Trong vấn đề con rơi, đối với cha mẹ thường chỉ là những vướng mắc liên quan đến pháp lý, đạo đức, quan hệ gia đình, tài sản…
Chẳng hạn, việc thừa nhận đứa con ngoài giá thú này ra sao, có nhìn nhận nó hay không, có bị áp lực dư luận xã hội không, có ảnh hưởng đến quan hệ gia đình của đôi bên không, có tranh chấp gì về tài sản không… Nhìn chung, với những người làm cha mẹ, phải nói thẳng là “có sức làm có sức chịu”, dù đó là kết quả một cuộc tình chớp nhoáng hay một mối duyên mặn nồng dài lâu… Vì vậy, sự chịu đựng, trách nhiệm của họ trong vấn đề này, tuy có nhiều điều để bàn nhưng xét cho cùng, họ phải chấp nhận và đối mặt thôi.
Vấn đề của đứa con rơi mới phức tạp và mang tính nhân văn hơn nhiều.
Trẻ có quyền được hưởng đầy đủ những quyền lợi, tình cảm mà mọi đứa trẻ khác có.
Cô bạn tôi sau khi ly dị chồng mà chưa có con, vì chán ngán cuộc sống hôn nhân nên quyết tâm không lập gia đình nữa, chỉ muốn có một đứa con để an ủi tuổi về chiều. Cô đã ngắm nghía vài “chỗ”. Với hai người bạn thân, họ sẵn sàng “giúp”, nhưng với điều kiện là phải cho họ nhìn con và nhận trách nhiệm chu cấp. Cô không đồng ý, vì như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình của bạn, bởi họ đều có gia đình riêng. Thậm chí, có người còn đồng ý không nhìn nhận trước khi đứa trẻ đủ 18 tuổi nhưng phải cho anh ta qua lại, coi như thăm nom bạn bè bình thường. Cô bạn tôi cũng từ chối, vì việc qua lại này có thể gây ra những hệ lụy phức tạp.
Cô cũng bày tỏ ý định này với một anh vốn là người trước đây cô đem lòng yêu mến nhưng duyên nợ không thành. Cô cũng đặt ra tình huống: để giữ mối quan hệ trong sáng giữa hai người, cô đề nghị sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm tinh trùng của anh, coi như có được đứa con với người mình yêu mà không phải vi phạm những ràng buộc
đạo đức hay xã hội. Cô chấp nhận một mình nuôi con, chịu mọi tốn kém nhưng rốt cuộc anh bạn cũng không đồng ý vì cô vẫn giữ nguyên quan điểm là không cho anh ấy nhận con, dù bất cứ vai trò nào, lý do gì.
Tôi rất chia sẻ nguyện vọng của bạn tôi nhưng tôi cũng khuyên cô nên nghĩ lại. Với một người
đàn ông có trách nhiệm, anh ta sẽ không chấp nhận việc vô tình hay cố ý tạo ra một đứa con rơi.
Thứ nhất, với bản thân anh ta, đó là một điều đáng trách, lại tạo ra tiếng xấu trong dư luận. Thứ hai, đối với gia đình, có thể gây ra những hệ lụy dai dẳng, thậm chí hết sức đáng tiếc (chẳng hạn vô tình dẫn đến loạn luân). Thứ ba, với bản thân người mẹ, đơn thân nuôi con là điều rất vất vả, thà người đàn ông không biết chứ đã biết mà vẫn để người phụ nữ phải ôm gánh nặng nuôi dưỡng đứa con của mình mà không giúp gì là điều bất nhẫn. Thứ tư, với đứa trẻ, nó có tội tình gì mà không được biết mặt cha, không được sống trong tình yêu thương của người cha, trong khi cha nó vẫn ở quanh quẩn đâu đó và đang có cuộc sống bình thường…
Với một người đàn ông có trách nhiệm, anh ta sẽ không chấp nhận việc vô tình hay cố ý tạo ra một đứa con rơi.
Có lẽ do gặp nhiều khó khăn và chắc cũng ít nhiều chia sẻ suy nghĩ của tôi nên cô ấy cũng không “quyết liệt” trong việc tìm cho mình đứa con. Đến nay, cô đang có ý định xin con nuôi.
Người lớn với những ràng buộc này khác, có khi phải chấp nhận hy sinh sự riêng tư của mình, nhưng với đứa trẻ, nó hoàn toàn vô can, vô tội, tại sao lại bắt nó ra đời và sống trong hoàn cảnh thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác?
Về tình cảm, dĩ nhiên nó sẽ thiếu thốn tình cảm hoặc của người cha hoặc của người mẹ, thậm chí cả hai (trường hợp một người nhận nuôi đứa trẻ, nhưng rồi vì lý do gì đó phải gửi lại ông bà hoặc họ hàng nuôi giúp). Điều này sẽ khó giúp trẻ phát triển tâm sinh lý một cách bình thường và thuận lợi.
Về mặt xã hội, trẻ sẽ dễ bị bạn bè đồng lứa hoặc những người khác xem thường, rẻ rúng, hoặc thương hại khiến trẻ bị tổn thương nghiêm trọng. Về mặt vật chất, trẻ khó có điều kiện để được sống trong một môi trường vật chất đầy đủ, nhiều khi phải sớm vất vả kiếm sống. Có thể điều này khiến trẻ trưởng thành sớm, dạn dĩ với cuộc sống, nhưng sẽ ít nhiều làm trẻ bị “chín ép”.
Về mặt giáo dục, khi không có tình cảm đầy đủ của cha mẹ, trẻ khó có thể nhận được sự quan tâm giáo dục, định hướng một cách hợp lý, toàn diện. Do đó, trẻ có xu hướng tự kỷ hoặc dễ nổi loạn, vị kỷ… Khi đó, ai bù cho được những thiệt thòi của trẻ?
Tóm lại, khi đặt ra vấn đề có con rơi hoặc tham gia vào những mối quan hệ để có thể dẫn đến việc có con rơi, người lớn cần nghĩ đến việc đứa con của mình sau này sẽ sống như thế nào. Trẻ có quyền được hưởng đầy đủ những quyền lợi, tình cảm mà mọi đứa trẻ khác có. Người lớn nếu vì lợi ích hoặc lý do riêng của mình mà bỏ qua quyền đó của trẻ là nhẫn tâm, thậm chí là tội ác. Vì vậy, hãy biết dừng lại đúng lúc, đừng để phải ân hận “có những phút vô tình làm một đứa trẻ sinh ra”!