Phân loại hương nhu
Cây hương nhu ở nước ta có 2 loại: hương nhu tía và hương nhu trắng, được sử dụng làm thuốc với cùng công dụng.
Hương nhu tía, ở miền Trung và miền Nam thường gọi là “é rừng” hay “é tía”, tên khoa học là Ocimum sanctum L. Hương nhu tía là một loại cây nhỏ, sống hàng năm hoặc nhiều năm; có thể cao 1,5 – 2m. Thân và cành thường có màu tía, có lông quặp. Cây này thường được trồng làm thuốc quanh nhà.
Hương nhu tía.
|
Cây hương nhu trắng, còn gọi là “é lớn lá”, tên khoa học là Ocimum gratissmum L. Hương nhu trắng thường cao hơn hương nhu tía. Hương nhu trắng có hàm lượng tinh dầu cao hơn hương nhu tía, nên có mùi hắc và khó uống. Chủ yếu được khai thác để cất tinh dầu.
Trong Đông y, hương nhu được xếp vào nhóm thuốc chữa cảm lạnh trong loại thuốc chữa bệnh ngoại cảm. Theo Đông y, hương nhu có vị cay, tính hơi ấm, vào 3 kinh phế, tỳ và vị. Có tác dụng làm ra mồ hôi, chữa cảm mạo, giảm sốt, lợi thấp hành thủy. Dùng chữa mùa hè bị cảm nắng, hoặc đi mưa bị nhiễm lạnh người phát sốt phát rét, đầu nhức, bụng đau, miệng nôn, thủy thũng, đi tiêu lỏng, chảy máu cam… Liều dùng: ngày dùng 3 – 8g. Kiêng kỵ: những người âm hư và khí hư không dùng được
Về chuyện cảm nắng uống hương nhu bệnh càng nặng thêm, chúng ta cần đặc biệt lưu ý một vấn đề sau: cảm nắng (thương thử) được Đông y chia thành 2 loại: “Dương thử” và “Âm thử”. Trước khi sử dụng hương nhu để chữa cảm mùa hè, cần phân biệt rõ “Âm thử” hay “Dương thử”.
“Dương thử” là cảm phải nắng nóng, do đi đường xa, làm việc lâu dưới trời nắng nóng… gây nên. “Dương thử” có những biểu hiện của “chứng nhiệt”, phải dùng các vị thuốc mát như: kim ngân, rau má, sắn dây… để chữa trị.
Còn “Âm thử” là trong ngày hè nắng nóng, đêm ngủ ngoài trời, uống quá nhiều nước lạnh, nước đá, ăn quá nhiều những thứ rau quả sống lạnh… khiến cho “hàn khí” cảm nhiễm vào cơ thể mà gây nên bệnh. “Âm thử” có những biểu hiện của “chứng hàn”. Để chữa trị, cần dùng những vị thuốc cay ấm như: hương nhu, tía tô, hoắc hương…
Tóm lại, khi nói “hương nhu là vị thuốc dùng chữa cảm mạo mùa hè”, cần hiểu đó là cảm mạo thể “âm thử”- do nhiễm lạnh trong mùa hè – với những triệu chứng như: sợ lạnh, phát sốt, đầu đau, không ra mồ hôi, bụng đầy, chán ăn, lợm giọng nôn mửa, tiêu chảy…
Một số đơn thuốc mùa hè
Một số đơn thuốc có sử dụng hương nhu để chữa trị các bệnh thường gặp trong những tháng hè:
Chữa cảm nắng, nôn mửa, tiêu chảy hoặc do mùa hè ăn quá nhiều các thứ sống lạnh: hương nhu 12g, tía tô (lá và cành) 9g, mộc qua 9g, sắc nước uống trong ngày.
Hương nhu ẩm: hương nhu 8g, hậu phác 6g, bạch biển đậu (đậu ván trắng) 12g, sắc nước uống. Ngoài cách sắc uống, còn có thể sử dụng dưới dạng thuốc tán: dùng hương nhu 500g, hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g, bạch biển đậu (sao vàng) 2000g, tất cả 3 vị tán nhỏ trộn đều; mỗi lần dùng 10g, pha với nước đun sôi uống. Tác dụng: chữa mùa hè bị cảm do nhiễm gió lạnh, uống quá nhiều thứ nước mát, hoặc bị cảm nắng dẫn đến người phát sốt, sợ lạnh, đầu đau, ngực đầy, không mồ hôi.
Chữa cảm trong 4 mùa (tứ thời cảm mạo): hương nhu tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g, pha với nước sôi hay dùng rượu hâm nóng mà chiêu thuốc; uống vào mồ hôi ra được là khỏi bệnh.
Chữa cảm sốt nhức đầu: dùng lá hương nhu tươi một nắm, giã nhỏ, chế thêm nước sôi, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp lên đầu, trán, và hai bên thái dương. Nếu sốt có mồ hôi thì thêm củ sắn dây tươi 20g, cùng giã vắt nước uống.
Chữa phù thũng, tiểu tiện đỏ, không mồ hôi: hương nhu 9g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, ích mẫu thảo 12g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
Chữa hôi miệng: hương nhu 10g sắc với 200ml nước. Dùng súc miệng và ngậm.
Chữa trẻ nhỏ viêm đường hô hấp trên: hương nhu, hoắc hương, kinh giới, bán hạ, phục linh, đẳng sâm, hoàng cầm – mỗi thứ 10g, cam thảo 5g; sắc với nước, chia thành 4 – 6 lần uống trong ngày.
Chữa trẻ con chậm mọc tóc: hương nhu 40g, sắc với 200ml nước, cô đặc, trộn với mỡ lợn, bôi lên đầu.
Lương y HUYÊN THẢO
(theo suckhoedoisong)