Sinh năm 1987, hiện là du học sinh chuyên ngành Quản lý Dự án và cơ sở hạ tầng tại Đại học Quốc gia Singapore, Đặng Tấn Đức là một chàng trai có nhiều tâm huyết đối với các vấn đề nhân sinh của cộng đồng. Anh chàng đã đi đến Hà Giang, Quảng Nam (Việt Nam) hay đến Malaysia, Cămpuchia, Ghana để triển khai các dự án phát triển giáo dục, y tế, sức khỏe… cho người dân.
Tấn Đức đã có những chia sẻ rất sâu sắc và thiết thực với Zing về những đam mê cũng như kinh nghiệm của một người trẻ về việc gia nhập cuộc sống ở xứ người, tham gia, triển khai các hoạt động xã hội không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi nghèo khổ trên thế giới:
![]() |
Đặng Tấn Đức trên những hành trình vì cộng đồng. |
Quan sát để đồng cảm, băn khoăn và trăn trở
- Điều gì đã thôi thúc bạn trở thành một nhà hoạt động xã hội năng nổ như thế?
- Mình tham gia hoạt động xã hội khi bắt đầu chú ý quan sát cuộc sống xung quanh. Quan sát để thấy mình đang có được rất nhiều may mắn trong cuộc sống, để có những đồng cảm, băn khoăn, và trăn trở trong cuộc sống còn nhiều điều chưa hoàn hảo.
Đó cũng là khát vọng trải nghiệm để biết thế giới mà ta thấy không chỉ là những “hình ảnh” quen thuộc sẵn có xung quanh ta. Quá trình đó sẽ giúp nhân sinh quan của chúng ta được “tròn trĩnh”, sinh động và trung thực hơn. Và càng đi, càng trải nghiệm thì những hoạt động ấy trở thành một thôi thúc, một đam mê, một phần tất yếu mình phải vươn tới trong cuộc sống. Mình bắt đầu hành trình này từ vai trò một thành viên “học việc”, trưởng thành từ quá trình đó rồi có mong muốn tạo ra những cơ hội mới cho các bạn trẻ khác.
- Từng đến Cămpuchia, Malaysia… Tấn Đức có thể chia sẻ cảm nhận của mình về các hoạt động xã hội của giới trẻ ở các nước này?
- Do những dự án mình thực hiện thường làm việc với người dân nông thôn nên chưa tiếp xúc nhiều với các hoạt động xã hội của giới trẻ tại nước khác. Ở Singapore thì chính phủ có nhiều chương trình khuyến khích giới trẻ tham gia dự án tình nguyện trong nước và khu vực. Họ quan niệm đi tình nguyện là dịp để thanh niên trưởng thành hơn nên các chuyến đi được chuẩn bị kĩ, đặc biệt là các kĩ năng để học hỏi, quan sát và tìm hiểu bản thân.
- Được biết, sau khi tốt nghiệp Tấn Đức có dự định làm việc cho tổ chức Africare tại Ghana, tại sao bạn lại lựa chọn Ghana mà không phải là một nước khác?
- Đã từ lâu mình cũng có một mong muốn rất lớn để trải nghiệm cuộc sống tại Châu Phi, nơi các đại dịch tràn lan, nạn đói và các cuộc nội chiến dai dẳng. Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện ước mơ đó trước khi mình bắt đầu cuộc sống đầy bận rộn sắp tới. Mình đã liên hệ với nhiều tổ chức phi chính phủ và Africare Ghana có hồi âm sớm và phù hợp nhất với mình. Có thể đó cũng là “duyên ngộ” vì giáo sư hướng dẫn của mình cũng đến từ đất nước này và một người bạn thân cũng đã thực tập tại Ghana trước đây.
- Tại đó, công việc cụ thể của bạn là gì?
- Mình tham gia một dự án với mục tiêu cải thiện đời sống của người nông dân trồng cây cacao. Ghana đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cacao nhưng đời sống của người nông dân rất khó khăn. Dự án gồm nhiều mảng như lao động trẻ em, giáo dục, sức khỏe, nguồn nước và điều kiện vệ sinh, năng suất canh tác, hoạt động kinh tế phụ trợ… Tổ chức NGO mà mình tham gia phụ trách mảng sức khỏe cộng đồng, nguồn nước và điều kiện vệ sinh. Một nửa thời gian mình ở văn phòng để nhập, phân tích dữ liệu và lên kế hoạch thực hiện. Phần còn lại để đến trực tiếp địa phương để thu thập số liệu và tiến hành những hoạt động của dự án.
![]() |
Mang Mầm xanh đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa của Việt Nam vào năm 2007. |
Sự khởi đầu nào cũng có một cái “duyên”
- Theo bạn, những người trẻ Việt nên chú trọng đến hoạt động xã hội từ thời điểm nào?
- Các bạn trẻ có thể bắt đầu từ thời phổ thông, đại học. Như đã chia sẻ ở trên, sự dấn thân vào những hoạt động xã hội sẽ tác động lớn đển sự trưởng thành của bản thân và nhân sinh quan của mình. Đó cũng là nơi để rèn luyện các kĩ năng lãnh đạo. Thế nên các trường đại học, các công ty hàng đầu cũng rất quan tâm đến điều này bên cạnh năng lực bản thân khi xét tuyển ứng viên.
