ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Lê Đình Nghiên – Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống
Thursday, March 11, 2010 9:32
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu được sản xuất theo phương pháp thủ công gồm tranh điệp Đông Hồ – Bắc Ninh, tranh đỏ Kim Hoàng – Hà Tây cũ thì tranh Hàng Trống được cho là dòng tranh có phong cách, quan niệm và phương pháp khác hẳn.

Người nắm rõ phong cách, quan niệm và phương pháp tranh Hàng Trống ở Việt Nam hiện nay là cụ Lê Đình Nghiên. Ông là nghệ nhân hiếm hoi còn “trụ lại” với nghề làm tranh Hàng Trống ở Hà Nội…

Tranh – người “đuối sức” như nhau

Nhắc đến tranh Hàng Trống, nhiều người từng biết, đam mê, sành chơi sẽ không khỏi lo lắng trước nguy cơ xóa sổ dòng tranh dân gian độc đáo này. Năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mời nghệ nhân Lê Đình Nghiên phục chế những bức tranh Hàng Trống còn sót lại, nhằm “kéo dài tuổi thọ” cho tranh.

Lê Đình Nghiên - Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - Tin180.com (Ảnh 1)

Ông Nghiên (bên phải) nhận bằng khen của UBND TP Hội An vì đã có đóng góp cho “Những ngày giao lưu văn hóa Việt – Nhật tại Hội An – 2008

Ông Nghiên cầm tinh con Hổ, nhưng là một người hiền, điềm đạm và mẫn tiệp khi được ai đó hỏi chuyện về dòng tranh một thời quy tụ ở phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt của đất Hà Thành xưa. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh ở làng làm tranh truyền thống Bình Vọng (Hà Tây cũ), nhưng từ nhỏ ông đã theo gia đình lên phố Hàng Trống để làm tranh cùng với ông nội và bố. Nhà tuy đông (7 anh chị em) nhưng chỉ mỗi ông là theo nghề của ông nội và cụ thân sinh. Đến đời ông, lấy vợ sinh được hai con trai và cả hai anh cũng đã được ông “nhen lửa nghề”. Vậy nhưng, “nhen thì nhen rồi đấy, còn bùng lên, cháy hết mình cho dòng tranh đang “đuối sức” bên cạnh những dòng tranh hiện đại nhờ vào sự phát triển vượt bậc của công nghệ, liệu chúng ta có bản lĩnh mà gìn giữ hay không lại là chuyện khác” – cụ Nghiên nói.

Có lẽ lo lắng “lửa nghề” trong các con mình chưa đủ mạnh để tiếp tục làm sáng lạn một dòng tranh mà ông, cha đã truyền lại, nên ông Nghiên thi thoảng vẫn cõng tranh đi đây đó, tham gia trưng bày triển lãm nhằm “lưu giữ di động” một nét văn hóa truyền thống của Hà Nội xưa với công chúng. Biết đâu, nói như ông, những cuộc “chinh phục bằng tranh” ấy sẽ đánh động, làm thức dậy quá khứ huy hoàng của một dòng tranh đã và đang dần ngủ quên trong trí nhớ của ít nhiều người dân Việt thì sao? Và, cũng biết đâu đấy, công cuộc kiếm tìm “người giữ lửa cho tranh Hàng Trống sẽ không chỉ có một người, nhiều người hưởng ứng mà thậm chí hẳn một thế hệ đủ tâm huyết, tài năng và niềm tin sẽ cùng ông “cứu sống và gây dựng lại” một sản phẩm kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần. Sau rồi, nói vô phép, dẫu ông có khuất núi, quy tiên cũng an lòng rằng dòng tranh đã gắn với văn hóa người Tràng An thanh lịch, gắn với cuộc đời mình sẽ vẫn được tạo nên bởi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người thợ thủ công nhưng vẫn thể hiện được tính nghệ thuật cao, hàm chứa những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc?!

Với thâm niên gần 60 năm gắn bó với nghề làm tranh Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên không chỉ khẳng định ông là người “khéo tay hay nghề” mà qua đó còn cho thấy cái Tâm – Tầm – Tài của mình với di sản văn hóa quý báu mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra và truyền lại cho các thế hệ sau. Tâm được ông thể hiện ở lòng chung thủy với nghề. Tầm được thể hiện qua những nét vẽ tinh hoa, dồn đọng trong mỗi bức tranh mà ông vẽ. Tài của ông thể hiện ở chỗ, trong khi nghệ thuật đương đại đang lên ngôi với nhiều hình thức thể hiện phong phú như muốn thoát ra khỏi văn hóa truyền thống, hăng hái kiếm tìm cái tôi bản thể riêng lẻ, tiếng tăm lừng lẫy, thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng, thì ông vẫn “nhất nhất vô nhị” sống với nghề, không màng cả đến việc nghề có nuôi nổi thân hay không?!

