Con hay “ăn vạ”
Đòi ăn đến gói bim bim thứ 4 không được, cu Mẫm bắt đầu len lén đứng lên, ra gần ổ điện và “tuyên bố” thẳng thừng: “Con cho tay vào ổ điện đây”. Lần đầu tiên, bố mẹ Mẫm nghe phát hoảng, vội vã chạy lại ngăn con và sẵn sàng cho con ăn đến gói bimbim thứ 4, thứ 5.
Sau vài lần như thế, chiêu ăn vạ của Mẫm hết tác dụng, vì bố mẹ biết tỏng rồi. Hơn nữa, các ổ điện trong nhà đều bịt nắp kín.
Rất nhiều bé lên 3 bỗng dưng hay ăn vạ như cu Mẫm. Các bé bắt đầu thích làm theo ý mình chứ chẳng để ý gì đến lời nói của bố mẹ. Những trò ăn vạ phổ biến hầu hết đều làm cho bố mẹ cảm thấy xót con, chùn lòng như: gào khóc, lăn ra đất, nói hỗn với bố mẹ, cố tình nôn ọe hay là đập đầu vào tường, cho tay vào ổ điện…
Mỗi khi con có hành động như thế, bố mẹ chẳng có đủ bình tĩnh để suy xét xem sự thế thế nào, mà nhanh chóng đầu hàng, chấp nhận chiều theo ý của con. Nhưng các bé cũng có thể chỉ là dọa dẫm, giả vờ chứ chưa chắc chắn sẽ làm những hành động đó.
Ứng xử với hành vi ăn vạ của con
Bày tỏ thái độ: thay vì quát mắng con, bố mẹ phải thể hiện thái độ không hài lòng một cách bình tĩnh và giải thích cho trẻ hiểu việc trẻ làm là không đúng.
Ví dụ: bé cố gắng nôn ọe hay tè dầm ra quần, hãy yêu cầu con cùng dọn dẹp hiện trường để con nhận biết hậu của việc bé làm.
Cần cho trẻ tự lập: không bao giờ làm thay mọi việc cho con, chỉ giúp đỡ hoặc hướng dẫn khi trẻ không biết làm hoặc quá nhỏ.
Không phải bất cứ lúc nào cũng làm theo yêu cầu của trẻ. Một đứa trẻ luôn được chấp nhận mọi đòi hỏi sẽ nhanh chóng trở nên ích kỷ và coi thường người khác.
Thưởng, phạt “phân minh”. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là phương pháp hữu hiệu nhé! Nhưng nếu bố mẹ không thực hiện đúng sẽ dẫn tới phản tác dụng. Cần giải thích rõ ràng cho bé vì sao thưởng, phạt. Tuyệt đối không dùng những hình phạt như nhốt, đánh đòn, quát mắng con thậm tệ.
Nam Hải (Tổng hợp)
(theo afamily)