúc anh đang bận rộn với buổi triển lãm tranh với chủ đề “Soonsh” của mình ở triển lãm 42 Yết Kiêu. Tất bật tiếp khách, giới thiệu tranh khiến cuộc nói chuyện của chúng tôi nhiều khi bị gián đoạn. Gián đoạn nhưng trọn vẹn.
- Anh có thể kể qua về “con đường hội họa” của mình?
Thực ra tôi cũng mới chỉ bước vào hội họa mấy năm trở lại đây. Hồi còn nhỏ, ông ngoại tôi là một họa sỹ kháng chiến. Chắc là do được thừa hưởng gene từ ông nên tôi vẽ khá đẹp. Những bức tranh tôi vẽ cũng được nhiều người khen. Nhưng hồi đó gia đình nghèo quá, không có tiền đi học.
Tốt nghiệp cấp 3, tôi đã phải đi làm để kiếm tiền. Sau này gia đình khấm khá hơn tôi mới thi vào học khoa đồ họa của viện Mở Hà Nội. Trong thời gian ôn thi, tôi có học lớp hội họa của họa sỹ Nguyễn Cương. Chính ông là người nhận thấy khả năng của tôi và hướng tôi theo con đường hội họa. Thầy cũng quý tôi bởi tính cách và sự nghiêm túc trong công việc của mình.
Đến năm 2006, thầy Nguyễn Cương thành lập 1 nhóm gồm vài người để cùng làm việc về lĩnh vực hội họa. Và cũng từ đó, tôi theo con đường hội họa 1 cách nghiêm túc.
- Vậy anh phải bỏ dở công việc của 1 nhà thiết kế đồ họa để theo con đường hội họa?
Không, tôi vẫn học để trở thành 1 nhà thiết kế đồ họa. Thời gian đó, tôi học đồ họa ở viện Mở, học hội họa từ thầy Nguyễn Cương và học sự chiêm nghiệm…ở đời.
Bây giờ, tôi vẫn vừa thiết kế đồ họa vừa vẽ tranh đấy chứ. Việc thiết kế đồ họa tạo cho tôi một khoản thu nhập kha khá, đủ để nuôi hội họa.
- Như thế anh sẽ phải rất khó khăn trong việc bố trí thời gian?
Cũng chỉ hơi vất vả. Cả 2 đều là đam mê của tôi mà. Buổi sáng thì tôi dành thời gian để vẽ tranh. Buổi chiều dành 1 vài tiếng để làm đồ họa kiếm tiền. Khoảng thời gian còn lại tôi dành cho vợ con, bạn bè và 1 vài thú vui nho nhỏ khác.
- Là một họa sỹ, anh quan niệm thế nào về nghệ thuật?
Nghệ thuật là cái gì thì khó nói lắm. Người ta vẫn thường xuyên tranh luận nảy lửa về vấn đề này mà. Với tôi, nghệ thuật rất là đơn giản. Nó là mảnh đất tự do nhất. Ở đó, tôi được làm những gì mình muốn, mình khát khao.
- Có người nói lối vẽ của anh là lối vẽ “Biểu hiện – trừu tượng” Đó là hướng đi của anh?
Thực sự là tôi chưa và sẽ không bao giờ có ý định áp đặt gì cho tát, nặng nề vào tác phẩm của mình. Vì thế nên tôi không khẳng định lối vẽ của tôi là gì cả. Những tác phẩm của tôi đơn giản là diễn tả bằng cảm xúc, một cảm xúc chân thành, thế thôi.
Tôi rất thích câu nói của 1 họa sỹ nổi tiếng “Tôi chỉ vẽ những điều mà tôi không nói được bằng lời”. Như trong cuộc triển lãm “Sống”, tôi có nói ra được những điều ẩn sâu trong tâm hồn mình về người phụ nữ, về cuộc sống đâu. Nó chỉ được bộc lộ qua đường nét, qua màu sắc. Có thể cũng do học dốt văn nên phải vẽ để thể hiện những gì mình nói, mình nghĩ.
Tôi không đề cao tâm tường mà đề cao cảm xúc ngay khi đó. Đó mới là hướng đi của tôi.
- Cái dễ và khó của hướng đi đó là gì?
