Bốn phát minh lớn của người Trung Hoa: la bàn, thuốc nổ, giấy và nghề in được phổ biến ra thế giới phương Đông. Nghề làm giấy và in ấn bằng bản gỗ cũng nhanh chóng đến Việt Nam, có lẽ từ đầu thế kỷ 11, sau đó thất truyền trong cuộc chiến chống quân Minh (1407-1427) và được học hỏi lại trong thế kỷ 15, nhất là nghề in, khi tiến sĩ nhà Lê Lương Nhữ Hộc đi sứ Trung Quốc, đem về truyền cho hai làng Hồng Lục và Liễu Tràng.
Nghề làm giấy thấy được ở các làng Đống Cao (Bắc Ninh) và Yên Thái (Hà Nội) với nguyên liệu từ các loại vỏ cây dó và dướng. Cho đến nay ở làng Đống Cao chỉ còn một gia đình làm giấy dó cung cấp cho những nơi phục chế ấn loát văn bản cổ, bán cho làng tranh dân gian Đông Hồ làm tranh giấy quét điệp và những họa sĩ vẽ tranh giấy dó.
Thoạt tiên người ta có cảm giác giấy dó không được trong, mỏng và trắng như giấy xuyến Trung Hoa, nhưng cái chất mộc mạc và rất dai của giấy dó khiến nó có vị thế riêng trong nghề giấy, vô hình trung rất hợp với các họa sĩ hiện đại vẽ thuốc nước, mực nho, màu tự nhiên trên giấy dó, và thật ra giấy dó có thể vẽ chồng phủ bằng nhiều chất liệu khác như bột màu, acrylic và cả sơn dầu. Tuy nhiên vẽ để cảm giác được sự ngấm và loang tỏa thì dùng màu nước, màu tự nhiên và mực nho thì tốt hơn.
Khi nhiều chất liệu phương Tây vào VN và cả hai chất liệu truyền thống là sơn mài và lụa được ưa chuộng thì giấy dó chỉ được dùng như phương tiện để in tranh khắc gỗ, vẽ ký họa nhanh, ít họa sĩ dùng vẽ tranh. Những bức tranh vẽ trên giấy dó có thể thấy từ những năm 1940. Những họa sĩ như Nguyễn Trọng Hợp, Mai Văn Nam, Nguyễn Tiến Chung… đều có những tranh thuốc nước vẽ trên giấy dó khá đặc sắc. Nhưng có lẽ phải đợi đến những năm 1980 mới thấy nhiều họa sĩ chuyên vẽ giấy dó như Đào Thành Duy, Nguyễn Xuân Tiệp, Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Quân, Lý Trực Sơn, Thành Chương…
Sáng tác trên giấy dó là thói quen hằng ngày của nhiều họa sĩ hiện tại khiến nó có thể trở thành một chất liệu đặc sắc, có khả năng biểu hiện tâm hồn của người Việt cùng kỹ năng diễn tả chiều sâu hay vẽ thoáng hoạt theo lối thủy mặc.
Cuộc triển lãm chuyên đề giấy dó lần đầu tiên khai mạc từ 21-5 tại gallery Âu Cơ (Hà Nội) của chín họa sĩ: Nguyễn Sỹ Bạch, Nguyễn Văn Cường, Lương Xuân Đoàn, Phạm Viết Hồng Lam, Dương Việt Nam, Lý Trực Sơn, Nguyễn Quân, Nguyễn Xuân Tiệp và Phan Cẩm Thượng, với nhiều cách vẽ khác nhau từ tả thực cho đến biểu hiện, trừu tượng cho thấy khả năng thể hiện của giấy dó là rộng rãi. Tờ giấy dó lúc khô rất dai và chắc chắn nhưng gặp nước dễ thủng và bở ra nên vẽ giấy dó đòi hỏi những kỹ xảo nhất định. Vẽ khô quá thì màu cặn, vẽ sũng quá thì rách giấy và màu rất nhợt, đã đặt bút thì không thể chữa mà chỉ có thể vẽ tiếp hoặc vứt bỏ.
Ngược lại có thể vẽ thuốc nước kết hợp với màu tự nhiên, với mực nho và phấn màu tương đối thoải mái trên tờ giấy dó. Có thể vẽ sâu, tăng độ đậm dần dần, có thể vẽ nhanh trong vài chục phút. Mọi thứ tùy vào họa sĩ cũng như từng tờ giấy dó, và rất khác nhau vì bản chất của nó là chế tác thủ công.
(theo tuoitre)