Mâu thuẫn do sự khác biệt vùng miền giữa hai thế hệ già, trẻ là nguyên nhân gây nên nhiều chuyện dở khóc dở cười…
Ảnh minh họa
Bà Trân người gốc Triều Châu cứ bị tăng huyết áp mỗi khi được “thằng con rể” miền Trung lấy lòng. Như hôm giáp tết, anh con rể thay mới bộ bàn ghế, tủ trong nhà toàn một màu đen “theo phong cách Nhật Bản”.
Sau đó, chuộc lỗi với mẹ vợ vì cái tội mang xui xẻo (màu đen) vào nhà, ngày tết anh tập tành đi mua liễn đỏ về trang trí. Ai dè, liễn bị dán ngược đầu, lại còn câu nọ xọ câu kia. Bà Trân giọng lơ lớ: “Tui bó tay với nó”.
Bất đồng… đủ thứ
Câu chuyện thứ nhất. Bà Mẹo là người Huế vô Sài Gòn sống cũng gần ba mươi năm. Cuối năm rồi bà vui mừng cưới vợ cho con trai. Bà rất ưng ý cô con dâu mới người thành phố, con nhà gia giáo, hiền lành. Vậy mà chỉ sau vài tháng, mẹ chồng lại giận con dâu không thèm nhìn mặt, rồi lôi con trai ra mắng: “Con vợ mi ban đầu ra vẻ hiền lành, chăm chỉ. Mới có vài tháng lại lộ mặt gian dối, biếng nhác”. Cô con dâu thấy mẹ chồng giận chỉ biết khóc.
Bà Mẹo tuy ở Sài Gòn đã lâu nhưng giọng nói vẫn còn đặc sệt chất Huế nên con dâu miền Nam chưa quen, nghe không rõ. Một hai lần đầu cô còn hỏi lại, hỏi hoài đâm ngại, lại sợ bất kính nên cô không dám hỏi. Mỗi lần mẹ chồng nói gì cô cũng gật đầu “vâng, dạ”. Mấy lần đầu, bà thấy vui vì con dâu lễ phép. Những lần sau, bà nói gì, sai làm gì thì cô cũng chỉ vâng dạ rồi thôi. Hôm chủ nhật, thấy con dâu rảnh, bà liền nhờ chở đi thăm bà con. Cô dâu “dạ” rõ to. Bà xách giỏ, quần áo chỉnh tề, cô dâu chạy ra mở cổng cho bà rồi… quay vào nhà. Bà đang chưng hửng, thì con dâu quay lại dặn dò: “Mệ đi đường cẩn thận” rồi đóng cửa lại. Bà chưng hửng rồi giận anh ách. Đây đâu phải lần đầu tiên!
Chuyện thứ hai. Vợ chồng ông Khải là người miền Bắc. Ông bà đã “quy hoạch” cho cậu con trai một cô vợ cũng miền Bắc, sẽ sống chung và phụng dưỡng ông bà. Vậy mà “nó” lại dẫn về một cô gái người Hoa. Mặc dù cô dâu tương lai khá xinh xắn, lại nhanh nhẹn nhưng ông bà không vui. Ông Khải nói: “Bố muốn con lấy con gái Bắc cho hợp. Con gái Bắc biết chiều chồng, thương con”. Nhưng cậu con cứ nhất định không chịu. Vậy là “con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”. Hôm cô dâu mới nấu bữa cơm đầu tiên, hai ông bà bỏ bữa vì ăn không được. Cô dâu làm một thực đơn toàn là món của người Hoa. Đã vậy, món nào cũng ngòn ngọt, khó ăn.
Mỗi khi bố mẹ chồng nói, nghe không rõ cô lại “Hả, bố nói gì?”, rồi lại “ờ”. Hai ông bà mỏi mòn ngồi chờ hai vợ chồng về ăn cơm chung cho vui, cô dâu lại tỉnh bơ: “Bố mẹ đừng chờ làm gì. Tụi con mỗi đứa vô bếp làm một tô là được rồi”. Cô còn bắt chồng rửa chén, làm việc nhà… Mỗi lần nhìn con dâu, ông bà lại lắc đầu ngao ngán.
Trẻ chiều già
Tiến sĩ tâm lý Võ Nam, trường đại học Sư phạm TP.HCM đưa ra lời khuyên, các vấn đề mâu thuẫn trên do sự ngăn cách về không gian (vùng miền) và ngăn cách thế hệ (già, trẻ). Cả hai phía nên thông cảm và chia sẻ. Người này đặt mình vào vị trí của người kia để cảm nhận cảm xúc của người kia.
Tiến sĩ Võ Nam tư vấn cho câu chuyện thứ nhất, đây chỉ là hiểu lầm nhỏ. Nàng dâu nên mạnh dạn hỏi lại cho rõ, còn mẹ chồng thì nên nói chậm lại. Còn trường hợp nhà ông Khải thì cô dâu nên tập ăn uống theo khẩu vị của cha mẹ chồng. Vì quỹ thời gian của người già không còn nhiều. Cô dâu phải biết chiều cha mẹ chồng trước nhờ sự khéo léo. Khi có dịp cô sẽ giới thiệu món mình thích cho cha mẹ chồng thử.
Chân thành xoá ngăn cách
Sự bất đồng giữa ông bà Khải với cô con dâu tưởng chừng như sẽ ngày càng lớn, không thể nào hoà hợp nếu như không có một sự kiện xảy ra. Hôm đó, ông đột nhiên ngất xỉu, nhà không có ai, bà cuống cuồng lên. May nhờ lúc đó, cô con dâu có công chuyện ghé về nhà. Cô gọi xe rồi đỡ bố chồng đi cấp cứu. Suốt thời gian bố chồng bệnh, cô ra vào bệnh viện như thoi.
(Theo SGTT)