Trước đây, Ếch ở nhà rất ngoan, biết nghe lời bố mẹ và khi chơi với em rất nhường nhịn em. Dạo này mẹ bận trông em nên Ếch được bố cho đi học ở lớp mẫu giáo. Mới chỉ hơn 1 tháng thôi mà Ếch đã thay đổi khá nhiều, lầm lì hơn, ngang bướng hơn và đặc biệt, hơi một chút là bật khóc ăn vạ.
Theo các chuyên gia tâm lý, một phần thay đổi tâm lý của trẻ là do bị ảnh hưởng từ môi trường mới, do bé phản ứng với những thay đổi do người lớn tạo ra. Trẻ dẫn đến mất khả năng kiểm soát, ức chế tinh thần và xa rời người lớn.
Không chỉ các bé trai, ngay cả các bé gái cũng rất hay khóc lóc ăn vạ, khóc khi phật ý một điều gì đó và chờ cho đến khi yêu cầu được đáp ứng. Vì mục đích của trẻ là để đòi một thứ gì đó nên cha mẹ cũng phải thực hiện đối phó bằng cách nhất định không đáp ứng đòi hỏi đó.
Chỉ cần một lần bố mẹ nhượng bộ, muốn cho con nín và lao đi lấy món đồ con thích, hoặc dỗ dành con nín thì những lần sau đó, bé nhất định sẽ áp dụng lại “chiêu” cũ, thậm chí còn tinh quái hơn. Vì vậy, đối phó với chứng mè nheo của trẻ, đòi hỏi bố mẹ phải cứng rắn và nghiêm khắc.
Khi con khóc lóc ở nhà, hãy kệ bé khóc và bỏ đi chỗ khác, chờ cho đến khi bé nín và tự đi tìm bạn. Lúc đó mới giải thích cho con hiểu là đòi hỏi như thế là không được và lần sau không được như thế nữa, nếu không bạn sẽ tiếp tục bỏ mặc con. Điều quan trọng là không được mềm lòng, đầu hàng khi thấy con khóc quá to.
Chìa khóa của việc đối phó với chứng mè nheo của con chính là bạn phải đánh vào chính quyền lợi của trẻ để bé bị khuất phục hoàn toàn, chứ không nên chạy theo con. Ví dụ, nếu khóc sẽ bị mẹ bỏ mặc, nếu khóc sẽ không được đi ăn kem như mẹ đã hẹn, nếu khóc lần sau sẽ không được đi chơi…
Nếu thấy bị ảnh hưởng tới chính quyền lợi của mình, trẻ sẽ thấy sợ, thấy cần phải ngoan ngoãn hơn để có được thứ mình muốn chứ không phải là khóc rống lên.
Anh Trần (Tổng hợp)
(theo afamily)