ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Về quê ăn Tết: Món quà báo đáp mẹ cha
Wednesday, February 3, 2010 9:46
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Phần lớn người Việt Nam, ai cũng có một quê hương để trở về mỗi dịp Tết đến. Ngày Tết là một nét đẹp của người Việt khi cha mẹ, anh em, con cháu tụ họp dưới một mái nhà.

Về quê ăn Tết: Món quà báo đáp mẹ cha - Tin180.com (Ảnh 2)
GĐ&XH đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhà văn Băng Sơn về ý nghĩa của sự đoàn viên dịp Tết trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ Sửu 2009.

Con không về, cha mẹ bạc lòng lo lắng


Chỉ có mấy ngày Tết nhưng những người đi làm ăn xa, người Việt sinh sống ở nước ngoài vẫn vượt hàng vạn dặm để về quê. Vì sao Tết đối với mỗi người Việt lại quan trọng như vậy thưa ông?

Về quê ăn Tết: Món quà báo đáp mẹ cha - Tin180.com (Ảnh 1)

Nhà văn Băng Sơn.

- Thời bao cấp, người ta xếp hàng từ ga Hàng Cỏ đến gần hết phố Trần Hưng Đạo, đi tàu về đến quê là quần áo tơi tả ra mà người ta vẫn phải về quê. Chẳng điều luật nào quy định cả, chẳng ai bắt ép cả nhưng không ai bảo ai, cứ đến Tết là lại kéo nhau về quê. Vì lý do nào đó mà không về quê ăn Tết là lòng áy náy không yên. Cả năm sẽ thắc mắc rằng con cái không hoàn thành nhiệm vụ với cha mẹ, cháu chắt không làm tròn bổn phận với ông bà. Anh em thì xa mặt cách lòng…
Đối với người già, nếu con cháu không về nhà ăn Tết thì càng không yên tâm. 27 – 29 Tết mà không thấy đứa nào về thì lại cả nghĩ: “Không hiểu năm nay chúng nó làm ăn ra sao?”. “Có đứa nào ốm đau bệnh tật gì không?”. Đến ngày 30 Tết mà con cái vẫn chưa về, cha mẹ sẽ bạc lòng đi vì lo lắng.

Hiện nay, làn sóng di cư đã khiến cho nhiều gia đình anh em phải ly tán, tha hương. Không ít trường hợp bố mẹ già đủ con đủ cháu vẫn phải vò võ ăn Tết một mình. Phận làm con, như vậy có đáng trách không, thưa ông?

- Trong hoàn cảnh của nước ta, nhiều người vì nghèo mà phải đi làm ăn xa, cũng có người vì nghèo mà không thể về quê được. Đó là chưa kể, xa quê cả năm trời, về quê có phải về không đâu. Phải có quà, phải có cái khăn cho mẹ, cái mũ cho bố, có bộ quần áo cho trẻ con… Về quê như vậy tốn kém lắm, mà nhất là đường xa diệu vợi, hàng trăm cây số. Thường thời gian nghỉ Tết chỉ được ít ngày, phương tiện đi lại khó khăn, con cái nheo nhóc… nên trăm thứ bà rằn khiến họ không thể về được. Trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề như vậy, họ đành phải trải qua cái Tết xa quê trong nỗi trống trải, thương nhớ. Trong những trường hợp đó, không cha mẹ nào trách cứ con cái cả, mà chỉ thương con hơn. Chỉ đáng trách khi con cái thành đạt, giàu có, nhưng bố mẹ vẫn phải ăn Tết một mình. Có người đi Thái Lan, đi Singapore… để thưởng ngoạn Tết, mặc kệ ở nhà cha mẹ ông bà mong ngóng. Đó là cái không hay!

Sợi dây tình cảm bền chặt

Hiện có nhiều sinh viên ở lại thành phố để làm việc trong dịp Tết. Ngoài lý do kiếm sống, phải chăng ngày Tết không còn ý nghĩa đối với lớp trẻ?

- Đây cũng chỉ là những trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, Tết đối với lớp trẻ có sự khác xa với người già. Tuổi trẻ thường có nhiều thú vui, ham chơi và hướng ngoại. Chỉ khi về già thì người ta mới hay nghĩ về cội nguồn. Nhưng cũng cần phải nhắc nhở lớp trẻ, bởi một năm mới có một dịp để về quê với bố mẹ, ông bà. Công ơn của cha mẹ bao giờ cũng phải nghĩ lên đầu. Tết là dịp để báo đáp. Báo đáp không phải bằng vật chất mà bằng tinh thần là chính. Mọi của cải vật chất khác đối với bố mẹ không cần thiết. Người già không cần ăn nhiều, cũng không cần mặc đẹp. Đối với họ, ngày Tết chỉ cần nhìn thấy đủ con đủ cháu sum vầy là họ mừng rồi.

Có một thực tế là khi đi làm ăn xa, những ai thành đạt thì rất hay về quê. Ngược lại những người không thành đạt hay gặp phải hoàn cảnh éo le nào đó… thường rất ngại về. Vì sao vậy?

- Những người đi làm ăn xa, mỗi dịp về quê như là một sự trình diện gia đình, họ tộc, xóm làng… Tuy nhiên, không phải ai thành đạt thì cũng thích khoe khoang trình diện và không phải ai có hoàn cảnh éo le thì đều rơi vào tâm lý tự kỷ như vậy. Cả hai thái cực trên chỉ đúng với những trường hợp cá biệt, không thể đại diện cho số đông. Số đông vẫn xem Tết là dịp sum họp với gia đình, là ngày đoàn viên, là những ngày trở về với nguồn cội.

Vậy sự đoàn viên trong ngày Tết có ý nghĩa như thế nào đối với mọi thành viên trong gia đình thưa ông?

- Đó là ý nghĩa của sự sum họp, của những mối dây tình cảm gia đình cần được gắn bó lại sau nhiều tháng ngày xa cách, là niềm hạnh phúc cần được bồi đắp và nuôi dưỡng, là bệ đỡ tinh thần vững chãi nhất đối với những người con khi xa quê hương… Ngày Tết, đôi khi chỉ cần nhìn mặt nhau, lúc này nói với mẹ một câu, lúc khác nói với bố một câu, anh em trao đổi với nhau, tâm sự với nhau trong khi ngồi đánh tam cúc, trong khi ngồi luộc bánh chưng, trong khi ngồi đợi mâm cỗ… Bố mẹ ngồi nhìn các con xem năm nay nó mua những cái gì, nó ăn mặc ra làm sao, có tiền cho các cháu bé không… để biết con mình có làm ăn được hay không. Những tình cảm đó thật đầm ấm mà những ngày xa quê chúng ta không thể có được.
- Xin cảm ơn ông!

Lâm Vũ (thực hiện)
(theo giadinh)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.