Về làng tranh Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh vào những ngày cuối năm, chỉ còn lác đác vài gia đình cố theo đuổi nghề truyền thống. Làng tranh không sống được bằng nghề tranh, nên từ lâu người dân làng đã chuyển sang nghề làm vàng mã để có công việc ổn định, để thoát được đói nghèo…
Một thời vang bóng
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Sam, một trong số ít nghệ nhân đang bám trụ với nghề tranh truyền thống tâm sự: “Bây giờ có nhiều loại tranh ảnh nên cái thú chơi tranh Đông Hồ trong những ngày tết không còn phổ biến như xưa nữa. Chỉ còn lại một bộ phận nhỏ chủ yếu là du khách muốn lưu giữ tình yêu cho dòng tranh này. Vì thế một vài gia đình trong làng chỉ mang đồ nghề ra làm mỗi khi có đơn đặt hàng”.
Tranh Đông Hồ được in trên tờ giấy điệp. Giấy điệp cũng là một kỳ công được người nghệ nhân kết hợp từ giấy gió trộn với bộ vỏ sò, hến quết lên những gam mầu óng ánh. Theo ông Sam, họa sĩ dân gian xưa tô màu tranh bằng chất liệu hoàn toàn lấy trong tự nhiên.
Lá tre đốt ủ kỹ làm màu đen, lá tràm cho màu xanh, rỉ đồng màu lam, nhựa thông cho màu hổ phách, quả dành dành cho màu vàng, vỏ trứng giã nhỏ trộn hồ cho màu trắng… chất liệu tự nhiên ấy đã làm nên màu sắc kỳ diệu quý giá của tranh Đông Hồ.
Có còn không hồn dân gian.
Dòng tranh Đông Hồ qua bao đời đã sản sinh ra hàng trăm tác phẩm nổi tiếng. Trong đó phải kể tới bức tranh Hứng dừa vừa trữ tình vừa hài hước; bức tranh Thầy đồ là hình ảnh của nền giáo dục xưa và bức tranh Đánh ghen là tiếng cười phê phán chế độ đa thê… nhưng nổi tiếng nhất phải kể tới tranh gà, tranh lợn với những chiếc khoáy âm dương trên hình các chú lợn… đầy trừu tượng. Theo các nghệ nhân, đây cũng là thể loại tranh công phu và mất nhiều thời gian nhất.
Thời xưa, cứ vào tháng Chạp là tháng làm tranh tết. Khắp các chợ vùng quê, đâu đâu cũng có người Đông Hồ đi bán tranh. Những người đi chợ tết ngoài cành đào, cành quất, cây bồng, mâm ngũ quả ra hầu như không bao giờ quên mua một bức tranh Đông Hồ về treo trong nhà với niềm tin sẽ đem lại nhiều may mắn, no đủ, sung túc trong năm mới…
Nhà nhà làm hàng mã
Xã hội phát triển, cùng với công nghệ in ấn ngày càng tinh xảo đã kéo theo nhiều loại tranh ảnh ra đời làm cho dòng tranh cổ truyền đang dần dần bị mai một. Từ một làng nghề nổi tiếng một thời, giờ người Đông Hồ đã chuyển sang làm hàng mã.
Theo ông Sam cho biết, việc chuyển từ nghề làm tranh sang làm hàng mã là do trước đây trong công đoạn làm tranh có nhiều khâu giống làm hàng mã như làm giấy, nhuộm giấy, phơi giấy.
Tục đốt vàng mã vào những ngày lễ, ngày càng trở thành “một phần tất yếu” của người dân đã khiến cho nghề làm hàng mã ở Đông Hồ nhanh chóng phát triển. Sức hấp dẫn của nghề mới đã khiến cho hơn 400 hộ dân trong làng Đông Hồ bỏ nghề truyền thống chuyển sang làm hàng mã phục vụ theo xu thế của thị trường.
Khi chúng tôi tới nhà ông Sùng, xóm Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành đúng lúc cả nhà đang quết phẩm màu. Cháu Thủy đang học lớp 3 cũng tranh thủ nửa buổi nghỉ giúp mẹ quết phẩm màu.
