Sách là người bạn thân thiết
Chắc hẳn ít người Việt Nam nào không một lần nhìn thấy hình ảnh một người nước ngoài luôn “cặp kè” một quyển sách và tranh thủ đọc sách khi tham gia các phương tiện công cộng (trên xe bus, máy bay, tàu điện). Ngay từ nhỏ tí, các con đã được giáo dục: “Sách là người bạn thân thiết”.
Ở Anh, trẻ tiếp xúc với thói quen đọc từ rất sớm. Trong năm học, các trường ở Anh có ngày hội sách. Hôm đó, trường không khuyến khích học sinh mặc đồng phục mà tự hoá trang theo một nhân vật mà mình yêu thích từ sách. Đó cũng là ngày học sinh trao đổi với nhau về những cuốn sách mình yêu thích.
Ngay từ lớp Reception Year (thường cho trẻ từ 4 tuổi), trẻ đã được dạy đọc và khuyến khích đọc càng nhiều càng tốt. Thầy cô giáo thường cho trẻ mang sách từ trường về nhà, nhờ ba mẹ hướng dẫn đọc, sau đó đến trường sẽ đọc cho các bạn khác cùng nghe. Điều này đã tạo nên một thói quen đọc sách ngay từ rất sớm và giúp trẻ có khả năng trình bày những gì đã đọc trước nhiều người.
Các thư viện sách ở Anh cung cấp nguồn sách khá dồi dào cho những độc giả nhí. Thư viện trang trí đầy mầu sắc, có cả máy tính để trẻ con tha hồ vẽ vời những “tác phẩm” hội hoạ của mình.
Quyền được lựa chọn
Trong lớp học mẫu giáo cho trẻ từ 3 – 4 tuổi ở nước ngoài, cô giáo đưa ra nhiều hình thức hoạt động cho các bé lựa chọn như: vẽ tranh, xếp hình,… Những bé nào chọn chung hoạt động sẽ cùng chơi/học với nhau. Ngay từ bé, trẻ đã được quyền lựa chọn và đưa ra quyết định riêng.
Giáo cụ càng trực quan càng tốt
Dù mới ở bậc mẫu giáo hay tiểu học nhưng trường học vẫn tổ chức “Tuần lễ khoa học” (science week) cho trẻ. Dịp này, trường mẫu giáo cho trẻ tham gia thi trồng và trang trí cây, mời cả những giáo sư uy tín đến nói chuyện với các bé trong từng lớp…
Bên cạnh đó, hệ thống bảo tàng ở trường luôn có nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn hướng đến trẻ con. Bước vào các bảo tàng ở đây là trẻ bước vào một thế giới đầy màu sắc và ngồn ngộn những thông tin mới lạ. Không những được nhìn, sờ nắn đồ vật mà trẻ còn được tham gia vào nhiều hoạt động như tự làm các “tác phẩm nghệ thuật” theo ý mình, tham dự các cuộc thi… Điều quan trọng là chương trình dành cho trẻ ở bảo tàng luôn thay đổi và có nhiều điều mới lạ thu hút trẻ.
Đồ dùng của trẻ có kích cỡ riêng
Trong trường mẫu giáo mọi dụng cụ trong nhà vệ sinh đều nhỏ, thấp, phù hợp với kích thước của trẻ từ 3-5 tuổi vì trẻ có thể tự đi vệ sinh, gạt nước, rửa tay, hơ tay, dùng khăn giấy lau tay rồi để vào thùng rác.
Dạy trẻ những điều “sống còn”
Ở tuổi mẫu giáo, đứa trẻ được dạy những điều hết sức cơ bản để “sống còn” như tự làm một cái bánh sandwich, đập và đánh trứng, bóc vỏ những loại trái cây đơn giản, rót nước/sữa vào ly.
Nếu vấp ngã tự đứng lên
Có lẽ đây là bài học “vỡ lòng” đối với trẻ con phương Tây. Vào bất cứ công viên hoặc sân chơi nào, bố mẹ bao giờ cũng đứng từ xa quan sát con chơi chứ không bao giờ đi kèm bên cạnh con, sợ con té. Nếu đứa trẻ có té ngã, không vội vàng gì, từ xa, ba mẹ ra hiệu cho con hãy tự động đứng dậy và đi tiếp. Trên thực tế, đứa trẻ nào cũng làm được điều này dù là trẻ Tây hay Ta.
Một điều cần chú ý là trong các công viên, khu vui chơi của trẻ em thường nằm ở một khu vực riêng, nền trải một lớp nhựa đặc biệt hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra nên các bậc cha mẹ cũng phần nào yên tâm khi để con một mình leo trèo, chạy nhảy.
NamHải (Tổng hợp)
(theo afamily)