Tuyệt chiêu 1: dọa tự tử
Một lần ghé chơi nhà cô bạn học cùng lớp, đang lúc khám phá căn phòng riêng đẹp như mơ của nhỏ bạn, Uyên tình cờ phát hiện một chai thuốc trừ sâu được gói qua loa giấu trong hộc bàn.
Hốt hoảng gạn hỏi, Uyên nhận được cái nháy mắt tinh ranh của cô bạn: “Cái này để dành cho ba má tao!”.
Uyên thở phào nhẹ nhõm khi nghe cô bạn giải thích rằng đó là một trong những loại vũ khí “độc chiêu” được sử dụng khi cần đối phó với hai đấng sinh thành. Nhờ chai thuốc ấy mà cô bạn này đã có được “dế iu” iPhone bóng loáng.
Sau những lần “tranh luận” quyết liệt mà không “vòi” được bố mẹ mua cho chiếc điện thoại đời mới, cô bạn này đã khóc thút thít và luôn miệng hờn trách rằng cha mẹ không thương mình, rằng lúc nào cũng cấm đoán, rằng đã chán sống cuộc sống ngột ngạt này… Hai phút sau, từ trong phòng, cô bé xuất hiện với một chai thuốc trừ sâu, mở nắp rồi ngồi nhìn thẫn thờ trước sự sửng sốt của cha mẹ. Hoảng hốt giành lại chai thuốc từ tay đứa con gái yêu, ông bố và bà mẹ ngay lập tức “xuống nước” không một chút đắn đo.
Tuyệt chiêu 2: tuyệt thực
Chẳng hạn như chuyện của Phúc – một một học sinh khá giỏi nhiều năm liền của một trường ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Sang lớp 11, kết quả học tập của Phúc bỗng nhiên sa sút. Điều tra hết mọi nguyên nhân, bố mẹ mới khám phá do cậu con trai quá mải mê lướt net, thường xuyên đóng cửa phòng luyện game online trong khi bố mẹ cứ tưởng con đang chăm chỉ học.
Sau nhiều lần khuyên bảo không thành, ông bố quyết định “cắt” Internet. Đi học về, sau khi vào phòng, biết được Internet đã không còn, anh chàng bắt đầu đóng cửa và tuyên bố… tuyệt thực. Sáng hôm sau, khi mẹ lên phòng gọi đi học, Phúc không thèm mở cửa và tuyên bố… nghỉ học. Lo lắng cho con, nóng ruột sợ con mất bài vở, hai ông bà đành hứa nối lại Internet cho con ngay trong ngày. Thế là Phúc chiến thắng chóng vánh chỉ sau… một đêm đấu tranh.
Tuyệt chiêu 3: khổ nhục kế mang tên hạnh kiểm
Quả thật, những “khổ nhục kế” của những đứa con thân yêu đã đặt cha mẹ vào những tình huống hết sức khó xử. Như trường hợp của phụ huynh em V.Sơn – học sinh một trường ở Q.5, TP.HCM.
Gia đình rất ngỡ ngàng khi nhận được cuộc gọi của cô giáo chủ nhiệm mời gặp mặt để báo về tình hình đi học trễ liên tục của em – điều chưa từng xảy trước đó. Sau một hồi trao đổi, bà mẹ mới khám phá cách đây ba tuần, “cậu ấm” đòi chiếc xe máy phân khối lớn với lý do… cậu đã 18 tuổi nhưng bị mẹ từ chối. Lý do mẹ đưa ra là không muốn con đi xe máy trong khi còn là học sinh và đạp xe đạp sẽ giúp khỏe người. Cứ tưởng chuyện đã qua khi cậu con trai không “chiến đấu” gì nữa… Chẳng ngờ…
Hai vị phụ huynh còn tá hỏa thêm khi cô giáo thông báo “tin nóng”: chỉ cần thêm hai lần đi học trễ, “tài khoản” hạnh kiểm của Sơn ở trường sẽ bị trừ đến mức 0, với hạnh kiểm đó, cậu sẽ không đủ tư cách tham dự kỳ thi cuối cấp. Hai vị phụ huynh ra về với vẻ mặt buồn rười rượi chẳng nói nên lời…
Sáng hôm sau, cả lớp kháo nhau về chiếc xe láng coóng mà Sơn cưỡi đi học.
Teen thương mến, đừng lấy điện thoại, xe cộ hay bất cứ thứ gì để trao đổi với tình thương của bố mẹ! Bởi không tài sản nào quý giá hơn tình cảm bố mẹ đang dành cho teen đấy! |
Đừng “tàn nhẫn” với bố mẹ, teen nhé!
