Nhìn kết quả học tập mấy tháng đầu học kỳ I “không đâu vào đâu” của bé Hà An (8 tuổi), chị Hương – mẹ bé mắng xối xả: “Xem con bé Hoa hàng xóm kìa, vừa học vừa chăm em giúp mẹ, mà năm nào cũng học sinh giỏi. Con nhà mình thì chỉ ăn với học mà cũng không xong, sau này chỉ có đi bán vé số con ạ!”. Chị Hương đâu biết, bé Hoa dù cùng tuổi với Hà An, nhưng nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lại được cha mẹ sắp xếp một kế hoạch học tập rất khoa học, trong khi đó bé Hà An vừa ốm yếu, vừa phải đi học cả ngày, giờ nghỉ lại bị ép học các môn năng khiếu nên lúc nào mặt mày Hà An ỉu xìu, rầu rĩ, không muốn nói chuyện với người khác.
Mỗi em mỗi vẻ, mọi so sánh đều khập khiễng! – Ảnh: L.N.H
Ngày nào nhà anh Hoàng cũng lặp đi lặp lại điệp khúc với cậu con trai Hải Anh (12 tuổi): “Con qua mà học anh Quang, con bác Lý kìa. Anh ấy vừa học giỏi vừa đàn hay, ngày nào cũng siêng năng tập luyện, còn con chẳng được tích sự gì”. Ban đầu nghe vậy, Hải Anh còn im lặng, nhưng nghe mãi cậu bé đã không chịu nổi, cãi lại: “Bố qua mà học anh ấy, con bố chỉ ngu dốt vậy thôi”.
Chị Hương, anh Hoàng cũng như nhiều bậc phụ huynh thường có chung tâm trạng: Tưởng so sánh với người giỏi hơn để con mình tự đối chiếu mà tiến bộ, không ngờ có đứa lại cố tình học tập sút kém, cãi lại để chống đối cha mẹ.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng
Con người sinh ra không có ai hoàn hảo, cha mẹ đừng quá kỳ vọng ở con cái mà dẫn đến so sánh con với người này người kia. Hậu quả chỉ là gây áp lực khiến trẻ luôn trong trạng thái ức chế, mệt mỏi; thậm chí còn làm nảy sinh tâm lý ghen ghét, ác cảm với người được so sánh. Bé Hà An bộc bạch: “Ngày trước cháu rất thích chơi với bạn Hoa, nhưng từ ngày mẹ cháu hay so sánh cháu với bạn rồi chê trách, quát mắng làm cho cháu thấy ghét bạn Hoa, không muốn gần gũi nữa”.
Hải Anh cũng tâm sự: “Bố mẹ cháu không bao giờ thấy được ưu điểm và sở thích của cháu, cứ buộc cháu hết giống người này đến giống người khác. Cháu thích và chơi cờ vua rất cừ, nhưng bố mẹ cháu có đoái hoài gì đâu, chỉ muốn cháu học đàn trong khi cháu chẳng thích âm nhạc chút nào”.
Mỗi đứa trẻ đều có sự khác nhau về cơ địa, đặc điểm tâm sinh lý, khả năng nhận thức, khí chất, tính cách, năng lực và hoàn cảnh sống. Vì thế, mỗi trẻ đều có thế mạnh riêng mà cha mẹ cần phát hiện để tạo điều kiện cho con thể nghiệm, phát triển, mới là dạy con đúng cách. Đừng bao giờ áp đặt, bắt ép con mình phải giỏi giang giống như người khác.
Việc dạy dỗ phải xuất phát từ những gì con trẻ đang có, đang mong muốn chứ không phải từ sự so sánh với trẻ khác. Những khi con có thành công, dù nhỏ, cũng phải kịp thời khen ngợi, động viên để khuyến khích.
Nguyễn Văn Công (giảng viên tâm lý học)/ Theo PNO