Thật tình tôi thấy vui khi lại tiếp tục được xem triển lãm biếm họa lần II với chủ đề Giao thông thời… hội nhập. Mừng vì biếm họa như con chim bắt sâu trị bệnh cho cây đời. Họa sĩ biếm là những thầy lang trị bệnh bằng tiếng cười. Đó là vai trò xã hội của biếm họa và họa sĩ biếm.
Người vẽ biếm có thể chẳng học vẽ. Cái đầu tiên cần có trong họa sĩ biếm là cái máu “phản biện”, một thứ trời cho. Họ soi cuộc sống theo nhiều chiều và không dễ dàng chấp thuận những thực trạng hiện có, họ mổ xẻ nó một cách hóm hỉnh bằng hình ảnh gây ấn tượng, vạch những cái khiếm khuyết cho người xem. Sự phê phán của biếm họa thường nhắm vào các hiện tượng mang tính phổ biến, ít khi nhằm vào cá nhân. Nhưng nhiều khi vẫn bị coi là vạch áo cho người xem lưng. Đối tượng trong “diện” bị đề cập đến bao giờ cũng nơm nớp lo âu vì nó có sức lan truyền mạnh vì người không biết chữ cũng có thể hiểu tranh biếm.
Triển lãm năm nay chủ đề tập trung vào giao thông, với những cách nhìn khác nhau về giao thông. Số họa sĩ tham gia là gần 80, số tranh tham gia là 400, chia trung bình mỗi họa sĩ góp trên 5 tranh. Đó là con số vừa phải trong một cuộc vận động kéo dài 3 tháng. Thật tình triển lãm này chưa góp mặt đầy đủ anh tài trong làng biếm. Có thể những kỳ sau con số sẽ đông hơn khi chiếc cúp của giải ngày càng mở rộng uy tín.
Triển lãm Giải biếm họa Báo chí Việt Nam lần II – Cúp Rồng tre do báo TT&VH tổ chức đang diễn ra Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội và sẽ kéo dài đến 7/4. |
Thực tình khi xem toàn bộ triển lãm thì tôi nhận ra rằng tỷ lệ tranh vẽ minh họa cho ý biếm còn chiếm số đông. Đó là những tranh có hơi nhiều lời chú giải, hơi nhiều chữ trên tranh. Chữ của biếm họa chính là hình nét thể hiện trên tranh, có sức va đập mạnh và người xem đọc ra được từ đấy thì mới đúng là tranh biếm.
Điều này có lý do xã hội của nó. Một là chúng ta quen quá lâu với sự giải thích, không giải thích thì không yên tâm. Về phía người xem thì lại muốn hiểu nhanh, bớt cho mình thời gian ngẫm nghĩ. Cái gì ăn nhanh thì cũng trôi nhanh. Ăn chậm nhai kỹ thì hiệu quả hơn. Nếu xem tranh lâu hơn mới hiểu ý tứ của tranh thì rõ ràng tác dụng của nó cũng bền hơn. Nhưng điều này cần có thời gian làm quen.
Lâu nay trên báo chí tranh biếm cực hiếm, phần lớn tranh thuộc loại minh họa cho ý biếm, chưa xem đã lộ hết ý rồi. Đó là những bức tranh xóa phần lời đi thì nó không còn đất sống. Thực tình đó chưa đạt vào thể loại tranh biếm, chưa thành tác phẩm biếm. Nhưng cách đó lại quá quen trên báo chí. Cách minh họa kiểu này lâu ngày làm nhạt đi vai trò của tranh biếm và người ta hiểu không đúng về giá trị của tranh biếm.
Điều cần thiết là mỗi tờ báo nên mở mục biếm hàng ngày, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình và sát với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế sức mạnh của biếm họa mạnh mẽ chẳng kém gì những bài chính luận, nếu không muốn nói là viết chính luận không thể thay thế.
Lâu nay báo chí chưa thực sự coi trọng tranh biếm khi dành cho nó vị trí như là lấp chỗ trống. Cùng với nhận thức về vai trò tranh biếm đi lên thì những tranh biếm thưc sự có chất lượng cao sẽ xuất hiện và đội ngũ biếm họa sẽ phát triển.
Theo TTVH