Tất nhiên sự bắt đầu nào cũng có một cái “duyên”, nhưng hi vọng trong quá trình tham gia chúng ta sẽ “ngộ”, ví dụ từ hình thức, sự tò mò ban đầu rồi chuyển dần thành một nhu cầu, một đam mê.
- Những dự án như thế nào thì phù hợp với họ?
- Nói về giới trẻ thì cũng rất đa dạng nên khó có một công thức chung cho tất cả. Khi bắt đầu quan sát cuộc sống và đặt ra những câu hỏi cho bản thân thì tự nhiên ta sẽ thấy nhu cầu và bắt đầu hành động. Những mảng hoạt động xã hội của các bạn trẻ hiện nay rất đa dạng như trẻ em đường phố, người già neo đơn đến an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và chia sẻ kinh nghiệm phát triển bản thân…
- Với những bạn ở thành phố thì việc tìm một tổ chức hoặc triển khai một dự án là rất khả thi, nhưng với học sinh ở vùng nông thôn thì điều đó lại rất khó khăn, Tấn Đức có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để các bạn ở vùng xa có cơ hội thực hiện?
- Để có giải pháp thiết thực thì phải hiểu được những khó khăn cụ thể của từng trường hợp. Tuy nhiên mình quan niệm không cần phải “hoành tráng” thì một hoạt động mới được đánh giá là thành công. Mẹ Teresa có nói “Chúng ta không thể làm được những điều vĩ đại nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với tình yêu to lớn”. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ trên con đường chinh phục những ước mơ to lớn.
![]() |
Tấn Đức và các bạn du học sinh tại Singapore. |
- Đối với những học sinh vừa đặt chân vào trường học ở nước ngoài, theo Tấn Đức thì nên làm gì để có thể nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới?
- Khi bước chân vào môi trường mới thì dường như ai cũng sẽ có những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu. Có bạn đã có sẵn những kĩ năng (khả năng ngoại ngữ, tinh thần tự lập) để hòa nhập ngay với môi trường mới nhưng cũng sẽ có bạn chưa có sẵn những kĩ năng đó. Điều tạo nên sự khác biệt là cách chúng ta nhìn nhận tích cực, đối phó chủ động với những thách thức đó.
Bên cạnh sự bền bỉ rèn luyện, tinh thần dám dấn thân, dám “thất bại”. Chúng ta đừng để xu hướng “con đà điểu” (mỗi khi thấy kẻ thù thì chỉ vùi đầu xuống cát để không nhìn thấy tương lai ảm đạm sắp tới). Ví dụ thường thấy nhất là việc trau dồi ngoại ngữ, nếu chúng ta tự ti, ngại mắc sai lầm dẫn đến hạn chế giao tiếp thì dường như không bao giờ ta có thể nâng cao khả năng.
Đi du học là một cơ hội lớn để được “tự do”, thúc đẩy tính tự lập của mỗi người, từ đó ta có thể vững vàng tiếp thu tinh hoa hiện đại của nước bạn. Nhưng để “tự do” tạo ra kết quả tích cực phải đi kèm với trách nhiệm, nếu không đi du học cũng là con đường cao tốc để đến những năm tháng phí phạm của tuổi trẻ.
![]() |
Tấn Đức (thứ 2 từ bên phải) chụp ảnh cùng bà Phạm Chi Lan (nguyên Tồng Thư ký và Phó chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tại hội nghị ACC. |
Cũng có lúc cảm thấy cô đơn
- Một ngày của bạn diễn ra như thế nào?
- Do chưa bắt đầu đi làm nên giờ giấc sinh hoạt của mình khá thất thường. Một ngày bắt đầu khoảng 8h sáng. Lúc đó sức tập trung cao nhất nên mình giải quyết công việc quan trọng.
Sau buổi trưa, khả năng tập trung giảm, mình chọn những việc có tương tác sinh động hơn như kiểm tra email, trao đổi, thảo luận. Khoảng 6h chiều mình chơi thể thao. Sau khi ăn tối thì mình đọc báo, xem tin tức, giải trí với các bạn. Tất cả mất khoảng 1 tiếng rưỡi rồi trở lại những việc còn dang dở. Khi công việc hoàn thành mà chưa quá khuya mình dành khoảng 1 tiếng để đọc sách. Mình kiểm tra email và các mạng xã hội trước khi đi ngủ vào khoảng 2h.
Đấy là một ngày lý tưởng, khi có những việc đột xuất thì mình phải điều chỉnh thay đổi.
- Có lúc nào bạn làm việc, học tập mải miết quá, và thấy mình cần dừng lại để có một khoảng lặng?
- Có chứ. Cũng có lúc mệt mỏi, có lúc cảm thấy cô đơn, có lúc lại suy xét những điều mình theo đuổi có “chính đáng” không. Đó là điều bình thường tất yếu của cuộc sống, của tuổi trẻ trên cuộc hành trình của mỗi người.
