“Cưa sừng làm nghé”
Đến cơ quan, hôm thì Diệu kêu đau chỗ nọ, hôm thì ốm chỗ kia, lúc thì khoe đầy tự hào rằng “hôm qua bị ngất xỉu, phải truyền mất mấy chai nước hoa quả”. Mục đích của những hành động đó của Diệu là để mọi người chú ý đến mình hơn. Diệu lúc nào cũng tỏ ra cho mọi người thấy (đặc biệt là các đồng nghiệp nam) rằng mình yếu ớt, mỏng manh nên cần được ưu ái, đối xử nhẹ nhàng. Nhiều người cảm thấy bực mình, chán ghét khi cứ suốt ngày phải nghe cái điệp khúc bệnh tật của cô chẳng khác nào một đứa trẻ hay mè nheo.
Diệu luôn tự hào mình tuy xuất thân nông thôn nhưng bố mẹ đều là công chức nên từ bé cô không phải chân lấm tay bùn, cấy lúa nhổ cỏ như các bạn cùng lứa. Có lần trên chuyến xe đi du lịch cùng cơ quan qua vùng ruộng người ta đang phơi rơm, cô cất giọng thỏ thẻ hỏi: “Ơ, thế rơm và rạ khác nhau như thế nào nhỉ?”. Câu hỏi của cô rơi vào im lặng vì chẳng ai buồn trả lời, mọi người đều thấy cô thật lố bịch.
Hơi tí là khóc nhè
Khác với Diệu, Thuý (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) thì lại vẫn giữ tính hay khóc nhè từ ngày còn là cô bé con. Hồi mới yêu, Dũng (chồng Thúy bây giờ), thấy nét tính cách này của cô thật đáng yêu. Lần đầu Dũng đưa Thúy về quê ra mắt họ hàng, đang ngồi chơi cùng mọi người, Thuý bỗng nhiên bật khóc nức nở. Dũng phải đưa cô ra sân để hỏi thì Thuý bảo: “Em thấy nhớ nhà quá!”. Dũng vừa buồn cười vừa phải dỗ dành mãi cô người yêu đã hơn hai mươi tuổi rồi mà mới xa nhà có một tối đã khóc vì nhớ mẹ.
Nhưng cưới nhau đã lâu, thậm chí có con rồi mà Thuý vẫn còn khóc nhè liên tục với những lý do rất “trời ơi” khiến Dũng vô cùng mệt mỏi. Nhiều khi Dũng có cảm tưởng anh đang là cha của hai đứa trẻ: cậu con trai ba tuổi và cô vợ 29 tuổi. Động một tí là Thuý khóc nhè. Bị mẹ chồng mắng: khóc; chồng về muộn: khóc; không dỗ được con: cũng khóc.
Có hôm Dũng vừa từ cơ quan về, mở cửa vào nhà đã thấy vợ đang ngồi khóc. Anh hốt hoảng tưởng bố mẹ hai bên có ai bị làm sao thì Thuý phụng phịu bảo: “Em thái thịt bị đứt tay, chảy máu”. Khi nghe ra lý do và nhìn khuôn mặt nhoè nhoẹt nước mắt của vợ, Dũng phì cười. Thấy thế, Thuý càng khóc to hơn và kết tội chồng “không hề biết thương vợ gì cả!”.
Vẫn luôn là đứa trẻ
Chị Mỹ (ở Giáp Bát, Hà Nội) hiện đã là mẹ của hai cô con gái, một đã 16 tuổi, một 14 tuổi. Nhưng dường như trong nhà, chị vẫn được coi là “bé” nhất bởi tính hay hờn dỗi.
Có lần Mỹ nhắn anh Lân, chồng chị, đi làm về thì ghé mua ngan quay ở một cửa hàng mà chị rất tín nhiệm. Nhưng vì sợ tắc đường nên anh Lân nên không qua đó mà về hàng gần nhà mua. Thế là chị dỗi, bỏ luôn bữa cơm hôm ấ, đi một mạch về phòng nằm dù chồng đã cố giải thích và hứa lần sau sẽ mua đúng địa chỉ vợ bảo. Đến nửa đêm, đói quá không chịu được, chị Mỹ lén xuống bếp tìm đồ. Không ngờ cô con gái lớn xuống bếp lấy nước uống bắt gặp mẹ đang “ăn vụng”, khiến chị xấu hổ, phải đề nghị con đừng nói cho bố biết. Sau lần đó, chị Mỹ không dỗi bằng kiểu bỏ cơm nữa mà chuyển sang cách khác: không thèm nói gì.
Không những dỗi với chồng, chị Mỹ còn dỗi cả với con. Có lần vào sinh nhật của chị, cô con gái lớn quên chúc mừng mẹ. Dù cô bé đã xin lỗi ngay nhưng chị Mỹ vẫn dỗi con cả tháng, không thèm nói chuyện, hỏi han gì đến. Khi có chuyện gì cần trao đổi, chị chỉ nói qua chồng và cô con gái út.
Con gái chị Mỹ tâm sự: “Dù mẹ luôn quan tâm, dạy bảo chúng cháu những điều hay, nhưng nhiều lúc bọn cháu thấy tính mẹ lại còn trẻ con hơn cả bọn cháu”.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Lan, Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ, cho rằng, hầu hết những người đã qua tuổi trưởng thành mà vẫn giữ tính trẻ con đều được hưởng sự chiều chuộng, quan tâm của gia đình từ bé. Họ đã quen với tâm lý mình là trung tâm của mọi sự chú ý. Đến lúc trưởng thành, khi không được như thế nữa, những người này cảm thấy hụt hẫng. Cách họ “làm mình làm mẩy”, cố tình tỏ ra mình yếu đuối hay ngây thơ, chính là cách gây sự chú ý của mọi người xung quanh, vì muốn được mọi người quan tâm đến mình. Họ không xác định được rằng khi đã trưởng thành, cách lôi kéo sự quan tâm sẽ không thể giống như cách họ làm khi còn là đứa trẻ. Điều đó khiến cho những người bên cạnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, và khiến bản thân họ trở nên buồn cười, thậm chí là lố bịch trong mắt người khác.
Với những người mẹ tính vẫn như trẻ con, cách dạy dỗ con cái của họ có thể sẽ không đi đúng hướng. Quá trình trưởng thành, hoàn thiện tư tưởng, tình cảm của các con họ cũng bị ảnh hưởng do chúng sẽ “lây” phần nào tính cách của người mẹ.
Theo bà Hoàng Lan, cách để “trị” tính trẻ con của những người này là đừng bao giờ hưởng ứng những điều họ làm. Dù khóc nhè, giận dỗi hay diễn trò ngây thơ, đáng yêu… thì cũng cứ mặc kệ cho họ “độc diễn”. Giống như đứa trẻ, sau vài lần, nếu thấy tất cả những điều đó không có tác dụng, họ sẽ tự khắc thấy chán và phải trở về là chính mình.
“Từ đó, vợ tôi lớn hẳn lên vì không còn thích dỗi vặt nữa!”, anh Lân cười nói.
(Theo Báo Đất Việt)