Cháu Thanh mới học lớp 4 mà đã biết dán tiền vàng và các loại xe máy, ô tô. Khắp gian nhà trên, bếp dưới đâu đâu cũng thấy chất đầy các đồ hàng mã. Từ mũ, nón, ngựa, xe đến vàng, tiền địa phủ… đến cả đôla chồng chất lên nhau.
Chị Bùi Thị Luyện, ở cùng làng cho biết: “Tất cả những đồ đóng trong giấy bóng là đã xong, chiều nay chủ buôn sẽ đến lấy. Ngày xưa làm cái nghề này chỉ đủ rau cỏ thôi, vài năm gần đây, khách hàng ở khắp mọi miền cứ ùn ùn kéo về, ngay cả những nhà buôn ở phố Hàng Mã, Hà Nội cũng tìm đến để đặt hàng. Nhờ vậy mà người làm nghề đã có bát căn bát để. Có nhiều nhà phải thuê thêm nhân công trong những ngày lễ tết để kịp hàng trả cho khách”.
Theo các chủ hộ ở Đông Hồ, công việc làm hàng mã cũng rất phức tạp và nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người thợ cũng phải tỉ mỉ, khéo léo chẳng khác gì làm tranh Đông Hồ ngày xưa.
Từ công đoạn đan nan tre thành khung hình con vật như ngựa, gà, lợn, chó đến các đồ dùng phức tạp hơn như xe máy, ô tô, nhà lầu, áo mũ quan thậm chí cả “ô sin”… sau đó mới quết phẩm màu lên giấy, phơi khô và cắt dán lên khung tre.
Có những công đoạn như đan khung và cắt dán giấy đòi hỏi tay nghề của người thợ phải khéo léo, có mắt thẩm mỹ và nghệ thuật mới làm được. Nhưng cũng có nhiều công đoạn mà ngay cả người già và trẻ nhỏ đều có thể tham gia làm được như công đoạn quết phẩm màu hay phơi giấy.
Chính vì đặc trưng của nghề sản xuất hàng mã mà giá bán cũng tùy vào từng sản phẩm, từng khách hàng. Một chiếc ô tô dài khoảng 60 cm bán lẻ là 70.000 đến 100.000 đồng, còn biệt thự 3 tầng có giá từ 150.000 đến 300.000 đồng. Khi hỏi về giá của các sản phẩm trên, nhiều chủ hộ cho biết họ làm ra giao cho chủ buôn chỉ được một nửa giá trên.
Truyền thống hay lãng phí?
Một thực tế cho thấy, việc đốt vàng mã đã trở thành thói quen lâu đời của người Việt. Với quan niệm của nhiều người “dương sao, âm vậy”, nên cứ lễ tết, ngày rằm, mồng một đều phải “hóa vàng” cho những người ở thế giới bên kia để cho họ cũng có một cuộc sống đầy đủ như trên trần thế.
Gia đình chị Thư ở làng Hồ, huyện Thuận Thành cho biết vào ngày lễ tết, tết nhận được đơn đặt hàng của các nhà buôn, thường là những khách quen nên khó mà từ chối được. Họ đặt làm nhà lầu, xe hơi, ô sin, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình và cả những cô gái ăn mặc sexy mà người ta gọi đó là “cave” giống như trên trần gian. Phải chăng đó là những cách nghĩ thực dụng của những người trần gian dành cho những người cõi âm?
Vào những ngày cuối năm đến phủ Tây Hồ, Hà Nội, hay đến Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, mới thấy người ta đốt vàng mã khủng khiếp thế nào. Lửa khói bốc lên cuồn cuộn và đống tro cao hơn cả đầu người.
Không thống kê cụ thể mỗi năm trên khắp mọi miền có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thiết nghĩ việc thắp hương cũng giỗ tổ tiên là một nét văn hóa của người Việt Nam nhưng nếu quá lạm dụng dẫn đến lãng phí dùng tiền thật đi mua tiền giả để đốt “hóa vàng” như hiện nay thì thật đáng phê phán…
Theo 24h