Những hình ảnh được kính thiên văn Hubble thu được cho thấy cựu hành tinh xa này (Diêm vương bị “hạ bệ” xuống hạng “hành tinh lùn” vào năm 2006) đang thay đổi màu sắc và các tảng băng trên Diêm vương đang thay đổi.
Các bức ảnh cho thấy Diêm vương hồng hơn so với nhiều thập niên trước kia. Đối với “người trần mặt thịt” Diêm vương vẫn mang sắc vàng cam, nhưng với các nhà thiên văn học, thì nó đã hồng lên khoảng 20% so với trước kia.
Các bức ảnh cũng cho thấy nitơ đóng băng trên bề mặt Diêm vương đang lớn lên ở một số khu vực nhưng lại thu nhỏ ở chỗ khác, sáng hơn ở phía bắc nhưng lại tối hơn ở phía nam. Theo các nhà thiên văn bề mặt Diêm vương đang thay đổi nhanh hơn các vật thể khác trong hệ mặt trời. Điều này là khá bất thường bởi một mùa kéo dài tới 120 năm ở một số vùng trên Diêm vương.
Từ năm 1954-2000, Diêm vương không thay đổi về màu sắc khi nó được chụp từ Trái đất. Nhưng sau đó, nó bắt đầu thay đổi. Mức độ đỏ tăng lên 20%, thậm chí có thể lên tới 30%, và đã ổn định từ khoảng năm 2000-2002. Tuy nhiên, nó không đỏ được như sao Hỏa.
Theo nhà nghiên cứu Buie, thuộc Viện nghiên cứu Tây Nam ở Boulder, Mỹ, Diêm vương có rất nhiều mêtan (chứa các nguyên tử carbon và hydro). Khi hydro bị gió mặt trời và các nhân tố khác tách ra, khiến các vùng trên bề mặt trở nên giàu carbon và đó là lý do Diêm vương đỏ và tối.
Tuy nhiên, lý do vì sao Diêm vương lại thay đổi nhanh đến vậy vẫn còn là một bí ẩn.
Qua phân tích Buie cũng thấy rằng các tảng băng nitơ trên Diêm vương đang thay đổi về kích thước và mật độ một cách đáng ngạc nhiên. Nhiệt độ trên Diêm vương vô cùng lạnh, và nghịch lý là những điểm sáng lại lạnh nhất, khoảng -382 độ F. Hiện các nhà thiên văn vẫn tranh cãi về nhiệt độ trên những vùng tối ấm của Diêm vương.
Một lý do khiến khó xác định được điều gì đang xảy ra với Diêm vương là bởi hành tinh lùn này phải mất 248 năm mới quay được một vòng quanh Mặt trời. Vì vậy mà các nhà thiên văn không biết được điều kiện trên Diêm vương như thế nào khi nó ở điểm xa với mặt trời nhất. Lần cuối cùng Diêm vương ở điểm xa nhất với mặt trời vào năm 1870, nghĩa là trước thời điểm Diêm vương được phát hiện nhiều thập kỷ. Không giống với Trái đất, 4 mùa trên Diêm vương không dài bằng nhau.
(theo thienvanbachkhoa)