Mình quan niệm là khi còn trẻ cứ thử sức, thỏa thích những đam mê của mình nhưng đồng thời cũng rất rộng mở để phát hiện những thay đổi. Cho dù ngày mai thức dậy bỗng ngộ ra mình đã sai lầm thì cũng có thể bình thản mỉm cười vì mình đã dám thử, sống hết mình và hôm nay nghiệm được một điều mới. Cũng giống như nhà bác học phải làm hàng trăm, hàng ngàn thí nghiệm cùng với quá trình kiên trì suy luận thì mới có thể tìm ra chân lý mới.
Một khoảng lặng định kì là cần thiết để mọi thứ có thể lắng đọng lại, đầu óc có thể bình tâm suy xét những gì đã xảy ra, điều chỉnh kế hoạch hướng tới tương lai.
![]() |
Chia sẻ yêu thương với nhứng trẻ em ở các nơi khó khăn. |
- Khi đó, bạn thường làm gì?
- Khi cảm thấy stress thì mình thường chạy bộ vào buổi tối, hít thở không khí trong lành để sự phán đoán, suy nghĩ của mình không bị cảm xúc chế ngự. Gần đây mình cũng thử tập một số phương pháp thiền. Khi đầu óc đã tỉnh táo thì mới quay lại đối mặt với vấn đề cần giải quyết. Một cách “phòng chống” là duy trì thường xuyên việc tập luyện thể thao để giữ cơ thể dẻo dai và tinh thần luôn tích cực.
Còn muốn tìm một khoảng trống thực sự khi đang “chạy quá nhanh” thì mình sẽ tìm.
- Mỗi khi nghĩ về thành phố thân yêu của mình, bạn nhớ đến góc phố nào nhất?
- Những quán cà phê trữ tình cũng như “bụi” của Sài Gòn, đường Nguyễn Văn Cừ với hai hàng cây to mát với những kỉ niệm một thời cấp 3, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn gần nhà thiếu nhi TP mà ngày xưa mỗi tối ba, năm, bảy mẹ chở hai anh em đi học võ bằng xe đạp.
- Về nhà, món ăn đầu tiên trong bữa cơm sum vầy của Đức sẽ là món gì?
- Món ăn đầu tiên sau khi xuống sân bay thường là Phở. Còn món ăn thích nhất mà ba nấu là canh chua măng cá bông lau.
- Tấn Đức chia sẻ thêm về những sở thích khác của mình nhé!
- Du lịch bụi và khám phá văn hóa là một sở thích lớn nhất. Mình đã tham gia những chuyển đi tình nguyện ở Preyveng (Cămpuchia), Sabah (Malaysia), Quảng Nam và Hà Giang và gần đây là Ghana.
Ở Sài Gòn, mình thích đến các quán cà phê để nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè hoặc đi ăn với đầy đủ 4 thành viên của gia đình. Ở Hà Nội thì mình thích đi dạo hoặc uống nước quanh các bờ hồ, đặc biệt là Hồ Gươm vì có thể ghé qua phố sách Đinh Lễ, mua kem Tràng Tiền hoặc rong ruổi phố cổ. Thỉnh thoảng mình đến thăm các làng cổ gần Hà Nội, nói chuyện với người lớn tuổi trong làng, chạy xe máy trên các con đường đê với một bên là những thửa ruộng trong tiết trời se lạnh thì thật tuyệt.
Còn ở Singapore thì mình thường đi bơi, chạy bộ, đọc sách và gặp gỡ những người bạn thân. Thỉnh thoảng thì mình xem những chương trình biểu diễn tổ chức trong trường, đến bảo tàng khi có trưng bày mới.
Họ tên: Đặng Tấn Đức Năm sinh: 1987 Cựu THPT Lê Hồng Phong (TP HCM) Du học sinh ngành Quản lý Dự án và cơ sở hạ tầng tại Đại học Quốc gia Singapore Chủ tịch Ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore nhiệm kì 2008-2009. Tham gia dự án SangKhem tại Cămpuchia (tháng 8-12/2006) Tham gia dự án Kiau tại Malaysia (tháng 3/2007) Tham gia dự án VENUS tại Hà Giang (tháng 4/2007) Đồng sáng lập của dự án Mầm xanh, một dự án về giáo dục cộng đồng cho học sinh cấp 1 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vào năm 2007. Tham gia tổ chức cuộc thi hùng biện I4vietnam chủ đề “Giáo dục Việt Nam vào năm 2025″ tại Singapore (2008). Tham dự Đại hội đại biểu hội sinh viên toàn quốc lần thứ VIII (tháng 2/2009 tại Hà Nội), YES 2009 – Kuala lumpur (Malaysia) Thành viên cố vấn của hội Chuyên gia Việt Nam tại Singapore (Vietnam2020), đơn vị tổ chức Hội thảo Basis (Be a Student in Singapore) vừa diễn ra tại Hà Nội và diễn ra tại TP Hồ Chí Minh lúc 13h-18h, thứ Bảy, ngày 19/6 (bắt đầu vào cửa từ 12h), tại trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1. |
Thủy Nguyên
(theo zing)