c(NSNA) Lê Hồng Linh, Đào Tiến Đạt, Thái Bích Thuận và Trần Phong vừa được Hội Nhiếp ảnh Mỹ xếp hạng cao trong năm 2009.
Cách đánh giá của PSA
Tổ chức các nhà nhiếp ảnh thế giới (Who’s Who in Photography 2009) của Hội Nhiếp ảnh Mỹ (Photographic Society of America’s – PSA) vừa công bố NSNA Lê Hồng Linh được xếp hạng đầu thế giới thể loại ảnh đen trắng khổ nhỏ (20×30 cm) trong năm 2009 với 67 lượt tác phẩm được chọn triển lãm và đoạt giải tại các cuộc thi quốc tế do PSA tổ chức và bảo trợ. Xếp hạng nhì là nhiếp ảnh gia John Williams (Anh); Agatha Bumanta (Indonesia), Karl-Heinz Hansen (Đức) và Wally Cannon (Úc) lần lượt đứng thứ 3 đến thứ 5. Việt Nam còn một nghệ sĩ nữa vào danh sách này là Đào Tiến Đạt (hạng 7). Ngoài ra, Lê Hồng Linh còn đứng hạng 3 và Trần Phong hạng 11 thể loại ảnh màu đề tài du lịch. Thái Bích Thuận giữ thứ hạng 18 thể loại ảnh trắng đen khổ lớn (30×40 cm). Đây là nữ NSNA đầu tiên của Việt Nam được xếp vào top 22 của PSA.
“Năm 1991, tôi có tháp tùng Phó tổng thư ký Hội NSNA Việt Nam lúc bấy giờ là anh Lâm Tấn Tài tham dự Đại hội FIAP ở Tây Ban Nha, lúc đó vẫn nghĩ FIAP oách lắm. Nhưng năm 1998, tại triển lãm Mùa xuân Việt Nam ở Paris, những nhiếp ảnh gia có ảnh hưởng ở Pháp đều ngạc nhiên hỏi tôi vậy FIAP là tổ chức gì? Về sau, các nhiếp ảnh gia Việt Nam ra nước ngoài đều biết điều đó. Tôi nghiên cứu nhiều tài liệu về lịch sử nhiếp ảnh thế giới cũng không thấy nhắc đến FIAP hay PSA dòng nào. Điều đó chứng tỏ chiều sâu và sức ảnh hưởng xã hội của hai giải thưởng này không như một số người nghĩ” – Ông Nguyễn Xuân Khánh, giảng viên khoa Nhiếp ảnh trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM. Q.T (ghi) |
PSA thành lập năm 1934 với tiêu chí: “Quảng bá các tác phẩm nghệ thuật và khoa học vì mục đích giáo dục cho cộng đồng”. Tính đến nay, thành viên của PSA có mặt tại 50 tiểu bang của nước Mỹ và 60 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới. Trụ sở chính của PSA đặt tại thành phố Oklahoma. Theo NSNA Hoàng Trung Thủy – Đại diện PSA tại Việt Nam: “PSA là một tổ chức mang tính liên kết, giao lưu, chia sẻ cộng đồng trong bộ môn nhiếp ảnh, và kèm theo đó là kinh doanh. Nhưng PSA vẫn chưa phải là thước đo chuẩn mực của nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới. Bởi tiêu chuẩn chấm thi của từng cuộc thi, từng khu vực châu lục, từng “gu” giám khảo… của PSA rất khác nhau, các nhiếp ảnh gia tùy chọn mà chơi. Bảng xếp hạng Who’s who? hằng năm của PSA cũng không phân biệt nhiếp ảnh gia đoạt bao nhiêu giải mà tùy thuộc vào tác giả đó có bao nhiêu tác phẩm lọt vào vòng triển lãm của các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế trong năm. Điều này mang ý nghĩa thống kê, người nào chuẩn bị công sức nhiều, bỏ ra phí dự thi nhiều thì càng có cơ hội đứng đầu bảng xếp hạng. Điều này đòi hỏi tiềm lực tài chính của người chơi ảnh, cũng như có lợi cho việc kinh doanh hậu trường của cuộc thi”.
Các giải thưởng khác
Ngoài giải thưởng của PSA, NSNA Việt Nam còn đoạt nhiều giải thưởng của FIAP (Fédération Internationale de L’Art Photographique), Asahi Shimbun, ACCU (Nhật Bản), Daejeonilbo (Hàn Quốc), Worldwide Photography Gala Awards (Anh), Hasselblad Super Austrian Super Circuit (Áo)…
Riêng World Press Photo, thành lập vào năm 1955 tại Hà Lan với mục tiêu chính là hỗ trợ và quảng bá tác phẩm của các phóng viên ảnh chuyên nghiệp, được coi là giải ảnh báo chí danh giá nhất hiện nay thì chưa nhiếp ảnh gia Việt Nam nào giành được giải. Đây cũng là giải quốc tế duy nhất trên thế giới có các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà đa số là phóng viên ảnh báo chí khắp thế giới tham dự. Trong nhiều năm qua, World Press Photo đã trở thành một địa chỉ chung cho hoạt động nhiếp ảnh báo chí và trao đổi thông tin. Hằng năm, World Press Photo tổ chức cuộc thi ảnh với quy mô lớn nhất thế giới và được đánh giá là cuộc thi uy tín nhất trong lĩnh vực này. Ảnh đoạt giải sẽ được triển lãm lưu động tại hơn 80 quốc gia và in trong một tuyển tập với sáu ngôn ngữ.
Theo Thanhnien