Anh N. bộc bạch: “Không hay ho gì khi kể chuyện này ra, nhưng thú thật, tôi thấy bế tắc quá. Đi làm suốt ngày về mệt, mở cửa ra là thấy ngộp thở khi phòng khách như vừa bị ai xới tung lên. Trên bàn là đĩa trái cây ăn dở từ hôm trước, kiến bu đen cốc sữa trên nền nhà, máy tập thể dục chình ình ngay cửa ra vào, giày dép thì bừa bãi mỗi góc một đôi, nón bảo hiểm nằm lăn lóc trên tivi. Chưa hết, trong bếp, bồn rửa chén ngập ngụa đồ dơ, thậm chí nồi nấu từ tuần trước vẫn chưa rửa, bốc mùi. Vào phòng ngủ, cảnh tượng còn hãi hùng hơn: áo ngủ, đồ lót vương vất mỗi góc, drap giường nhàu nhĩ, thậm chí còn cả một bịch bánh tráng ngay trên đầu giường. Hôm nào tôi thấy vui vui thì xắn tay lên thu dọn, hôm nào bực, cự nự, vợ tôi cười trừ: “Em ở cơ quan phải tuân theo đủ thứ nguyên tắc, mệt mỏi lắm rồi, về nhà cho em tự do chút đi. Nhà riêng của mình mà, phải thực sự tự do, thoải mái chứ”. Vậy là tôi đành ngậm đắng nuốt cay. May là chúng tôi mới lập gia đình, chưa có con. Tôi không thể tưởng tượng nếu có con, “bãi chiến trường” này còn kinh hoàng đến đâu”.
Đó là đúc kết của nhiều người, sau khi “cải tạo” không thành công căn bệnh bừa bộn của người bạn đời. Anh Đăng Bảy, một nhân viên văn phòng ngụ tại P.3, Q.Gò Vấp chia sẻ rất thật: “Vợ tôi bừa bộn, tôi thì quen với cái nếp việc gì cũng phải gọn, cũng sạch. Ở văn phòng quen rồi, về nhà là muốn… tăng huyết áp. Mỗi lần nhắc, vợ lại cãi kiểu “thấy ghét”: “Anh xem lại mình đi, anh có ngăn nắp không mà đòi…”. Tôi lý lẽ: “Nhưng người phụ nữ cơ bản là phải ngăn nắp hơn đàn ông”. Sau nhiều lần lục đục về chuyện này, tôi nghiệm ra rằng, bừa bộn đã thành thói quen, chứ không còn là hành vi nữa. Nếu là hành vi, nói là sửa được ngay, còn thói quen thì rất khó. Tôi quay ngược lại để thay đổi chính mình, tập cách chấp nhận thực tế. Nếu vợ bừa quá mới nhắc, còn bừa bộn đôi chút, cứ coi đó là bình thường. Xét cho cùng thì vợ cũng trăm công nghìn việc, thôi thì tạo không gian dễ thở cho cô ấy một chút, sao cho cả hai cảm thấy thoải mái là được”.
Nói như thế không có nghĩa là buông cho nạn bừa bộn “leo thang”. Mỗi người, theo “cách riêng của mình, vẫn cần cải thiện mỗi ngày “vấn nạn” này, nếu không, chẳng mấy chốc nhà bạn sẽ thành một túi rác khổng lồ. Anh Nguyễn Văn Tiến, thợ cơ khí, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, có cách làm khá “độc”: Vợ anh có tật vào nhà tắm là quên quần áo, tắm xong mới í ới gọi chồng. Chưa hết, ra khỏi nhà tắm, chị cứ vứt bừa bãi quần áo bẩn lại. Một ngày, anh rinh về cái tủ đựng quần áo be bé, đặt luôn vào nhà tắm, bảo: “Em cứ để quần áo sạch vào một ngăn, thay quần áo bẩn vào một ngăn, cho tiện”. Tất nhiên, được mấy ngày là vợ anh tự động cảm thấy “chướng” vì nhà tắm thì bé mà cái tủ lại choán hết một góc, nên chị đã dời tủ ra ngoài và bớt dần được tật bừa bộn trong nhà tắm, chuyện vào tắm quên mang đồ cũng không còn.
Anh Chiêu Sơn, phó giám đốc một công ty điện máy, lại có cách khác để “trị” thói bừa bộn của cô vợ trẻ xinh đẹp. Anh để ý, mỗi lần nhà có khách là vợ anh tự động thu dọn vì sợ xấu hổ. Thế là anh cứ “điệu” khách về nhà đều đặn, nhà cửa từ đó gọn gàng, sạch sẽ hẳn lên. Nhưng sau một thời gian, thấy thương vợ, anh nửa đùa nửa thật: “Khách về nhà thì được cái gọn gàng ngăn nắp, nhưng phải làm đồ nhậu, em cũng cực hén?”. Rồi anh giãn thời gian mời khách đến nhà, nhưng cô vợ trẻ của anh cũng đã có được thói quen dọn dẹp tự lúc nào, bởi “gieo hành vi, gặt thói quen”.
Tình hình có đỡ hơn nhưng vẫn chưa thực sự ngăn nắp, anh tung thêm chiêu mới là vợ chồng thỏa thuận chỉ được bừa bộn theo từng khu vực. Đầu tiên, cả hai quyết tâm tạo sự ngăn nắp cho phòng khách, những khu vực còn lại “tung hoành” kiểu gì cũng được. Đúng là có hiệu quả, bởi không thể cấm triệt để thói bừa bộn, nhưng từng bước, có thể khoanh vùng để hạn chế. Sau phòng khách đến khu bếp, sau khu bếp là đến cầu thang, rồi đến phòng ngủ. Chỉ là chuyện nhỏ nhưng phải mất cả năm, căn nhà của anh chị mới tạm ngăn nắp.
(Theo PNO)