Nhiều teen đã “tàn nhẫn” lợi dụng tình thương yêu của bố mẹ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân như thế. Bị cấm đoán chuyện yêu đương, V. đã uống thuốc ngủ để hăm dọa gia đình; bị bố mẹ quản lý giờ giấc nghiêm ngặt do hay đi chơi đêm với bạn, H. đã chuyển sang trạng thái của một cô nàng họ “U” tên “Sầu” – thất thểu cả ngày làm ba mẹ càng lo âu rằng con mình trầm cảm.
Thật vậy, khi chiến thuật “xù lông nhím” không hiệu quả, teen sẽ chuyển sang tự lấy gai đâm mình để đánh động lòng yêu thương của bố mẹ, vì trẻ biết chắc một điều rằng bố mẹ sẽ không thể nào chịu nổi khi nhìn cảnh con đau đớn.
Những tưởng là mình chiến thắng, nhưng thật ra những teen sử dụng “chiêu thức” đó chắc chắn là những người thất bại. Thất bại vì đã làm cha mẹ vô cùng thất vọng, họ thất bại vì tự dung túng cho những hành vi tiêu cực của bản thân, để rồi dần dần mất kiểm soát chính mình, không còn biết tự kiềm chế những nhu cầu và tham muốn.
Và điều thất bại lớn nhất là thất bại trong cuộc đời, họ sẽ không thể đủ bản lĩnh để đứng vững trong cuộc sống, sẽ không thể đương đầu giải quyết những khó khăn mà họ sẽ gặp phải, bởi bên ngoài xã hội, không phải ai cũng yêu thương họ như cha mẹ để họ “yêu sách” hay hù dọa.
Không chỉ kiên gan đến cùng trong “cuộc chiến tình thương” với con cái, phụ huynh cần tận dụng khéo léo vị thế làm cha mẹ. Đừng để trẻ khống chế người lớn mà trong trường hợp này người lớn phải “nắm đằng chuôi” bằng cách đặt điều kiện. |
Bí kíp nào cho bố mẹ?
Riêng đối với các bậc phụ huynh, sự nuông chiều con từ nhỏ sẽ tạo thành một thói quen “muốn gì phải được nấy”. Rất nhiều bậc phụ huynh vẫn nhận thức được điều này, tuy nhiên họ vẫn thua cuộc vì không có đủ sự kiên trì và cứng rắn để đương đầu đến cùng với “chiến tuyến” của con. Nếu trẻ dùng khổ nhục kế, tự làm hại chính mình và bố mẹ chịu thua hay thỏa hiệp, trẻ sẽ học được một bài học rằng: nếu muốn cái gì đó thì hãy dọa tự tử, hãy bỏ nhà đi…
Không chỉ kiên gan đến cùng trong “cuộc chiến tình thương” với con cái, phụ huynh cũng cần tận dụng khéo léo vị thế làm cha mẹ. Đừng để trẻ khống chế người lớn mà trong trường hợp này, người lớn phải “nắm đằng chuôi” bằng cách đặt điều kiện. Nếu con muốn nối lại Internet, con phải hứa với mẹ kết quả học kỳ này phải loại giỏi; nếu con muốn mua iPhone, con hãy tự tay làm ra 1/10 giá trị của chiếc iPhone đó, ba mẹ sẽ tài trợ 9/10 còn lại…
Cách ứng xử hay nhất mà ông bà ta đã dạy là hãy “đấm”, để rồi “xoa”. Nếu con bạn tuyệt thực, hãy để cho con trẻ… tuyệt thực. Bạn cứ sẵn sàng hi sinh một ngày đi học của con để dạy con một điều mà chưa chắc một ngày ở trường trẻ đã học được. Nếu “khổ nhục kế” không còn tác dụng, trẻ sẽ chẳng còn dùng đến nó.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, cố tình đi học trễ đến mức sắp bị cấm thi tốt nghiệp như trường hợp của V.Sơn chẳng hạn, bạn hãy chịu khó đưa đón trẻ đến trường, triệt tiêu yếu tố mà trẻ muốn “bắt bí” chúng ta, để chúng tự ngộ ra rằng làm thế chỉ tự hại mình.
Nhưng sau giai đoạn “cương” ấy, chúng ta hãy “nhu”. Hãy trò chuyện với con như là người bạn, tìm hiểu tại sao chúng lại khát khao những nhu cầu ấy. Hơn nữa, bạn vẫn có thể là người chủ động đặt ra đề nghị chấp nhận nhu cầu của con với một số điều kiện do chính bạn “soạn thảo”…
Để đạt được một mục đích phải đổ mồ hôi và nước mắt. Vậy nên nếu là một teen thật sự bản lĩnh, bạn hãy tự đổ mồ hôi để đạt được mục đích ấy thay vì lấy nước mắt của bố mẹ làm phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu ích kỷ.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM)
Tuổi trẻ