Nó thường được dùng để chữa các chứng bệnh chảy máu như đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, băng huyết… Ngoài ra, hoa hoè còn có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống co thắt cơ trơn ở đường ruột và phế quản, gây hưng phấn nhẹ, lợi niệu, chống phóng xạ, bình suyễn và chống viêm loét. Sau đây là một số cách dùng hoa hòe đơn giản.
Tăng huyết áp:
- Hoa hòe, sung úy tử mỗi thứ 15g, cát căn 30g, sắc uống. Nếu đau tức ngực thêm đan sâm, hà thủ ô mỗi thứ 30g. Hồi hộp, trống ngực và mất ngủ thì thêm toan táo nhân 15g. Tê tay chân thêm sơn tra 30g, địa long 10g. Tiểu đêm nhiều lần thêm sơn thù 10g, nhục dung 15g.
Đại tiện ra máu:
- Hoa hòe, trắc bá diệp, kinh giới tuệ và chỉ xác lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 6 g với nước cơm.
- Hoa hòe sống và sao mỗi thứ 15g, chi tử 30g tán bột, uống mỗi lần 6g.
- Hoa hòe 60g, địa du, thương truật mỗi thứ 45g, cam thảo 30g, sao thơm sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 6g.
- Hoa hòe, quả hòe, hoạt thạch mỗi thứ 15g, sinh địa, kim ngân hoa, đương quy mỗi thứ 12g, hoàng cầm, hoàng liên, hoàng bá mỗi thứ 10g, thăng ma, sài hồ, chỉ xác mỗi thứ 6g, cam thảo 3g, sắc uống. Nếu chảy máu nhiều, thêm kinh giới 10g, địa du , trắc bá diệp sao đen mỗi thứ 15g. Thể trạng hư yếu thêm đẳng sâm, hoàng kỳ, hoài sơn mỗi thứ 15g. Thiếu máu nhiều thêm hoàng kỳ 15g, thục địa 12g.
Tiểu tiện ra máu:
Hoa hòe sao, uất kim mỗi thứ 30g, tán bột, uống mỗi lần 6g.
Rong kinh, băng huyết, khí hư:
Hoa hòe lâu năm 30g, bách thảo sương 15 g, tán bột, uống mỗi lần 9-12g với rượu ấm để chữa băng huyết, rong kinh. Hoa hòe sao, mẫu lệ nung lượng bằng nhau, tán bột, uống mỗi lần 9g với rượu ấm để chữa bạch đới (khí hư màu trắng).
Chảy máu mũi:
Hoa hòe và ô tặc cốt lượng bằng nhau, nửa sống nửa sao, tán bột, mỗi lần lấy một ít thổi vào lỗ mũi.
Viêm loét:
Hoa hòe, kim ngân hoa mỗi thứ 15g, sắc với 2 bát rượu uống cho ra mồ hôi. Với tổn thương viêm loét về mùa hạ, có thể dùng hoa hòe 60g sắc đặc rồi dùng bông thấm dịch thuốc bôi lên nơi bị bệnh nhiều lần trong ngày.
Hoa hòe tính hơi lạnh nên những người tỳ vị hư hàn (hay đau bụng do lạnh, thích chườm nóng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện thường xuyên lỏng nát) không được dùng vị thuốc này, nếu cần dùng thì phải phối hợp với các dược liệu có tính ấm nóng…
Lương y Danh An
(theo giadinh)