Nhắc tới làng Oberammergau, người ta thường nhớ tới những vở kịch dựng lại sự khổ nạn của Chúa Jesus. Các vở kịch này diễn ra sau khoảng 10 năm một lần, nhưng luôn biến ngôi làng với 5.000 dân trở thành điểm hành hương của nhiều người theo đạo Thiên Chúa trên khắp thế giới.
Tuy nhiên ngoài các vở kịch tín ngưỡng, Oberammergau còn nổi tiếng vì truyền thống điêu khắc gỗ nghệ thuật. Làng còn có cả một ngôi trường dành cho việc dạy nghề khắc gỗ nghệ thuật. Trường được thành lập cách nay 150 năm và hiện có 70 nghệ nhân. Những người này tự xưng “Herrgottschnitzer” (Người khắc tượng Chúa) do công việc chính của họ là tạo ra hình ảnh các thánh thần trong Thiên Chúa giáo.
Thông thường, các thợ điêu khắc gỗ ở Oberammergau kiếm được rất nhiều tiền trong mỗi kỳ diễn ra các vở kịch mang nội dung tín ngưỡng. Nhưng giờ những người như Herbert Haseidl, một trong 70 nghệ nhân kể trên, đã gặp khó khăn lớn trong bối cảnh ngành công nghiệp điêu khắc gỗ phát triển nhanh. Nhiều sản phẩm điêu khắc đã được sản xuất theo dây chuyền với số lượng lớn và có giá thấp hơn nhiều so với hoạt động thủ công. Kết quả là những thợ khắc gỗ truyền thống như Herbert Haseidl phải vật lộn để kiếm sống.
Thông thường một bức tượng gỗ chúa Jesus tạo nên từ dây chuyền công nghiệp ở South Tyrol, Italia, có chi phí khoảng 50 euro (68 USD). Trong khi đó, Haseidl phải thu khoảng phí lớn gấp 10 con số đó, bởi sản phẩm của ông làm hoàn toàn thủ công, vốn mất rất nhiều thời gian và công sức.
Trước đây khách hàng mê mẩn tượng gỗ của những người thợ già như Haseidl. Tuy nhiên ông cho biết hàng thủ công truyền thống giờ đã không còn hấp dẫn nữa, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Đại đa số đông khách du lịch giờ quay ra lựa chọn những bức tượng gỗ nhập khẩu, với giá rẻ mạt và phù hợp hơn với túi tiền của họ.
Phần lớn nghệ nhân điêu khắc truyền thống thích dùng gỗ thông Arolla chất lượng cao, vốn là “đặc sản” riêng của vùng Bavaria. Tuy nhiên khi lượng khách hàng ngày càng giảm sút, các nghệ nhân buộc phải giảm chi phí tới mức tối đa. Nhiều người đã dùng gỗ thông rẻ tiền thay thế. Nhưng điều đó càng khiến tượng thủ công kém hấp dẫn hơn những bức tượng công nghiệp bóng bẩy.
Truyền thống và cảm xúc
Với Haseidl, điêu khắc gỗ không chỉ là công việc mà còn là cuộc sống, một thế giới ông thuộc về. “Cha tôi, ông tôi và hai chú tôi đều là nghệ nhân điêu khắc gỗ” - Haseidl kể - “Điêu khắc gỗ là tất cả những gì tôi biết từ khi còn bé. Lần đầu tiên tôi cầm dao cắt gỗ là khi 4 tuổi”. Từ niềm vui trẻ thơ trở thành đam mê khi lớn lên, điêu khắc gỗ dần trở thành nghề nghiệp của Haseidl. Kể từ năm 1966, nó là phương tiện để ông kiếm sống. Hiện Herbert Haseidl làm việc từ 60-70 giờ/tuần. Tùy thuộc vào số đơn đặt hàng, Haseidl còn có thể làm việc vào cuối tuần. Đây có thể xem là khối lượng thời gian lao động lớn nếu xét theo chuẩn mực của châu Âu.
Mỗi một bức tượng được tạo ra đều cho thấy tình yêu của Haseidl với công việc ông đang làm. Với Haseidl, tạo cho mỗi bức tượng một tính cách khác nhau là thách thức lớn nhất, đồng thời cũng là mục tiêu cao nhất của ông khi làm việc. “Mỗi bức tượng sẽ có một câu chuyện riêng của chúng” – ông nói.
Đôi khi Haseidl còn nghiên cứu về cuộc sống của từng vị thánh trước khi khắc tượng của họ. “Nếu bạn tạc tượng các nhân vật trong tín ngưỡng mà chẳng hiểu chút gì về niềm tin của tín ngưỡng đó, bạn sẽ không lột tả được nhân vật” – ông tâm sự.
Để từng bức tượng chứa đựng vẻ đẹp và các đặc điểm “có một không hai”, Haseidl lao động với sự tỉ mỉ cao nhất. Ông có một bộ dao khắc lên tới 30 loại khác nhau chỉ để phục vụ cho công việc. “Mỗi phần cơ thể yêu cầu có sự xử lý đặc biệt, nhất là tại những phần như mũi, mắt và tóc. Tôi thậm chí còn có thể sử dụng nhiều loại công cụ hơn nữa chỉ để tạo cho tượng có mái tóc quăn hay tóc thẳng”- ông nói. Sau khi hoàn tất việc điêu khắc, mỗi bức tượng sẽ được phủ một lớp sơn chống nước để có vẻ đẹp hoàn hảo.
Haseidl cho biết ông rất tự hào là thành viên của nhóm các nghệ sĩ điêu khắc gỗ giỏi nhất tại Oberammergau. Nhưng ông sợ truyền thống đó sẽ mai một, khi những người như ông ngày càng cao tuổi và lớp trẻ không có hứng thú với nghề. “Đôi khi tôi cảm thấy nghề nghiệp mình yêu quý giống như đang chết dần, đặc biệt là với tình trạng kinh tế hiện nay” – Haseidl cho biết. Ông tâm sự rằng khi tình trạng kinh tế trở nên khó khăn, việc tuyển mộ các thợ điêu khắc trẻ tới học việc trở nên cực kỳ khó khăn.
Trước tình hình làm ăn sa sút, các thợ điêu khắc ở Oberammergau hiện đã bắt đầu đa dạng hóa dịch vụ. Họ không chỉ khắc tượng thánh mà còn làm đồ chơi, khung ảnh… Gần đây Haseidl mới hoàn thành xong một phiên bản mini của cánh cổng Brandenburg, với kích cỡ nhỏ hơn 200 lần “bản gốc” cho một khách hàng Berlin. Ông tâm sự với phóng viên kênh truyền hình Đức DW, giọng không giấu được sự buồn rầu: “Thời buổi này ai cũng phải trở nên linh hoạt để kiếm sống, ngay cả những kẻ cứng nhắc chuyên bám vào truyền thống như thợ điêu khắc gỗ chúng tôi”.
(theo thethaovanhoa)