Cái dễ là không sợ ai nói “Thế là đúng” hoặc “Thế là sai”. Còn cái khó là cảm xúc không phải lúc nào cũng dắt ta tới cái đẹp. Cũng vì thế nhiều bức vẽ, sau khi hoàn thành xong cảm thấy chưa đẹp, chưa hay nên phải cạo đi hoặc cất chờ 3 – 4 tháng để vẽ đè lên.
- Trên con đường nghệ thuật, anh cũng đã gặt hái được rất nhiều thành quả. Vậy triển lãm “Sống” chính là điểm nhấn cho thành quả đó?
Đúng như vây. Tôi mở triển lãm vì muốn công bố thành quả bước đầu cũng như tạo điều kiện trong những lần công bố tiếp. Đó là thành quả của 2 năm lao động miệt mài của tôi.
Bài toán đặt ra là phải dùng những bức tranh để mổ xẻ cảm xúc của mình với cuộc sống, đặc biệt là người phụ nữ.
- Tại sao chủ đề cuộc triển lãm của anh lại là “Sống”?
Quan niệm của tôi, vẽ chính là sống chứ không to tát tới mức đề cập đến đời sống của mọi người. Đơn giản chỉ là “Sống” của riêng tôi.
- Tất cả những tác phẩm trong triển lãm đều khắc họa nên hình ảnh của những người phụ nữ đầy gợi cảm, bí ẩn. Vậy anh có thông điệp gì gửi tới người xem?
Người phụ nữ chính là vẻ đẹp của cuộc sống. Vì thế nên qua triển lãm của mình, tôi muốn nhắn gửi tới mọi người thông điệp rằng: Hãy yêu vợ hơn. Ai là phụ nữ thì hãy yêu bản thân mình hơn. Và quan trọng nhất là hãy sống theo cảm xúc thật của chính bản thân mỗi người. Đừng bao giờ gò bó mình trong khuôn khổ của người khác.
- Dự định sắp tới của anh là gì?
Tôi sẽ lại vẽ tiếp thôi. Tất nhiên những bức tranh tiếp theo sẽ gửi đến người xem những sự mới mẻ.
- Sự mới mẻ đó như thế nào, thưa anh?
(Cười) Tôi chưa thể nói trước được cái mới mẻ đó là gì khi chính bản thân tôi cũng chưa biết.
Vẽ thì phải tìm. Và tôi sẽ tìm đến những cái hay, cái đẹp nhất của cuộc sống và “nói” qua những tác phẩm của mình.
- Xin cám ơn họa sỹ Mai Huy Dũng với cuộc trò chuyện thú vị này!
Chẳng phải sự lạ trong bố cục với những tuyến nhân vật lớp lang trùng điệp, cũng không phải nhân vật nữ kia có khuôn mặt đẹp đến mê hồn hay toàn thân đã “nuy” đầy gợi cảm… Mai Huy Dũng chỉ vẽ một người, hay đúng hơn, một khái-niệm-người trong nhiều động thái khác nhau của đứng, của ngồi, của nằm, và… của sống. Thật vậy, trong thế giới sáng tạo của Mai Huy Dũng, ta có thể nhận về những thông điệp của mộng mơ, êm ả, những suy tư trầm lắng, những buồn vui hờn giận và cả sự nổi loạn trong tâm tưởng con người. Những chuyển động của hình thể tác động đến ánh sáng và tạo ra khôn lường bao hiệu quả màu sắc, khi dịu êm với gam vàng sáng, khi cực kỳ giận dữ với những tương phản đối chọi bốc lửa đỏ-vàng-đen; khi vô tư với nhân vật đang múa mà hòa sắc đen, ghi và trắng trong vắt tựa pha lê, khi trầm tĩnh với những sắc nâu thao thiết đến nao lòng… Hội họa Mai Huy Dũng là hội họa của hiện thực đã được nung chảy, được nhào nặn lại bởi sức nóng của cảm xúc và quá trình vật vã đến quyết liệt của ý tưởng. Đứng trước những tác phẩm tưởng chừng tác giả chỉ vẽ một hơi, vẽ bằng hai tay với những tiết tấu cực kỳ gấp gáp, người xem như bị hút vào một không gian sống với bao lời nhắn gọi vượt lên. Và có lẽ, đây là giá trị nhân văn mà tác giả đã kín đáo găm vào tác phẩm của mình. Lời nhận xét của họa sỹ, nhà phê bình nghệ thuật Đặng Trường Lưu. |
Hoàng Đức Nhã
Theo VnMedia