Hành trình đơn độc

Theo phân tích của một số nhà nghiên cứu thì tranh Hàng Trống chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của vùng miền; là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo; giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá hàng ngày và thực sự phát triển cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Từ thế kỷ 16, Hoàng Sĩ Khải thời Mạc, ở bài thơ Tứ thời khúc vịnh, đoạn tả cảnh Tết ở kinh thành Thăng Long đã có nói đến tranh dân gian và tục chơi tranh Tết: Chung Quỳ khéo vẽ nên hinh/ Bùa đào cấm quỷ, phong linh ngăn tà…/ Tranh vẽ gà, cửa treo thiếp yểm/ Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương… được các gia đình ở kinh thành treo cùng với các thần trừ ma khác…

Lê Đình Nghiên - Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - Tin180.com (Ảnh 2)

Ông Lê Đình Nghiên, nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh cổ Hàng Trống

Tranh Hàng Trống có hai dòng chính là tranh thờ và tranh Tết, nhưng chủ yếu là tranh thờ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng, phục vụ đền phủ của Đạo giáo, nhất là tranh thờ của Đạo Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giầy, Nam Định) Tứ Phủ cộng đồng; Bà chúa thượng ngàn; Mẫu Thoải… và đặc biệt là tranh Ngũ hổ. Vì trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hổ là con vật đã từ lâu được tôn thờ. Danh xưng của hổ cũng được thần thánh hóa là Ngài, là Ông (thờ Ông Ba Mươi). Loại tranh này thường được các nghệ nhân chạm bằng vàng, bạc thật dát mỏng hoặc “bình dân” thì được in khuôn hình và tô màu bằng tay… rất cầu kỳ. Tiếc là giờ đây, hầu như các nhà làm tranh đều bỏ nghề. Nhiều nhà còn đốt bỏ hết những dụng cụ làm tranh như ván, bản khắc, một phần do thú chơi tranh của người Hà Nội đã đổi khác, một phần do việc làm tranh không có thu nhập cao.

Hiện nay, trong số bản khắc tranh Hàng Trống còn giữ lại được, có mấy tấm đặc biệt giá trị, lưu tại Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội bằng gỗ thị dầy dặn, khắc cả hai mặt, theo đề tài rút từ kinh nhà Phật hay cổ tích Việt Nam, Trung Hoa. Đặc biệt bản khắc kèm cả tuổi tranh Quý Mùi lục nguyệt khởi Minh Mệnh tứ niên (1823 dương lịch). Nghĩa là ván được khắc cách đây đã ngót hai trăm năm, là cơ sở để các khà khoa học tin rằng tranh Hàng Trống xuất hiện từ khá sớm. Nhưng để xác định chính xác là năm nào thì chưa thấy sách nào ghi lại!

Tôi thỉnh xin một vài bí quyết khi ông “vẽ chơi” cũng như phục dựng tranh Hàng Trống cổ cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì ông hỏi ngược: Bí quyết ư? Không gì cả! Xưa kia mài mực, pha màu cho bố, có lẽ lâu dần nó thành cữ ở trong đầu nên khi tôi thực hành cái tay nó khắc sẽ tuân theo sự điều khiển của cái cữ ấy mà thành. Người xem tranh cho tôi là giỏi, nhưng tôi thì cảm thấy bình thường như chưa đạt được gì cả và càng không dám nói là đã mãn nguyện với những tác phẩm mình làm ra. Vì mãn nguyện là đầy đủ. Nếu ai cũng đầy đủ cả rồi, không thấy thiếu, thôi khát khao và không cần hướng đến cái đích nào nữa thì dễ trở nên đơn điệu”.

Khôi phục và phát triển các dòng tranh dân gian, trong đó có tranh Hàng Trống là một việc cần thiết để giữ gìn các giá trị văn hóa của Thăng Long – Hà Nội. Nhưng có lẽ, công việc đó là rất khó thực hiện, nhất là với ông – nghệ nhân duy nhất còn sót lại đang từng ngày “độc hành đơn điệu” trong việc bảo tồn, gìn giữ dòng tranh quý đang có nguy cơ mai một này!

Nguyễn Vũ Bảy
Theo TTVH

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.